Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Từ lời hứa hạ giá nhà của Bộ trưởng

(ĐTCK) Sáng nay, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc. Với thị trường bất động sản, đây cũng là dịp để nhìn lại các giải pháp điều hành để đảm bảo thị trường này phát triển lành mạnh như lời hứa trước đó của cơ quan quản lý thị trường trước Quốc hội. 

Còn nhớ, tại phiên chất vấn trong kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi đầu tháng 6 vừa qua, khi được các đại biểu Quốc hội chất vấn về tình trạng giá bất động sản đang "cao so với giá trị thực, thu nhập người dân", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã đưa ra một loạt giải pháp, trong đó đáng chú ý là giải pháp tăng nguồn cung.

Theo Bộ trưởng, tăng cung sẽ làm giảm giá nhà!

Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra là tất cả các báo cáo quý của các công ty tư vấn đều cho biết, giá nhà tăng dần đều từ đầu năm đến nay tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM. Một phần nguyên nhân là tại các thị trường này, doanh nghiệp xin cấp phép dự án, mở bán sản phẩm mới “khó như lên trời”. 

Trong một khảo sát công bố cách đây vài tuần, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, trong 3 năm qua, giá đất tăng thấp nhất 1,5 - 2 lần và cao nhất 3 - 4 lần, nếu lấy trung bình là tăng gấp đôi. Trong khi đó, nếu tính trong vòng 10 năm qua, tức giai đoạn 2009 - 2019, giá trị mỗi m2 đất tăng trong ngưỡng 4 - 10 lần tùy vào từng khu vực.

Và trong giai đoạn này, nếu chỉ trông đợi tăng thu nhập thông thường thì giấc mơ có nhà là không tưởng!

Trong khi đó, báo cáo công bố mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tính tới hết quý III/2019, tổng nguồn cung chung cư của Hà Nội đạt 17.122 căn, giảm 29,55% so với cùng kỳ năm trước; tổng nguồn cung chung cư của TP.HCM thậm chí giảm tới 38,3% so với 9 tháng đầu năm 2018, đạt 21.026 căn hộ.

Không những vậy, nếu tính sát hơn, ngoại trừ số lượng nguồn cung khổng lồ của chuỗi dự án mang thương hiệu Vinhomes của Tập đoàn Vingroup ra mắt từ cuối 2018 đến nay với hàng chục nghìn căn hộ, thì có thể thấy, nguồn cung chung cư từ các chủ đầu tư khác đã sụt giảm ở mức độ như thế nào.

Trong đó, số lượng dự án mới được cấp phép nhỏ giọt, trong khi nguồn cung chủ yếu là từ ở một số dự án cũ nay mới bung hàng hoặc nguồn cung từ một số dự án treo nay được tái khởi động và bắt đầu chào bán ra thị trường.

Hiệu quả của giải pháp tăng cung để giảm giá nhà có thể còn phải bàn, và việc chậm cấp phép dự án đến từ rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, rõ ràng là chưa thấy những động thái can thiệp thực sự vào thị trường bằng các chính sách để thị trường vận hành một cách bình thường.

Nói vậy bởi thực tế hiện nay, thị trường không phát triển bình thường, rất nhiều chủ đầu tư, doanh nghiệp môi giới cho biết, họ đang “nghiến răng” chịu đựng để tiếp tục hoạt động bình thường về mặt hình thức.

Nhưng nghiến mãi thì “răng cũng mòn” và bức tranh khó khăn thực sự tất yếu phải bung ra.

Ghi nhận của Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, một dự án chỉ có quy mô vài trăm căn hộ, nhưng cũng đủ các thủ tục từ trên xuống dưới, và chủ doanh nghiệp chí ít mất tới vài năm, qua đủ tầng lớp bộ, ban, ngành cơ quan có liên quan mới hoàn thiện xong để có thể triển khai cho đúng quy định.

Chưa kể, dù ít nói ra vì vấn đề mang tính "nhạy cảm, khó nói", nhưng không ít chủ doanh nghiệp chia sẻ trong lúc trà dư tửu hậu rằng, gánh nặng từ các khoản chi phí bôi trơn hiện nay là quá lớn. Càng muốn làm nhiều tiện ích cho khách hàng lại càng thêm nhiều thủ tục và lại càng nhiều chi phí bôi trơn để đẩy nhanh tiến độ. Câu chuyện lùm xùm liên quan đến một số cán bộ thanh tra xây dựng đòi “chung chi” hàng tỷ đồng tại một dự án bất động sản ở Vĩnh Phúc cho thấy điều đó.

Và hệ quả để lại là các doanh nghiệp buộc phải hạch toán vào giá bán sản phẩm để bù đắp tổn thất và đảm bảo bài toán lợi ích kinh doanh của mình.

Và vì thế, trông chờ giải pháp giảm giá nhà theo cách thông thường là khó có thể xảy ra!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan