Nhu cầu về USD được dự báo sẽ tăng dần về cuối năm

Nhu cầu về USD được dự báo sẽ tăng dần về cuối năm

Tỷ giá bình ổn trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sức ép với tỷ giá hối đoái của Việt Nam có xu hướng giảm, nhưng nhu cầu ngoại tệ đang tăng.

Giá bán tại Sở Giao dịch liên tục hạ

Anh Chính, chủ một cửa hàng kính mắt trên phố Hàng Bông, Hà Nội cho biết, doanh số bán hàng thời gian qua có chậm lại do nhiều nguyên nhân như khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng nên hàng nhập khẩu từ nước ngoài về bị “đội” chi phí.

“Tỷ giá tăng, phần trượt giá tính vào hàng hoá nên cửa hàng không bị lỗ, nhưng trong bối kinh tế khó khăn, nhu cầu mua sắm của người dân vốn đang tiết giảm mà giá hàng lại tăng nên khách cũng thưa thớt”, anh Chính nói.

Câu chuyện cũng tương tự đối với chị Lan Hương, đang sinh sống ở Mỹ và bán hàng online qua Facebook cho hay, trước đây, khách không cần bắt buộc trả tiền ngay khi đặt mua sản phẩm, mà có thể thanh toán sau khi nhận hàng ở Việt Nam. Nhưng trong bối cảnh tỷ giá thay đổi liên tục, khách đặt hàng phải thanh toán ngay để tránh thiệt hại về tỷ giá do hàng mua bên Mỹ thanh toán bằng USD, hàng trả ở Việt Nam thanh toán bằng đồng Việt Nam (VND).

“Để có tiền USD, tôi phải thông qua trung gian không phải là ngân hàng để được trả bằng tiền USD với khối lượng lớn và rất nhanh ở Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa, tôi phải trả chi phí mua ngoại tệ theo giá của thị trường tự do cùng chi phí chuyển tiền nhanh ra nước ngoài”, chị Hương chia sẻ.

Tuy vậy, quan ngại về tỷ giá tăng của anh Chính và chị Hương có lẽ sẽ giảm dần trước diễn biến thị trường ngoại hối đang có những thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Cụ thể, phiên ngày 2/12/2022, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.660 VND/USD, giảm 2 đồng so với phiên trước đó và là phiên giảm thứ ba liên tiếp (tổng cộng giảm 7 đồng). Tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên, niêm yết ở mức 24.840 VND/USD. Cơ quan này không niêm yết tỷ giá mua giao ngay.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên 2/12/2022 ở mức 24.385 VND/USD, giảm 245 đồng so với phiên 30/11. Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do giảm 290 đồng ở chiều mua vào và giảm 230 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.570 VND/USD và 24.730 VND/USD.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang trong đà hạ tỷ giá bán tại Sở giao dịch kể từ ngày 11/11/2022. Thời điểm đó, nhà điều hành đã điều chỉnh tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước từ 24.870 đồng/USD xuống 24.860 đồng/USD. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá kể từ đầu năm 2022, sau khi có 6 lần thực hiện nâng giá bán USD, từ 23.050 đồng/USD lên 24.870 đồng/USD, tổng cộng tăng 1.720 đồng, tương đương tăng 7,4% (lần gần nhất là ngày 24/10, tỷ giá tăng 490 đồng, lên 24.870 đồng/USD).

Nhận định về diễn biến trên, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, áp lực về tỷ giá hối đoái đang giảm. Lạm phát của các nước, đặc biệt là Mỹ giảm nhanh và chỉ số US Dollar Index (DXY) đã đạt đỉnh ở mức 115, sau đó xuống 109. Quan trọng hơn, nếu Mỹ kéo dài tình trạng USD tăng giá thì kinh tế nước này cũng “mệt mỏi”, ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại.

“Tôi nghĩ, sớm hay muộn, Mỹ cũng phải tìm cách hạ US Dollar Index (DXY) xuống bằng nhiều biện pháp, trong đó giảm mức độ tăng lãi suất, cho nên sức ép với tỷ giá hối đoái của Việt Nam đang có xu hướng giảm”, TS. Nghĩa nói.

Thứ hai, FDI đăng ký giảm, nhưng FDI giải ngân lại tăng tốt. Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI vào Việt Nam từ đầu năm 2022 đến ngày 20/11 đạt 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Trái ngược với vốn đăng ký, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ, đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.

Thứ ba, tỷ giá hối đoái tăng thì xuất khẩu có lợi. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 673,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 342,2 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 331,6 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 10,6 tỷ USD sau 11 tháng.

“Kiều hối cuối năm có thể tăng lên, cộng thêm những động thái của Ngân hàng Nhà nước trong bình ổn tỷ giá hối đoái, đó là cơ hội để chúng ta giữ cho được tỷ giá hối đoái biến động ở mức 10% vào cuối năm nay, thậm chí có thể đến giữa năm sau”, TS. Nghĩa nhận định.

Nhu cầu ngoại tệ tăng

Tỷ giá liên ngân hàng hạ nhiệt về vùng 24.800 đồng/USD, nhưng tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn duy trì ở mức trần biên độ mới so với tỷ giá trung tâm.

Điểm đáng chú ý cuối tuần qua là bài phát biểu sáng 1/12/2022 theo giờ Việt Nam, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng, lạm phát có dấu hiệu đi xuống, nhưng vẫn ở mức cao, thể hiện sự mất cân bằng cung - cầu và cần được đưa trở lại mức mục tiêu 2%. Theo đó, quá trình tiếp tục tăng lãi suất cơ sở là cần thiết.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ tác động lên nền kinh tế luôn có độ trễ không chắc chắn và những tác động từ việc thắt chặt của Fed chưa được cảm nhận đầy đủ. Do vậy, điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất khi đã đến gần mức hiệu quả để giảm lạm phát là hành động hợp lý. Thời gian thực hiện điều chỉnh tốc độ có thể đến sớm, ngay trong cuộc họp tháng 12 này.

Ông Jerome Powell cũng cho rằng, thời điểm giảm tốc lãi suất ít quan trọng hơn so với câu hỏi cần tăng lãi suất lên bao nhiêu và duy trì trong khoảng thời gian bao lâu, lịch sử đã cảnh báo mạnh mẽ về hệ quả của việc sớm nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại.

Công cụ của Sàn giao dịch hàng hóa Chicago cho thấy, 70% khả năng Fed sẽ tăng 0,5% lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 12, chỉ có 30% khả năng tăng 0,75%. Điều này đồng nghĩa với USD sẽ tiếp tục hạ nhiệt.

Tuần qua, VPBank đã công bố thông tin Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa hoàn tất giải ngân cho Ngân hàng khoản vay trị giá 150 triệu USD, tương đương gần 3.700 tỷ đồng, với kỳ hạn 5 năm.

Trước đó, VPBank ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng) từ 5 định chế tài lớn, gồm Ngân hàng Phát triển châu Á, Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.

Tương tự, VIB vừa nhận giải ngân khoản vay trị giá 150 triệu USD (tương đương 3.700 tỷ đồng) từ IFC.

SeABank huy động thành công vốn từ Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC) với khoản vay trị giá 200 triệu USD. Trước khi nhận được khoản vay từ DFC, SeABank được IFC và 5 quỹ đầu tư quốc tế khác cấp gói tín dụng trị giá 220 triệu USD.

Đầu tháng 12/2022, HDBank đã lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, Ngân hàng xin điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại từ 18% lên 20%.

Thị trường tỷ giá là thị trường kỳ vọng. Trước việc nguồn vốn của các ngân hàng vay từ nước ngoài được giải ngân hay được chấp thuận tiếp cận vốn vay đã mang đến những tín hiệu tích cực trên thị trường.

Tuy nhiên, một diễn biến đáng chú ý là tỷ giá liên ngân hàng hạ nhiệt về vùng 24.800 đồng/USD, nhưng tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn duy trì ở mức trần biên độ mới so với tỷ giá trung tâm. Điều này cho thấy, nhu cầu ngoại tệ trong hệ thống tăng lên đáng kể.

“Tỷ giá sẽ khó có thể giảm mạnh (kể cả trong trường hợp USD thế giới giảm) khi nhu cầu về USD sẽ tăng dần về cuối năm và tâm lý găm giữ vẫn còn”, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI nhận định.

Tin bài liên quan