Việt Nam trả gần 40 triệu USD xem bóng đá Anh

Việt Nam trả gần 40 triệu USD xem bóng đá Anh

Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đặt ra mục tiêu mua bản quyền phát sóng mùa giải 2013 - 2016 với giá không cao hơn 20% so với trước đó, nhưng số tiền thực tế phải bỏ ra lại gấp đôi.

 Việt Nam trả gần 40 triệu USD xem bóng đá Anh ảnh 1

  Phí bản quyền giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam liên tục tăng "phi mã" qua các mùa giải. Ảnh: Worldfootball

Thông tin về mức giá 37,5 triệu USD mà doanh nghiệp Việt Nam phải trả để mua bản quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh mùa giải 2013 - 2016 được bà Trần Phương Lan, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cung cấp tại Hội thảo về truyền hình trả tiền vừa được tổ chức sáng 10/9.  Theo vị Trưởng ban Giám sát và quản lý cạnh tranh, so với giai đoạn 2007 - 2010 thì con số này đã tăng gấp 9,5 lần. "Phí mua bản quyền quá lớn đã đẩy giá thuê bao truyền hình liên tục tăng trong thời gian qua", bà Lan nhận định.

Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến mức giá bị đội lên như trên. "Ban tổ chức EPL nắm được tâm lý yêu thích bóng đá của người Việt Nam và cũng chính chúng ta đã kích thích, làm họ tưởng tượng ra độ 'hot' của giải nên chào giá cao hơn bình thường. Và có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có gói độc quyền ngày chủ nhật và thứ 7", ông cho biết.

Bên cạnh đó, việc các nhà đài trong nước không thực hiện được mục tiêu đề ra là có đơn vị truyền hình làm đại diện, đứng ra đàm phán mua bản quyền với ban tổ chức EPL cũng được xem như một nguyên nhân quan trọng. "Đài truyền hình Việt Nam được cử làm trưởng ban đàm phán để mua và phát sóng giải Ngoại hạng Anh nhưng với mục tiêu giá không cao hơn 20% mùa trước nên đã bất thành". Điều này đã tạo cơ hội cho Canal Plus (Pháp) mua rồi đem bán lại cho K+ (Việt Nam) với giá gấp đôi con số 19 triệu USD của mùa 2011 - 2013.

Hiện thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đang "nóng" nhất ở mảng bản quyền phát sóng các giải bóng đá hàng đầu thế giới. Chính sự ganh đua gay gắt giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ với nhau là nguyên nhân xuất hiện một số hành vi không lành mạnh, vi phạm Luật Cạnh tranh của các doanh nghiệp. Thậm chí còn có dấu hiệu phân biệt đối xử giữa các nhà đài với nhau.

"Nhiều công ty thông qua các kênh truyền hình tự sản xuất và giới truyền thông để gièm pha, nói xấu các doanh nghiệp khác. Đơn vị có vị trí thống lĩnh thị trường và tiềm lực mạnh thì ép buộc nhà cung cấp kênh nội dung phải ký hợp đồng độc quyền", bà Lan cho biết. Với tình trạng này, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, cộng thêm phí thuê bao ngày càng tăng sẽ khiến họ kém mặn mà với truyền hình trả tiền.