VAMA đề xuất không đưa chính sách hạn chế xe động cơ đốt trong ngay giai đoạn này

0:00 / 0:00
0:00
VAMA đề nghị Chính phủ không đưa ra chính sách hạn chế xe động cơ đốt trong ngay trong giai đoạn này bởi lo ngại ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, công ăn việc làm của người lao động và thu ngân sách.
Dây chuyền sản xuất của Mercedes-Benz tại Việt Nam

Dây chuyền sản xuất của Mercedes-Benz tại Việt Nam

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA), kinh nghiệm trên thế giới cho thấy các nước khuyến khích phát triển xe điện nhưng không cấm hoặc hạn chế xe xăng/dầu bằng những biện pháp chính sách thuế/phí cứng nhắc nhằm bảo đảm nguồn lực cần thiết cho việc chuyển đổi.

Thay vào đó, Chính phủ trước hết nên xây dựng các chính sách hỗ trợ, trợ cấp cho người tiêu dùng chuyển đổi phương tiện động cơ đốt trong cũ, không đảm bảo an toàn, kỹ thuật môi trường sang các dòng xe thân thiện với môi trường.

Liên quan đến đề xuất thu phí khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trong giai đoạn 2023-2024, VAMA cũng kiến nghị bỏ nhiệm vụ này trong Phụ lục về Nhiệm vụ xây dựng Cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện tại Việt Nam (mục nhiệm vụ của Bộ Tài chính).

Lý do là bởi, theo lộ trình trong Quyết định 876/QĐ-TTg/2022 đã có Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh; giai đoạn 2031-2050, tới 2040: từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Do đó, các giải pháp chính sách cần cân đối theo lộ trình đã đề ra để có thời gian và nguồn lực để chuyển đổi.

VMAA cũng cho rằng, cần chú trọng phát triển cân đối ngành công nghiệp ô tô trong giai đoạn chuyển đổi. Việc chuyển đổi đòi hỏi nhiều nguồn lực đối với nhà nước, doanh nghiệp và tác động trực tiếp đối với lợi ích của người dân. Do đó cần bảo đảm cách tiếp cận cân bằng, phát triển hài hòa tránh gây ra xáo trộn của thị trường, ảnh hưởng đến việc xem xét đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh xe ô tô của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trước đó, VAMA đã nhận được công văn từ Bộ Giao thông Vận tải về việc góp ý cho dự thảo lần hai “Báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh tại Việt Nam” và nhận thấy rằng các ý kiến đóng góp của VAMA vào cuối tháng 7/2023 chưa được phản ánh vào Dự thảo Báo cáo mới được gửi.

Trên tinh thần đó, VAMA thật sự mong muốn được đóng góp ý kiến với Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ, ngành có liên quan để xây dựng Đề án tổng thể cũng như những giải pháp về chính sách phát triển cho ngành công nghiệp ô tô.

“Chúng tôi hiểu đó cũng là tương lai của các doanh nghiệp chúng tôi, là cuộc sống của người lao động của chúng tôi và gia đình của họ cũng như đối với các doanh nghiệp và người lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ và thương mại có liên quan”, VAMA nhận xét.

Các mẫu xe hybrid phù hợp với giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi sang dùng hoàn toàn năng lượng điện

Các mẫu xe hybrid phù hợp với giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi sang dùng hoàn toàn năng lượng điện

Ngoài ra, tổ chức này cũng đề nghị bổ sung thêm hai loại ô tô điện là: xe ô tô Hybrid điện (Hybrid Electric Vehicles – HEV) và xe ô tô Hybrid điện sạc ngoài (Plug-in Hybrid Electric Vehicle – PHEV) bên cạnh các loại xe ô tô điện chạy pin (Battery electric vehicles - BEV), xe ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu (Fuel cell electric vehicles- FCEV) và xe ô tô năng lượng mặt trời (Solar electric vehicles - SEV) là đối tượng xe điện được hỗ trợ chính sách.

Lý do là vì HEV và PHEV là các loại xe đã được chứng minh là thân thiện với môi trường, giúp giảm phát thải khí nhà kính và công nghệ đã sẵn sàng, các mẫu xe đã được thương mại hóa và bán rộng rãi, phù hợp với điều kiện thực tế của giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi sang các loại xe sử dụng hoàn toàn năng lượng điện như BEV.

Đặc biệt là khi xem xét lượng phát thải khí nhà kính của cả quá trình tính từ lúc khai thác, chế biến nhiên liệu (bao gồm cả quá trình tiêu thụ nhiên liệu để tạo ra điện năng sử dụng cho xe điện), phân phối nhiên liệu/năng lượng điện cho đến quá trình sử dụng phương tiện, được gọi là “well-to-wheel” để tính ra hiệu quả sử dụng nhiên liệu/năng lượng toàn diện của các dòng xe này so với BEV trong giai đoạn hiện tại và tương lai gần.

“Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ trong tương lai đối với các loại xe sử dụng các công nghệ mới như FCEV và SEV. Tuy nhiên, những công nghệ này hiện vẫn đang được các hãng xe trên thế giới tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, chưa thể được thương mại hóa và bán rộng rãi ngay lập tức. Do vậy, việc hỗ trợ cho HEV và PHEV trong giai đoạn đầu của lộ trình chuyển đổi là cần thiết và hợp lý”, VAMA cho biết.

Liên quan đến khái niệm ”năng lượng xanh”, VAMA cũng bày tỏ mong muốn được làm rõ và trao đổi đóng góp ý kiến về năng lượng xanh bao gồm những loại nào, từ đó doanh nghiệp có thể chuẩn bị phù hợp cho việc chuyển đổi sang các loại xe sử dụng năng lượng xanh.

Tin bài liên quan