Chưa bao giờ giá cả vật liệu xây dựng tăng chóng mặt như vậy, tăng từng ngày với biên độ lớn.

Chưa bao giờ giá cả vật liệu xây dựng tăng chóng mặt như vậy, tăng từng ngày với biên độ lớn.

Vật giá leo thang doanh nghiệp cầm chừng

(ĐTCK-online) Hỏi chuyện giám đốc một công ty xây dựng tầm trung, ông lắc đầu ngao ngán: "Giá vật liệu xây dựng tăng khiếp quá, tính nát óc phen này vẫn cầm chắc lỗ". Nhận thầu xây dựng 3 tòa nhà của một trường trung học từ giữa năm 2006, đã tính trượt giá 6 - 7% nguyên vật liệu, vậy mà đến nay giá cả vượt xa dự tính của nhà thầu, cả tuần nay bản thân ông chạy đôn chạy đáo xin chủ đầu tư hỗ trợ, công nhân được lệnh làm việc cầm chừng.

Giá cả các loại vật liệu xây dựng như thép, gạch, cát, đá… hiện tăng thêm 20 - 30% so với trước Tết, cá biệt có những mặt hàng tăng gần gấp đôi, khiến chi phí xây dựng tăng vọt. Ông Trần Duy Báu, Giám đốc CTCP Xây dựng số 5 cho biết, giá thép hiện là 17 - 18 triệu đồng/tấn, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (còn so với tháng 2/2008 thì tăng gần 2 triệu đồng/tấn); gạch thường là 1.100 đồng/viên, tăng gấp đôi; gạch ống là 1.600 đồng/viên, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 700 đồng/viên… "Chưa bao giờ giá cả vật liệu xây dựng tăng chóng mặt như vậy, tăng từng ngày với biên độ lớn. Có mặt hàng 1 tuần 3 lần điều chỉnh giá", ông Báu nói.

Các nhà sản xuất vật liệu xây dựng giải thích, lý do chủ yếu là nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào tăng cao, chi phí vận chuyển và nhân công tăng... Giá tăng cao, nhưng không dễ mua hàng. Trước đây, chỉ cần công ty xây dựng ký hợp đồng nguyên tắc với nhà cung cấp vật liệu xây dựng, gọi điện là xe chở hàng đến, nay chuyển tiền xong xuôi rồi mới mong có hàng. Cũng đã xuất hiện tình trạng đại lý găm hàng, chờ giá tăng cao hơn mới chịu bán, nguồn cung càng khan hiếm và giá cả vọt lên.

Đối với các công trình lớn, cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu đều sốt ruột như đang ngồi trên đống lửa. Ông giám đốc trên cho hay, chỉ riêng đợt tăng giá này, công trình trường học mà công ty ông đang xây phải tốn thêm ít nhất là 10 tỷ đồng. "Do áp lực tiến độ bàn giao cho chủ đầu tư nên có lỗ chúng tôi cũng phải tiếp tục xây dựng. Nếu không sẽ bị phạt hợp đồng, thu tiền bảo lãnh thầu và khó tham dự các dự án khác. Cả tuần nay, tôi chạy vạy đàm phán với chủ đầu tư xin bù trượt giá thanh toán vào từng đơn giá, chứ không đợi đến khi quyết toán nên lệnh cho công nhân cứ thư thư tiến độ. Gần 30 năm làm xây dựng, tôi chưa bao giờ thấy giá cả vọt lên trong khoảng thời gian ngắn như vậy", ông tâm sự.

Áp lực giá cả căng như vậy, kênh tài chính với doanh nghiệp cũng nan giải không kém. Ngân hàng bị khống chế với lãi suất huy động không quá 12%/năm, nhưng khi cho vay, lãi suất lên tới 17 - 18%/năm, bởi họ còn cộng cả chi phí khuyến mãi khi huy động vốn. Lãi suất cao như thế, doanh nghiệp không thể mạnh tay vay, mà chỉ vay nhỏ giọt tìm cớ hoãn binh chờ qua giai đoạn khó khăn.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng cho các dự án. Tuy nhiên, thực hiện việc điều chỉnh giá không dễ bởi thủ tục rất phức tạp và thời gian chờ đợi lâu. Ông Báu cho biết, 90% doanh thu của công ty ông đến từ mảng hoạt động xây lắp, nhưng may mắn là hầu hết dự án công ty đang thực hiện đều thuộc dạng chỉ định thầu (chắc chắn sẽ được điều chỉnh giá vì chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước). Một số doanh nghiệp bạn thực hiện dự án xây dựng cho các nhà đầu tư bên ngoài có thể đàm phán với chủ đầu tư, nhưng ở thời điểm này chính chủ đầu tư cũng kẹt vì thiếu vốn. Khó khăn hơn cả là những chủ đầu tư dự án bất động sản, đã bán nhà nhận tiền đợt đầu từ năm 2007. Hợp đồng đã ký với khách hàng nay khó có thể điều chỉnh, trong khi đơn giá xây dựng mỗi căn hộ chênh thêm ít nhất 30 - 40%. Lợi nhuận của doanh nghiệp chắn chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Hệ lụy lớn hơn là tiến độ các dự án bị đình trệ, cung thấp hơn cầu, giá nhà đất khó có khả năng giảm nhiệt. Nếu tính cả trượt giá trong xây dựng cùng với các chi phí khác đội lên, giá chung cư bán ra trên thị trường có khả năng tiếp tục tăng. Theo giới kinh doanh bất động sản, một số dự án tại Hà Nội đang trong quá trình hoàn tất cơ sở hạ tầng đã tính toán phương án tăng giá bán để đối phó. Cứ đà lạm phát kéo dài như hiện nay, chủ đầu tư trả tiền nhà thầu tăng dẫn đến giá bán tăng, người mua phải trả nhiều tiền. Trường hợp khách hàng không có tiền mua, doanh nghiệp cũng khó thể hạ giá bán và thị trường có thể lại rơi vào cảnh đóng băng ở mặt bằng giá mới; một số doanh nghiệp có khả năng thua lỗ hoặc phá sản.