Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn Gỗ Kỹ nghệ Trường Thành

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn Gỗ Kỹ nghệ Trường Thành

Việt Nam sẽ được chú ý, quan tâm hơn từ các doanh nghiệp lớn toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Tập đoàn Gỗ Kỹ nghệ Trường Thành (TTF) Mai Hữu Tín cho rằng, khi quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được nâng tầm, hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp toàn cầu đến Việt Nam sẽ tăng vì yếu tố niềm tin.

Thưa ông, là doanh nghiệp đang hợp tác, làm ăn với nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ, với thị trường Hoa Kỳ, ông chờ đợi gì từ chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam?

Khi quan hệ của hai đất nước được nâng tầm thì doanh nghiệp của hai bên có thêm niềm tin. Việt Nam sẽ được chú ý hơn, được sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn, không chỉ của Mỹ mà của các nước đồng minh với Mỹ. Những điều đó đều có lợi cho Việt Nam.

Hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp toàn cầu đến Việt Nam sẽ tăng vì yếu tố niềm tin và vì chắc chắn có thêm sự ủng hộ về mặt chính sách của cả hai quốc gia.

Các đối tác của ông đề cập gì đến chuyến thăm này, có thể là cơ hội mở rộng kinh doanh, thưa ông?

Thực tế là họ không nói nhiều lắm về việc mở rộng kinh doanh sắp tới tại Việt Nam. Có vẻ như đó là việc đương nhiên.

Điều họ đang quan tâm hơn là cách Việt Nam ứng xử với họ, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như visa. Hầu như doanh nhân Việt Nam nào muốn vào Mỹ đều có visa có thể ra vào Mỹ nhiều lần trong thời gian tối thiểu là 1 năm. Chiều ngược lại chưa xảy ra, khiến rất nhiều doanh nhân Mỹ cảm thấy không thoải mái, vì họ không tiện đi lại nhanh chóng, dễ dàng. Nhiều cuộc họp giữa doanh nhân hai bên diễn ra ở Mỹ thay vì ở Việt Nam là vì vậy.

Môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính... vẫn là vấn đề mà nhiều doanh nhân nước ngoài, không chỉ từ Mỹ, luôn quan tâm khi đến tìm hiểu đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Các kế hoạch cải thiện đang được Chính phủ rất rốt ráo. Còn doanh nghiệp ông thì sao, có kế hoạch làm ăn mới nào đã, đang được bàn để tận dụng thời điểm quan hệ chính trị hai nước có những bước phát triển mới?

Hiện tại là chưa, vì tôi vẫn chờ xem hai bên sẽ cụ thể hóa việc hợp tác ở tầm cao hơn ra sao. Nhưng các chính sách trong những năm gần đây của Mỹ như onshoring (đưa việc sản xuất quay về Mỹ), friendshoring (đưa việc sản xuất sang các nước thân thiện với Mỹ), và đạo luật Chips & Science (Vi mạch & Khoa học) vào năm ngoái… đang khiến cho các cơ hội kinh doanh tại Mỹ (thay vì ‘với Mỹ’) trở nên lớn hơn bao giờ hết.

Đầu tư kinh doanh tại Mỹ dường như cũng đang là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Việc các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên sàn Nasdaq vừa qua và sắp tới, như VinFast, VNG, có thể mở đầu cho sự xuất hiện nhiều hơn của thương hiệu Việt Nam ở thị trường đẳng cấp toàn cầu. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?

Mọi quan hệ đều phải mang tính hai chiều thì mới bền vững. Mỹ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sang làm ăn trên đất nước họ. Và thật sự là có rất nhiều cơ hội cho người Việt và cho doanh nghiệp Việt.

Niêm yết được trên các sàn chứng khoán lớn của Mỹ là việc rất hay và đó cũng là hình ảnh lớn mạnh của đất nước. Chúng ta đã cố gắng có mặt ở khắp nơi. Sự kiện nâng tầm quan hệ giữa hai nước chắc chắn sẽ khích lệ doanh nghiệp Việt Nam làm hơn những gì đã làm tại Mỹ.

Tin bài liên quan