VN-Index 750 điểm: Thời điểm nào?

VN-Index 750 điểm: Thời điểm nào?

(ĐTCK-online) Cuối tuần qua, CTCK Đông Á tổ chức hội thảo "Viễn cảnh TTCK 2010: VN-Index 750?" do hai diễn giả là ông Lawrence Wolfe, Giám đốc Phát triển kinh doanh nhóm CTCK, Công ty Quản lý quỹ Đông Á và ông Trần Vũ Minh Hải, phụ trách quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Đông Á trình bày. Bên lề hội thảo, ĐTCK đã trao đổi với ông Hải về triển vọng TTCK năm 2010 và những cơ hội đầu tư.

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng TTCK năm 2010, cũng như khả năng VN-Index đạt 750 điểm trong năm nay?

Xét dưới góc độ phân tích vĩ mô, yếu tố cơ bản của thị trường và phân tích kỹ thuật, tôi cho rằng, khả năng VN-Index đạt 750 điểm là hoàn toàn có thể. Vấn đề chỉ là thời điểm nào trong năm chỉ số cán mốc trên.

Trước hết, dưới khía cạnh kinh tế vĩ mô, Việt Nam có mức tăng trưởng GDP cao hơn mức bình quân thế giới trong nhiều năm. Năm 2010, GDP cũng được dự đoán tiếp tục tăng trưởng cao, thậm chí một số tổ chức cho rằng lên tới 8,5%. Cùng với đó, nền kinh tế toàn cầu cũng được dự đoán sẽ tăng 3,1% (nguồn IMF), nên đương nhiên những quốc gia như Việt Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, sẽ được hưởng lợi.

Về cơ bản, dù đến thời điểm này đa phần DN chưa công bố BCTC năm đã kiểm toán, nhưng trên các con số dự tính và báo cáo sơ lược đã được công bố, chúng tôi dự tính P/E thị trường hiện tại ở mức dưới 15 lần, nhiều khả năng xoay quanh mức 10 lần. Điều này có nghĩa, đây là thời điểm thích hợp cho việc giải ngân đối với các NĐT trung và dài hạn theo trường phái giá trị.

Về mặt kỹ thuật, theo tôi, nếu áp dụng lý thuyết sóng Fibonacci Retracement thì khi thị trường hồi phục được 50% kể từ mức đáy so với đỉnh trước đó thì sẽ có khả năng đạt đến mức 61,8%. TTCK Việt Nam mới hoạt động chưa được 10 năm nên dữ liệu về thị trường chưa đủ dài để có thể áp dụng chính xác các mô hình kỹ thuật, nhưng theo quan sát của chúng tôi, TTCK Việt Nam tạm được coi đã hình thành chu kỳ 4 năm. Mất 2 năm để VN-Index chinh phục mức đỉnh cao 1.170 điểm và cũng mất 2 năm để tạo đáy 235 điểm. Tôi tin rằng, thị trường đang ở trong chu kỳ 2 năm hồi phục và đã đi được 11 tháng tăng giá! Tháng 10/2009, VN-Index đã chạm mức 630 điểm. Nếu tính mức phục hồi 50%, VN-Index có thể lên 702 điểm, mức 61,8%, tương ứng là 830 điểm. Như vậy, khả năng VN-Index 750 điểm là hoàn toàn có thể trong năm nay.

 

Vậy ông giải thích sao về việc TTCK suy giảm mạnh trong thời gian này?

Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất khiến thị trường suy giảm mạnh như hiện tại là tâm lý và sự phản ứng thái quá của các NĐT. Thời gian vừa qua, những quan ngại liên quan đến lạm phát bùng phát trở lại, thắt chặt tiền tệ, vốn đầu tư nước ngoài giảm…, đã khiến NĐT có tâm lý bán ra và chờ đợi. Chưa kể, một tâm lý khá phổ biến của nhiều người Việt Nam là muốn nghỉ ngơi ăn Tết, nên nếu thị trường không tăng từ trước Tết thì cũng sẽ trở nên sáng sủa hơn nhiều sau kỳ nghỉ này. Và thực tế, TTCK luôn đi trước một bước, nên khả năng NĐT mua từ trước Tết để đón đợt sóng sau đó là hoàn toàn có thể.

Theo quan điểm của tôi, thắt chặt tiền tệ, lạm phát hiện tại không phải là điều đáng ngại. Năm 2009, chúng ta đã bắt đầu thay đổi cơ cấu rổ hàng hóa theo hướng giảm tỷ trọng của nhóm lương thực, thực phẩm nên tác động của tăng giá hàng hóa, đặc biệt vào đợt Tết lên CPI sẽ không nhiều như trước. Thêm vào đó, tốc độ tăng cung tiền ra thị trường năm nay sẽ giảm đi do tăng trưởng tín dụng giảm cũng làm giảm lo ngại về vấn đề này. Riêng đầu tư nước ngoài, năm 2009, dù lượng vốn đăng ký vào Việt Nam giảm mạnh, nhưng lượng giải ngân thực tế, tức là dòng tiền vào thực vẫn cao thứ hai trong lịch sử. Năm 2010, lượng ODA cam kết đã đạt mức cao kỷ lục. Cùng với những yếu tố trên, nền kinh tế thế giới phát triển cũng sẽ hỗ trợ tăng đầu tư vào Việt Nam, từ đó tăng cả dòng vốn gián tiếp vào TTCK.

Không chỉ với Công ty Quản lý quỹ Đông Á, mà theo ghi nhận của chúng tôi, nhóm NĐT tổ chức hiện đang trong giai đoạn tích cực tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.

 

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng đầu tư ngành năm 2010?

Theo tôi, năm 2010 sẽ là năm của nhóm ngành BĐS và nguyên vật liệu, đặc biệt là cao su. Nhiều ý kiến dự đoán, khả năng thắt chặt tiền tệ sẽ tác động đến nhóm xây dựng, BĐS năm nay, nhưng, rất nhiều DN trong ngành này đã có quỹ lớn đất với chi phí rẻ từ trước, dòng tiền, đầu ra cũng khá ổn định…, nên năm 2010 sẽ tiếp tục là năm thành công với nhóm này.

Riêng với nhóm ngành nguyên vật liệu, tôi cho rằng, đây sẽ là nhóm được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế trong nước và thế giới. Thống kê cho thấy, năm 2009, xuất khẩu của Việt Nam tăng về khối lượng, nhưng doanh thu vẫn giảm do giá bán bị hạ thấp nhiều. Phục hồi kinh tế sẽ làm cho giá nguyên vật liệu tăng trở lại. Phải nói thêm là, đây cũng là tín hiệu vĩ mô tốt, vì giúp giảm thâm hụt cán cân thương mại, một trong những mục tiêu trọng điểm của chính phủ năm 2010, từ đó, tạo niềm tin cho TTCK đi lên.

Ông Trần Vũ Minh Hải

Ông Trần Vũ Minh Hải