Tự chủ bệnh viện như thuyền mắc cạn

0:00 / 0:00
0:00
Các bệnh viện tự chủ toàn phần đang lần lượt kêu khó và xin tạm dừng. Tại sao một chủ trương tốt lại gặp nhiều vướng mắc khi triển khai như vậy?
Ngoài việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, các bệnh viện tuyến cuối còn là chỗ dựa cho tuyến trước về chuyên môn kỹ thuật.

Ngoài việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, các bệnh viện tuyến cuối còn là chỗ dựa cho tuyến trước về chuyên môn kỹ thuật.

Mắc cạn

Sau một thời gian thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15/9/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế gồm Bạch Mai, Việt Đức, K, Chợ Rẫy, đến nay, mới có 2 bệnh viện thực hiện thí điểm là Bệnh viện K và Bạch Mai. Có chuyên gia ví von rằng, nếu coi quá trình tự chủ bệnh viện như chiếc thuyền trên sông, thì hiện tại không ít thuyền đang “mắc cạn”.

Chẳng hạn, tại Bệnh viện Bạch Mai, sau 2 năm thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện, PGS-TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện đã kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng thực hiện tự chủ toàn diện do đang phải đối diện với “muôn vàn khó khăn”. Nguyên nhân chính là, trong giai đoạn thực hiện, giá viện phí không được tính đúng, tính đủ.

Cụ thể, giá viện phí của Bệnh viện Bạch Mai phục vụ hơn 95% người bệnh đến khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế, nên mức giá tính theo quy định của bảo hiểm. Trong khi đó, mức giá bảo hiểm y tế được xây dựng cách đây 15-20 năm, được cấu thành 4/7 yếu tố (lẽ ra phải 7/7 yếu tố cấu thành giá). Từ đó đến nay, mức thu vẫn không được điều chỉnh tăng, Bệnh viện không có nguồn kinh phí nào khác, nên tổng thu bù chi không đảm bảo.

Ngoài ra, một tồn tại được PGS-TS. Đào Xuân Cơ chỉ ra là, đến nay, khi không còn tình trạng liên doanh, liên kết, không còn máy xã hội hóa như trước khi tự chủ, nguồn thu của Bệnh viện Bạch Mai suy giảm. Bên cạnh đó, do Bệnh viện thực hiện thu theo giá của bảo hiểm y tế, trong khi nguồn chi rất lớn, dẫn tới thu nhập của cán bộ y tế giảm, khiến nhiều y, bác sĩ trình độ cao dễ chuyển dịch sang y tế tư nhân có mức lương hấp dẫn.

Một lãnh đạo bệnh viện khác đang thực hiện tự chủ toàn phần cho rằng, họ đang phải chịu tác động từ nhiều phương diện mà bản thân không thể chủ động giải quyết được, như các quy định đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, chính sách về tiền lương, chính sách về khám chữa bệnh cho người nghèo, giá viện phí theo bảo hiểm y tế chưa tính đúng, tính đủ chi phí, nên khả năng thu đủ bù chi và có tích lũy để phát triển là rất thấp.

Chưa kể, các yếu tố bên ngoài cũng ảnh hưởng đến tự chủ bệnh viện như chuỗi cung ứng thuốc, vật tư y tế, hay việc thực hiện các biện pháp xã hội, phải thực hiện trách nhiệm tham gia phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng, hay hỗ trợ nguồn nhân lực cho các địa phương, đơn vị khác. Đặc biệt, tính tự chủ của bệnh viện bị hạn chế rất nhiều và vai trò tự chủ của bệnh viện không có nhiều ý nghĩa. Ví dụ, việc mua sắm vẫn phải theo quy định về đấu thầu, có loại hàng hóa mua theo kết quả đấu thầu tập trung.

Đảm bảo mục tiêu công bằng tiếp cận dịch vụ

Khi thực hiện tự chủ toàn diện, một vấn đề xã hội cần được quan tâm là sự cân bằng giữa tự chủ với việc thực hiện trách nhiệm xã hội và công bằng trong khám chữa bệnh.

Một số ý kiến cho rằng, cơ chế tự chủ tiềm ẩn nguy cơ các bệnh viện có khuynh hướng phải tìm kiếm thêm doanh thu thông qua việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao và xem nhẹ các dịch vụ cơ bản, khuyến khích khám chữa bệnh theo yêu cầu (có giá cao hơn khám chữa bệnh bảo hiểm y tế), dẫn đến chức năng xã hội của bệnh viện bị giảm sút, ảnh hưởng đến tiếp cận dịch vụ y tế của người nghèo.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), các bệnh viện công lập phải thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của mình là công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các bệnh viện công lập có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ với ý nghĩa là dịch vụ công bao gồm các dịch vụ khám chữa bệnh cơ bản do ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế chi trả, các dịch vụ khám chữa bệnh ngoài phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế và các dịch vụ y tế bổ trợ có tính chất nâng cao.

Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, các bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai và Việt Đức còn đóng góp vào quá trình quản lý phát triển của Nhà nước đối với hệ thống y tế các bệnh viện tuyến cuối như là người dẫn dắt về chuyên môn kỹ thuật, đồng thời là chỗ dựa cho hệ thống y tế trong những biến cố liên quan, nên phải thực sự vững chắc và ổn định. Bất kỳ biến cố bất lợi nào xảy ra tại tuyến này sẽ kéo theo hệ lụy của hệ thống và cả sự ổn định xã hội và niềm tin của nhân dân.

Trước những tồn tại nêu trên trong quá trình thực hiện tự chủ toàn diện, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị cần tính đúng, tính đủ giá viện phí theo bảo hiểm y tế (đủ 7 yếu tố cấu thành), bảo đảm nguồn thu cho bệnh viện để đầu tư trang thiết bị, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất…, bảo đảm công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Đồng thời, dừng thí điểm tự chủ toàn diện, chỉ nên thí điểm theo Nghị định 60/2022/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành.

PGS-TS. Đào Xuân Cơ cho biết, với mức thu một ca siêu âm ổ bụng là 43.900 đồng, thì tổng số tiền Bệnh viện Bạch Mai thu được từ lúc mua máy đến khi máy hết khấu hao không đủ chi phí mua máy, chưa tính đến trả nhân công. “Tự chủ trong điều kiện đó thì không thể thực hiện được. Hậu quả là không chỉ Bệnh viện Bạch Mai, mà các bệnh viện công đang tự chủ tài chính cũng không đảm bảo lấy thu bù đủ chi”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai than thở.

Tin bài liên quan