Tỷ giá USD/VND tăng lên mức kỷ lục gần 25.000 đồng, nhưng tỷ lệ mất giá của VND vẫn thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới

Tỷ giá USD/VND tăng lên mức kỷ lục gần 25.000 đồng, nhưng tỷ lệ mất giá của VND vẫn thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới

Tỷ giá USD/VND trong hiệu ứng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngay sau khi Việt Nam nới biên độ tỷ giá USD/VND, tỷ giá tăng lên mức kỷ lục gần 25.000 đồng, nhưng tỷ lệ mất giá của VND vẫn thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có kế hoạch nâng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp vào tháng 11/2022 và dự kiến lãi suất đạt khoảng 4,5% vào đầu năm 2023 từ mức 3,25% hiện tại, nên đồng USD nhiều khả năng tiếp tục mạnh lên.

Thống kê từ đầu năm 2022 tới ngày 19/10, chỉ số Dollar Index - đo lường giá trị của USD với 6 đồng tiền mạnh gồm Euro, yên Nhật, bảng Anh, franc Thuỵ Sĩ, đô la Canada và đồng Krona Thuỵ Điển - đã tăng 17,7%, từ 96 điểm lên 113 điểm, đồng nghĩa USD tăng giá gần 18%. Nếu coi USD là đồng tiền định giá, đồng tiền của nhóm 6 quốc gia/khu vực nói trên mất giá hơn 15%.

Trong cùng khoảng thời gian, chỉ số tiền tệ các thị trường mới nổi (MSCI) giảm 8,9%, từ mức 1.734,37 điểm về 1.579,55 điểm, tức rổ tiền tệ của các quốc gia mới nổi đã mất giá trung bình 8,9% so với đồng USD.

Trong khi đó, thống kê 23 đồng tiền của các quốc gia đang phát triển được theo dõi bởi Bloomberg cho thấy, 21 đồng tiền có hiệu suất cao hơn đồng bảng Anh, 19 đồng tiền vượt trội so với đồng Euro và tất cả 23 đồng tiền này đều hoạt động tốt hơn đồng yên Nhật.

Như vậy, mức mất giá của các thị trường mới nổi và đang phát triển so với USD thấp hơn so với mức mất giá của các thị trường phát triển.

Nguyên nhân của các hiện tượng trên do một số ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi đã tăng lãi suất chính sách khá sớm, bắt đầu từ giữa năm 2021 và đang được hưởng lợi từ điều đó.

Ngoài ra, khi thế giới liên tục chao đảo do xung đột Nga - Ukraine rồi đến khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và bất ổn chính trị ở Anh, danh tiếng của các quốc gia phát triển là điểm đến đầu tư an toàn hơn đã không còn nữa.

Thêm nữa, sự khác biệt lãi suất giữa hai khu vực khá rõ nét. Cụ thể, không có đồng tiền nào trong nhóm G10 có lãi suất chính sách trên 3%, trong khi các quốc gia đang phát triển đưa ra mức lãi suất cao hơn nhiều, trong đó mức lãi suất 4,25% của Indonesia là một trong những mức lãi suất thấp nhất và lãi suất chính sách của Brazil vượt quá 13%.

Chính vì những nguyên nhân trên, mặc dù cũng mất giá so với đồng USD, nhưng đồng tiền các quốc giá mới nổi, đang phát triển có mức mất giá thấp hơn các quốc gia phát triển.

Xét đồng Việt Nam (VND), theo dữ liệu của Investing.com, từ ngày 1/1/2022 đến 19/10/2022, tỷ giá USD/VND tăng 7,12%, từ 22.825 đồng lên 24.450 đồng. Nếu xét VND là đồng tiền cơ sở, đồng tiền của Việt Nam mất giá 6,54% so với đồng USD (xem bảng).

So với rổ tiền tệ của các quốc gia mới nổi trong MSCI, VND mất giá 6,54% so với USD, thấp hơn mức mất giá 8,9% trung bình nhóm, đồng thời mất giá ít hơn nhiều so với mức 15% của rổ tiền tệ các quốc gia phát triển.

Nói cách khác, VND có xu hướng mất giá so với đồng USD như các nước cận biên và mới nổi, nhưng lại mạnh hơn một cách tương đối so với đồng tiền các nước phát triển.

Việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá khiến tỷ giá tăng, tức VND giảm giá có tác động bất lợi đến các doanh nghiệp nhập khẩu, nhưng VND giảm sức mạnh so với đồng tiền các nước phát triển mà Việt Nam xuất khẩu sang như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… sẽ giúp hàng hoá vào các thị trường này có tính cạnh tranh hơn.

Trái ngược với các tiền tệ trên thế giới, riêng đồng Ruble của Nga tăng giá 23,03% so với đồng USD kể từ đầu năm 2022 tới ngày 19/10, do các quốc gia không thân thiện với Nga phải mua Ruble để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu dầu và khí, theo chính sách của nước này.

Tin bài liên quan