VN-Index cần thời gian để “xử lý cản”, nhà đầu tư có thể ưu tiên nhóm ngân hàng bán lẻ

VN-Index cần thời gian để “xử lý cản”, nhà đầu tư có thể ưu tiên nhóm ngân hàng bán lẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất giảm thêm, khối ngoại quay lại mua ròng, nhưng VN-Index “rung lắc” mạnh. Dự báo, chỉ số sẽ “lình xình” trong tuần mới trước khi “xử lý” ngưỡng cản.

Lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt chưa đáng kể

Trong tuần qua, Mỹ báo cáo lạm phát tháng 5 chỉ tăng 4% so với cùng kỳ, giúp nhà đầu tư hưng phấn. Tuy nhiên, đây chưa phải là tin tốt, vì lạm phát giảm mạnh bởi hiệu ứng nền cao của năm 2022. Nếu đặt giả định lạm phát chỉ tăng 0,2%/tháng so với cùng kỳ từ nay đến cuối năm 2023, thì lạm phát có thể giảm còn 2,8% vào tháng 6, nhưng sẽ tăng lên mức 3,9% vào tháng 12.

Thêm vào đó, tuy lạm phát tổng thể giảm, nhưng lạm phát lõi (không tính cấu phần năng lượng và thực phẩm) ở mức cao là 5,3% và chưa có dấu giảm. Do đó, ngân hàng trung ương nước này dự kiến sẽ tăng lãi suất điều hành 2 lần nữa trong nửa cuối năm 2023.

VN-Index: Giằng co trên vùng giá cao

Chỉ số VN-Index biến động khá mạnh, nhưng xu hướng tích cực trên khung đồ thị tuần được giữ vững, khi chỉ số vẫn neo đậu phía trên đường MA50, cho thấy thị trường chứng khoán đang “giữ trận” tốt khi tiệm cận vùng đỉnh của năm 2023.

Điểm sáng là khối ngoại đã mua ròng trở lại, với tổng giá trị 1.400 tỷ đồng, sau gần 2 tháng liên tiếp bán ròng. Top cổ phiếu được khối ngoại mua vào trong tuần qua là VND, HPG, STB.

Dòng tiền trên thị trường thể hiện sự phân hóa rõ nét, yếu đi tại các nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có kết quả kinh doanh chưa khởi sắc như bất động sản, đầu tư công, xây dựng và chuyển dịch dần về nhóm cổ phiếu cơ bản như ngân hàng, chứng khoán.

Trên khung đồ thị ngày, diễn biến kỹ thuật của chỉ số thể hiện sự giằng co giữa bên mua và bên bán, đặc biệt là phiên “quay xe” cuối tuần khi thông tin Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành từ ngày 19/6/2023 tạo “khoảng trống giá lên” (gap up) khá hưng phấn, nhưng sau đó bất ngờ tạo cây nến “tóc dài” giảm đến 12 điểm vào cuối phiên, đóng cửa tại 1.115,22 điểm.

Thế nhưng, VN-Index đã nỗ lực giữ cân bằng khi kết thúc tuần với số mã tăng nhiều hơn số mã giảm, cùng với thanh khoản giao dịch neo ở mức cao, thể hiện xu hướng tích cực trong ngắn hạn được giữ vững. Hiện tại, chỉ số đang tiệm cận vùng cản MA200 trên khung đồ thị tuần, có thể cần thêm thời gian để “xử lý cản”, hình thành biên giao dịch đi ngang trong tuần mới.

Ngân hàng: Kỳ vọng NIM và tín dụng phục hồi

Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 trong năm 2023, theo đó, trần lãi suất huy động (kỳ hạn 1 - 6 tháng giảm 0,25%/năm, xuống 4,75%/năm), lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu (cùng giảm 0,5%/năm, lần lượt xuống 4,5%/năm và 3%/năm) về mức thấp hơn giai đoạn sau cơ quan này thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 9 năm ngoái.

Trong quý I/2023, ngành ngân hàng ghi nhận biên lãi ròng (NIM) giảm 0,18% so với quý IV/2022, xuống 3,61%, bởi chi phí vốn ngân hàng tăng cao so với lãi suất cho vay. Tuy nhiên, kể từ thời điểm lãi suất điều hành hạ nhiệt trong tháng 3/2023, độ trễ trong việc điều chỉnh lãi suất cho vay thực tế đã giúp NIM của phần lớn ngân hàng được cải thiện. DSC đánh giá, với đợt giảm lãi suất điều hành lần 4, NIM sẽ tăng trở lại.

Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng tín dụng đang sáng hơn, khi nhiều chính sách được đề xuất sau kỳ họp Quốc hội lần 5 khóa XV liên quan đến thị trường bán lẻ, bất động sản hay hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Thông tin hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 đồng nghĩa chi phí đầu vào của ngân hàng tiếp tục giảm, dẫn đến dư địa hạ lãi vay rõ ràng hơn để thúc đẩy tín dụng mới trong nền kinh tế; không khó để nhóm ngân hàng đạt kết quả kinh doanh với kế hoạch hoạt động “thận trọng” trong năm nay.

Nhóm ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ hay nguồn huy động đa dạng dự kiến sẽ có lợi nhuận ròng ấn tượng so với toàn ngành (ví dụ VIB, HDB, STB), trở thành lựa chọn được ưu tiên tham gia giải ngân với vị thế trung và dài hạn khi thị trường xuất hiện những phiên rung lắc.

Tin bài liên quan