Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng

Vàng: “Hầm trú ẩn” không an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vàng được xem là “hầm trú ẩn” cho dòng vốn đầu tư trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, song trong bối cảnh chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ngày càng giãn rộng, người mua vàng trong nước chịu rủi ro lớn.

Giá vàng chưa thấy đỉnh lịch sử

Cùng với áp lực lạm phát tại Mỹ gia tăng, xung đột giữa Nga - Ukraine bùng nổ đã đẩy giá vàng tái lập đỉnh 2.070 USD/ounce trong tháng 3/2022. Thế nhưng, triển vọng tăng của giá vàng vẫn còn lớn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị thế giới và lạm phát leo thang. Kim loại quý này đã tìm được phạm vi giá mới và đang xây dựng một “cơ sở vững chắc” quanh mức 2.000 USD/ounce.

Dù lãi suất cơ bản của USD đã được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng và sẽ tăng tiếp nhiều đợt trong năm nay để phòng chống lạm phát, song sự bất ổn trên thị trường năng lượng khiến việc nắm giữ một số lượng vàng và hàng hóa nhất định được các nhà đầu tư xem như công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư trong môi trường nhiều biến động hiện tại. Giới đầu tư vàng tư nhân cũng như các quỹ ủy thác vàng đã đẩy mạnh mua kim loại quý nhằm kiếm lời và phòng ngừa rủi ro trước diễn biến trên. Kim loại quý tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn an toàn khi sự không chắc chắn và biến động vẫn gia tăng do chiến sự đang diễn ra tại Ukraine.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam
Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam

Nỗi sợ hãi trên thị trường toàn cầu đang giúp giá vàng chống chọi với lợi suất trái phiếu tăng. Fed đã tiếp tục quyết định tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 5 sau khi đã tăng trong tháng 3 và trong năm nay sẽ tăng lãi suất USD lên khoảng 0,75 - 1%/năm, song giá vàng vẫn tăng. Nguyên nhân là lộ trình tăng lãi suất của Fed đã được vạch ra rõ ràng và điều này đã phản ánh vào giá vàng. Vả lại, như Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói “lạm phát cao là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế” và trước đó thừa nhận với các thành viên Quốc hội Mỹ rằng, ngân hàng đã đánh giá sai thời gian diễn ra lạm phát. Lạm phát hàng năm được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo “ưa thích” của Fed, đạt 6,1% vào tháng 1/2022 - gấp ba lần mục tiêu trung bình hàng năm của Fed là 2%.

Nguyên nhân gây lạm phát chính là do lượng tiền bơm vào thị trường quá lớn nhằm hỗ trợ nền kinh tế ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, tạo ra sự mất cân đối cung - cầu. Gần đây nhất, xung đột Nga - Ukraine đẩy giá dầu và nhiều hàng hóa cơ bản lên cao, càng làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát trên toàn cầu. Bất ổn địa chính trị của khu vực Đông Âu nếu còn kéo dài sẽ khiến giá dầu tăng cao, góp phần đẩy giá cả các loại hàng hóa đi lên. Trong khi đó, vàng luôn được xem là hầm trú ẩn an toàn trước bối cảnh lạm phát cao. Nhà đầu tư vẫn tìm đến hầm trú ẩn vàng để bảo toàn vốn. Vì thế, dù Fed tăng lãi suất USD cũng không tác động lên giá vàng như trước đây.

Thậm chí, một số nhận định còn cho rằng, giá mặt hàng kim loại quý này có thể đạt ngưỡng 2.500 USD/ounce cuối năm 2022.

Mua đắt hơn giá thế giới, nhà đầu tư chịu rủi ro lớn

Trong bối cảnh sôi động của thị trường vàng thế giới, thị trường vàng trong nước thời gian qua lại giao dịch khá trầm lắng, do không liên thông với thị trường thế giới. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước (vàng SJC) và giá vàng quốc tế được đẩy lên mức rất cao, đến gần 20 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch quá lớn này trở thành rào cản, triệt tiêu cơ hội của nhà đầu tư rót vốn vào vàng, trong khi những người có nhu cầu mua vàng thương hiệu quốc gia lại bị thiệt vì giá bị đẩy lên cao.

Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước sát với thế giới, để khoảng cách giá mua và bán gần nhau hơn và tránh tình trạng vàng lậu.

Từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát chặt nguồn cung vàng miếng thông qua việc quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng; độc quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Thị trường vàng ổn định thời gian qua đã góp phần hiệu quả cho công cuộc chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế. Đồng thời, việc chống vàng hóa, đô la hóa thành công cũng là cơ sở để trả lại thị trường vàng về bản chất như một loại hàng hóa thông thường, bởi vàng hiện không còn là phương tiện thanh toán, các tổ chức tín dụng cũng không được huy động, cho vay vàng từ khi có Nghị định 24.

Vàng đã không còn là vật trung gian thanh toán trong nền kinh tế, không phải phương tiện đo lường giá trị tài sản lớn nên thực tế giá vàng tăng không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Vì vậy, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước sát với thế giới, để khoảng cách giá mua và bán gần nhau hơn và tránh tình trạng vàng lậu.

Thực tế, nhiều năm qua, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã liên tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm có giải pháp can thiệp để kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới. Đề xuất thứ nhất của VGTA với cơ quan chức năng là cần điều chỉnh chính sách để các doanh nghiệp được quyền tự đăng ký thương hiệu vàng miếng của mình và tự chịu trách nhiệm, sản xuất - kinh doanh như các loại vàng trang sức, vàng nhẫn hiện nay, thay vì chỉ có một loại vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất.

Nhu cầu vàng trong nước luôn tồn tại và thậm chí gia tăng, trong khi các doanh nghiệp trong nước không mua được vàng để bán ra thị trường. Vì vậy, đề xuất thứ hai là cho phép nhập vàng nguyên liệu để cân bằng cung - cầu trong nước, rút ngắn chênh lệch giá vàng với thế giới, đồng thời hạn chế được việc nhập lậu vàng.

Đề xuất thứ ba của VGTA là cần sửa đổi Nghị định 24, vì Nghị định này đã ra đời cách đây đã 10 năm. Trong khi, Việt Nam đã ký kết với nhiều hiệp định thế giới nên cần có sửa đổi để phù hợp với việc quản lý, điều hành thị trường vàng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, thành lập sàn giao dịch vàng, bởi hiện nay các kênh đầu tư khác đã có sàn giao dịch, trong khi thị trường vàng chưa có. Nếu không có sàn giao dịch vàng (hoạt động dưới sự quản lý và điều hành của Ngân hàng Nhà nước) sẽ khó huy động được nguồn vàng trong dân. Các nhà đầu tư và người dân mua vàng cũng chịu thiệt hại khi vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng trên thế giới. Người hưởng lợi chỉ có dân buôn lậu vàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng, bởi với cơ chế hiện tại, kể cả khi vàng thế giới giảm, giá vàng SJC vẫn tăng.

Tin bài liên quan