Vĩnh Long quyết tâm cải thiện chỉ số PCI, tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Vĩnh Long nhận diện những tồn tại, hạn chế trong việc cải thiện PCI, từ đó tiếp tục đề ra những giải pháp hiệu quả, mang tính đột phá nhằm cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI của tỉnh.
Vĩnh Long quyết tâm cải thiện chỉ số PCI, tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn

Ngày 17/6, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị phân tích Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của tỉnh Vĩnh Long.

Theo Báo cáo PCI 2021, tỉnh Vĩnh Long có điểm số là 65,43 điểm, xếp hạng 23/63 tỉnh, thành trong cả nước; hạng 6/13 tỉnh, thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. So với năm 2020, điểm số PCI của tỉnh giảm 3,91 điểm (năm 2020 là 69,34 điểm) và giảm 17 bậc về thứ hạng (năm 2021 hạng 6), xếp hạng điều hành kinh tế từ nhóm “Tốt” (năm 2020) xuống nhóm “Khá” (năm 2021).

Mặc dù vậy, vẫn có những điểm sáng trong cải cách điều hành PCI tỉnh Vĩnh Long năm 2021. Đó là, trong 10 chỉ số thành phần PCI Vĩnh Long năm 2021, có 4 chỉ số thành phần tăng hạng và 2 chỉ số thành phần tăng điểm.

Cụ thể, về chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đạt 7,95 điểm (tăng 0,73 điểm so với năm 2020); xếp hạng 2/63 tỉnh, thành (tăng 2 bậc so với năm 2020).

Về chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, đạt 7,23 điểm (tăng 0,68 điểm so với năm 2020); xếp hạng 29/63 tỉnh, thành (tăng 8 bậc so với năm 2020).

Về chỉ số Gia nhập thị trường, đạt 7,57 điểm (giảm 0,53 điểm so với năm 2020); xếp hạng 6/63 tỉnh, thành (tăng 17 bậc so với năm 2020).

Về chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, đạt 6,27 điểm (giảm 0,19 điểm so với năm 2020); xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc so với năm 2020)...

Bên cạnh điểm sáng nêu trên, các chỉ số thành phần PCI năm 2021 của tỉnh cần cải thiện là: Chi phí thời gian (xếp hạng 27/63 tỉnh, thành; giảm 9 bậc so với năm 2020); Chi phí không chính thức (xếp hạng 19/63 tỉnh, thành; giảm 16 bậc so với năm 2020);Tính năng động (xếp hạng 55/63 tỉnh, thành; giảm 40 bậc so với năm 2020); Đào tạo lao động (xếp hạng 60/63 tỉnh, thành; giảm 34 bậc so với năm 2020).

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại Hội nghị
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại Hội nghị

Nói về nguyên nhân giảm điểm số và giảm thứ hạng PCI năm 2021 của tỉnh, ông Nguyễn Khắc Nhu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long cho rằng, nguyên nhân khách quan là do năm 2021, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, các quy định nghiêm ngặt và các chính sách hạn chế dịch bệnh khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị cản trở, đình trệ.

Mặt khác, đối với các gói hỗ trợ chủ yếu là miễn, giảm thuế và phí cho các doanh nghiệp nên các doanh nghiệp không có doanh thu, không có lợi nhuận hoặc bị phá sản không tiếp cận được hỗ trợ… Những giải pháp, chính sách hỗ trợ của trung ương chưa đủ sức đáp ứng mong đợi và nhu cầu của doanh nghiệp. Từ đó, ảnh hưởng đến kết quả đánh giá trong phiếu khảo sát của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực ban hành chậm, thiếu đồng bộ, không ít nội dung còn chồng chéo, bất hợp lý, số lượng văn bản nhiều, thay đổi thường xuyên; đặc biệt là các văn bản về đất đai…, nên doanh nghiệp khó tiếp cận.

Về nguyên nhân chủ quan, theo ông Nhu, việc ban hành Chỉ thị điều hành nâng cao chỉ số thể hiện quyết tâm cải thiện PCI của tỉnh, nhưng thiếu kiểm tra, sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện của các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương.

Một số đơn vị chưa có kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc xây dựng kế hoạch thực hiện còn chung chung và chưa được lãnh đạo đơn vị quan tâm, sâu sát .

Ngoài ra, vai trò và hoạt động của các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp chưa phát huy tốt. Thời gian qua, một số Hiệp hội gần như bị bế tắc trong hoạt động. Do đó, không thể làm cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Để cải thiện mạnh mẽ hơn nữa chỉ số PCI, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị các sở, ngành, các địa phương, các Hội, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm, nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng ổn định, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng như các doanh nghiệp đang thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

“Tôi tin tưởng rằng với sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực, phối hợp trong tổ chức thực hiện của các sở, ban ngành, các cấp chính quyền địa phương, các Hội, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Vĩnh Long sẽ cải thiện được chỉ số PCI, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư”, ông Lữ Quang Ngời chia sẻ.

Tin bài liên quan