Hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp là cơ hội tốt cho ngành logistics

Hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp là cơ hội tốt cho ngành logistics

Vẫn “rộng đường” cho doanh nghiệp logistics nội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) So với xuất khẩu, mảng logistics phục vụ nhập khẩu được đánh giá “phù hợp” và còn nhiều dư địa khai thác cho các doanh nghiệp trong nước...

Khối ngoại đi trước

Báo cáo của Agility - đơn vị chuyên xếp hạng thị trường logistics cho biết, năm 2022, thị trường logistics Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong tốp 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự báo đạt 5,5%/năm trong giai đoạn 2022-2027.

Còn ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho hay, hiện có hơn 5.000 doanh nghiệp tham gia thị trường logistics Việt Nam. Trong đó, 89% là doanh nghiệp nội địa và chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, theo thông tin từ các đơn vị trong ngành, số lượng không tỷ lệ thuận với doanh thu khi khối ngoại chiếm thế áp đảo với 70-80% tổng doanh thu toàn thị trường.

Theo các chuyên gia, tính cạnh tranh trong lĩnh vực này chủ yếu được xét trên 2 mảng hoạt động là logistics phục vụ xuất khẩu và nhập khẩu. Với xuất khẩu, hầu hết doanh nghiệp logistics trong nước đều đang xuất khẩu theo dạng FOB (Free on board – Giao hàng lên tàu), FCA (Free Carrier - Giao cho người vận tải). Tức là, các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài thường chỉ định một công ty logistics bản địa cung cấp dịch vụ, cho nên sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt ở mảng này rất thấp.

Về nhập khẩu, triển vọng ngành logistics trong nước được đánh giá khả quan hơn bởi Việt Nam là nước nhập siêu. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường này chủ yếu do các doanh nghiệp lớn chiếm lĩnh, còn doanh nghiệp nhỏ chưa có chỗ đứng.

Nói cách khác, logistics Việt Nam là thị trường tiềm năng cho cả “tay chơi” cũ và mới, nhưng ở giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang giữ vai trò dẫn dắt quan trọng.

Thông tin từ Sembcorp Industries (Singapore) cho hay, trong tháng 12/2022, tập đoàn này sẽ khởi công dự án Sembcorp Logistics Park tại Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi. Đây là dự án nhà kho một tầng xây sẵn được xây dựng trên khu đất quy mô 6 ha, diện tích mặt sàn 35.500 m2, với khả năng kết nối, tiếp cận cao với các trung tâm hậu cần như cảng biển Sa Kỳ và Dung Quất, sân bay Chu Lai và Đà Nẵng, cùng với đó là trục đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thiện trong quý IV/2023.

Đại diện Sembcorp cho biết, Sembcorp Logistics Park là dự án bất động sản kho vận mới nhất tại Quảng Ngãi, một địa điểm được cho là chiến lược và nằm trong Khu kinh tế Dung Quất. Phía Sembcorp đặc biệt đánh giá cao vị trí chiến lược của miền Trung Việt Nam với nhiều lợi thế của hành lang kinh tế Đông Tây, nơi kết nối các đầu mối thương mại quan trọng giữa Việt Nam với các quốc gia lân cận. Vị trí chiến lược, có khả năng kết nối tốt với hệ thống đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không… cũng là tiêu chí mà Sembcorp đề ra khi triển khai các dự án tại Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương…

“Sembcorp đánh giá cao việc Việt Nam tích cực phát triển hạ tầng cảng biển giao thông ở khu vực miền Trung, hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, một điểm quan trọng nữa là Việt Nam đang hỗ trợ tốt về thuế quan cho các nhà sản xuất, nguồn cung ứng lao động cũng rất dồi dào”, vị đại diện trên nói, đồng thời chia sẻ thêm, Việt Nam được xem là quốc gia có nhu cầu liên quan trực tiếp tới logistics và nhà xưởng rất lớn và trong một chuỗi sản xuất, việc mang nguyên liệu thô đến và mang sản phẩm đầu ra hoàn chỉnh phục vụ kinh doanh, xuất khẩu cho thấy vai trò quan trọng của nhà xưởng, nhà kho xây sẵn.

“Một lợi thế nữa mà chúng tôi thấy là tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng nhanh, gắn với nhu cầu tiêu dùng cao, thương mại điện tử cũng phát triển mạnh mẽ… giúp thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực”, vị đại diện Sembcorp nói.

Khối nội cần người dẫn dắt

Nhu cầu kho bãi, nhà xưởng xây sẵn ngày càng tăng cao

Nhu cầu kho bãi, nhà xưởng xây sẵn ngày càng tăng cao

Từ góc nhìn của đơn vị tư vấn, kết nối đầu tư, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết, so với 10 năm trước, bất động sản công nghiệp và logistics hiện rất được nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định trong thời gian dài là nền tảng cho các thị trường này phát triển, thu hút sự chú ý của dòng vốn đầu tư.

“Ngay cả khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các yếu tố bên ngoài như đại dịch Covid-19, biến động địa chính trị thế giới…, việc thu hút đầu tư vào bất động sản công nghiệp, logistics vẫn gia tăng, thậm chí còn ‘nóng’ hơn so với thị trường nhà ở”, bà Hằng nói và cho biết thêm, hiện tại, nguồn cung nhà kho, nhà xưởng xây sẵn phục vụ nhu cầu kho vận của phía Bắc vào khoảng trên 600.000 m2 với giá thuê trung bình 5 USD/m2/tháng, công suất lấp đầy đạt khoảng 78%.

Đánh giá việc một doanh nghiệp FDI phát triển một dự án kho vận quy mô lớn, hiện đại tại miền Trung như trường hợp của Sembcorp, bà Hằng cho rằng, đây là tín hiệu rất đáng mừng bởi thị trường luôn cần những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực này làm tiên phong và tạo ra hiệu ứng lan tỏa.

“Có thể gói gọn câu chuyện tìm kiếm nhà kho, nhà xưởng xây sẵn chuyên nghiệp ở miền Trung trong 2 từ ‘mòn mỏi’. Trước đây, chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm nguồn cung kho, xưởng xây sẵn hiện đại cho đối tác. Thị trường miền Trung đã chịu cảnh thiếu nguồn cung kho bãi chuyên biệt, xịn xò quá lâu rồi”, bà Hằng nói.

Quay trở lại với Sembcorp, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện đơn vị này cho hay, phần lớn dự án của Sembcorp đều được triển khai trong các dự án của VSIP. Do đó, không thể phủ nhận vai trò và lợi ích to lớn khi nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, chính quyền địa phương cũng như chủ đầu tư VSIP.

“Chúng tôi nhận thấy ngành bất động sản công nghiệp, logistics đang được hỗ trợ tốt, với các chính sách chủ động và linh hoạt từ Chính phủ, chính quyền địa phương. Hiện là thời điểm thuận lợi để phát triển mảng này ở Việt Nam, là cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia khai thác. Từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi đánh giá rất cao các yếu tố nền tảng và chủ trương thúc đẩy phát triển ngành kho vận ở Việt Nam”, đại diện Sembcorp nhấn mạnhn

Tin bài liên quan