VAMC - Công cụ đắc lực trong xử lý nợ xấu

VAMC - Công cụ đắc lực trong xử lý nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau gần 10 năm nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giao, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) đã khẳng định được vai trò là công cụ đặc biệt trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần xử lý nhanh, dứt điểm và đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD về mức an toàn, khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Những kết quả đạt được

Mặc dù chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19 và các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản… có nhiều biến động, nhưng VAMC tiếp tục khẳng định vai trò là công cụ đắc lực trong việc mua bán, xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD khi vẫn nỗ lực thích ứng, đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ, phấn đấu thực hiện kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước giao.

Cụ thể, lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/12/2022, VAMC đã mua 27.891 khoản nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của 17.269 khách hàng với giá mua nợ là 378.917 tỷ đồng và tổng dư nợ gốc nội bảng là 412.242 tỷ đồng; mua 393 khoản nợ xấu theo giá trị thị trường của 201 khách hàng với giá mua nợ là 12.885 tỷ đồng và dư nợ gốc nội bảng là 12.183 tỷ đồng.

TS. Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC

TS. Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC

Kết quả trên góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 3%. VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý được 332.972 tỷ đồng dư nợ gốc, đạt 79% tổng số dư nợ gốc đã mua.

Năm 2022, VAMC đã đạt 3/4 chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động theo Kế hoạch tài chính năm 2022, chỉ tiêu lợi nhuận ước vượt 23% kế hoạch (tăng 32% so với năm 2021), tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu vượt 19% kế hoạch.

Nhờ tác động tích cực của Nghị quyết 42/2017/QH14 kết quả xử lý, thu hồi nợ của VAMC từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến cuối năm 2022 đạt 66% tổng giá trị thu hồi nợ. Cùng với sự ra đời của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, hoạt động đấu giá khoản nợ/tài sản bảo đảm do VAMC trực tiếp thực hiện cũng được đẩy mạnh, lũy kế từ năm 2018 (năm đầu tiên thực hiện đấu giá) đến cuối năm 2022, VAMC đã tổ chức đấu giá thành công 22 tài sản với tổng số tiền trúng đấu giá đạt 2.516 tỷ đồng.

Thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ

Trong những năm qua, VAMC đã tích cực thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ xấu, bao gồm tăng cường hoạt động mua bán, xử lý nợ theo giá trị thị trường; thành lập và vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC và đẩy mạnh hoạt động của Câu lạc bộ Xử lý nợ (Câu lạc bộ AMC).

Hoạt động của Sàn giao dịch nợ đã góp phần minh bạch hóa thông tin các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm, thúc đẩy thanh khoản trên thị trường, hướng tới mục tiêu đưa VAMC trở thành trung tâm cung cấp thông tin về nợ xấu của các TCTD. Đến ngày 31/12/2022, có 154 khách hàng đăng ký thành viên; ký được 18 hợp đồng nguyên tắc môi giới bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm và 10 hợp đồng tư vấn khoản nợ, qua đó thực hiện đăng tải thông tin, niêm yết khoản nợ, tài sản bảo đảm trên website của Sàn giao dịch nợ với tổng giá trị dư nợ và tài sản bảo đảm là 37.140 tỷ đồng; giá trị khoản nợ/tài sản bảo đảm tư vấn là 339 tỷ đồng; giúp TCTD xử lý thành công 297 khoản nợ/tài sản bảo đảm với giá trị 644 tỷ đồng thông qua đăng tin, niêm yết trên website của Sàn.

VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý được 332.972 tỷ đồng dư nợ gốc, đạt 79% tổng số dư nợ gốc đã mua. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 3%...

TS. Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC

Với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xử lý nợ, VAMC đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các hoạt động: Vận động hội viên câu lạc bộ tham gia Sàn giao dịch nợ VAMC (đến nay, trên 90% hội viên là thành viên của Sàn); tổng hợp và đề xuất các giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam, các nội dung liên quan đến xây dựng chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng luật hóa Nghị quyết 42/2017; mở rộng thành phần hội viên, thu hút sự quan tâm của một số tổ chức có yếu tố nước ngoài, chẳng hạn năm 2022 đã kết nạp thêm 2 hội viên liên kết là 2 công ty mua bán nợ của Hàn Quốc…

Mục tiêu năm 2023

Trong năm 2023, VAMC dự kiến mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt tối đa là 12.000 tỷ đồng (giá mua nợ), mua nợ xấu theo giá trị thị trường đạt hơn 2.700 tỷ đồng và xử lý thu hồi nợ đạt 14.000 tỷ đồng (dư nợ gốc).

Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, VAMC xây dựng các nhóm giải pháp nhằm tổ chức thực hiện công việc trong năm 2023, cụ thể: Đẩy mạnh việc tìm kiếm, khai thác danh sách các khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, các khoản nợ đang hạch toán nội, ngoại bảng tại TCTD; triển khai làm việc với các TCTD và đối tác, lựa chọn các khoản nợ có tính khả thi trong việc xử lý sau khi mua để thực hiện mua khoản nợ theo giá trị thị trường.

Tập trung rà soát, đánh giá thực trạng và phân loại khách hàng, khoản nợ/tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua để xác định khả năng thu hồi và có phương án xử lý phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và khách hàng vay để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đến khoản nợ/tài sản bảo đảm nhằm đẩy nhanh tiến độ mua nợ, xử lý nợ.

Đặc biệt, tổ chức tiếp xúc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp cận danh mục, hồ sơ pháp lý các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm để giới thiệu và chào bán các khoản nợ/tài sản bảo đảm phù hợp với nhu cầu của từng nhà đầu tư nhằm đẩy mạnh công tác xử lý và thu hồi nợ.

Theo dõi, đôn đốc các TCTD thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm mà VAMC đã ủy quyền; tiếp tục hỗ trợ các TCTD và bám sát quá trình khởi kiện/thi hành án đối với các khoản nợ đã ủy quyền cho TCTD thực hiện để xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ; phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự xử lý các trường hợp thi hành án kéo dài…

Liên quan đến giải pháp tạo lập thị trường mua bán nợ xấu tập trung, trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm, Công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ mua theo giá trị thị trường nhằm hoàn thành kế hoạch kinh doanh hàng năm được Ngân hàng Nhà nước giao; đẩy mạnh hoạt động Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/tài sản bảo đảm.

Chủ động tìm kiếm và mở rộng đối tác, các nhà đầu tư để thực hiện tư vấn, môi giới mua bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ trên cơ sở danh mục nợ xấu đã được phân loại. Kịp thời công khai hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu: Công bố danh mục tài sản bảo đảm do VAMC đang quản lý, đăng thông báo bán đấu giá tài sản/khoản nợ, đăng thông báo thu giữ tài sản bảo đảm... lên cổng thông tin của VAMC (www.sbvamc.vn).

Một số đề xuất

Để trở thành nơi dừng chân của các doanh nghiệp khi chẳng may gặp sự cố cần tăng cường nguồn lực cả về vốn, công nghệ, nhân sự… và tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm, khoản nợ, đặc biệt là hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho hoạt động mua bán và xử lý nợ của Công ty cũng như các TCTD, VAMC đề xuất:

Thứ nhất, Quốc hội sớm Ban hành Luật các TCTD sửa đổi.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cấp bổ sung vốn điều lệ cho VAMC đạt mức 10.000 tỷ đồng theo Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.

Thứ ba, sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm mở rộng phạm vi, hoạt động đấu giá tài sản của VAMC.

Thứ tư, đề nghị các bộ, ngành có liên quan thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu như: Hỗ trợ các hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm của VAMC, đẩy mạnh xử lý các tranh chấp liên quan đến khoản nợ, tài sản bảo đảm bằng thủ tục rút gọn tại tòa án, thi hành án; Bộ Tài chính có hướng dẫn về chính sách thuế hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm thu nợ xấu phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 42/2017...

Tin bài liên quan