VN-Index hãm đà rơi, cổ phiếu chứng khoán vẫn la liệt nằm sàn

VN-Index hãm đà rơi, cổ phiếu chứng khoán vẫn la liệt nằm sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự hồi phục tích cực của một số mã lớn, đặc biệt là VCB và BID, đã giúp VN-Index ngừng rơi và lấy lại được mốc 1.190 điểm. Trong khi đó, các cổ phiếu nhóm chứng khoán vẫn bị bán tháo và la liệt nằm sàn.

Thị trường đã không thể cầm cự được mốc 1.200 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng 22/9 và dường như cuộc tháo chạy bắt đầu lan rộng hơn. Chỉ số VN-Index có thời điểm bốc hơi gần 40 điểm khi số mã giảm sàn ngang ngửa số mã tăng trên bảng điện tử. Tuy đà giảm có thu hẹp đôi chút, nhưng thị trường đã tạm khép lại phiên giao dịch sáng không mấy khả quan khi chỉ số chung đứng dưới mốc 1.180 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, tâm lý tiêu cực vẫn tiếp diễn. Chỉ số VN-Index biến động nhẹ quanh vùng giá 1.180 điểm trong hơn 30 phút giao dịch và thị trường bắt đầu xuất hiện những tín hiệu bắt đáy.

Tuy nhiên, diễn biến này chỉ xảy ra ở một số mã lớn, giúp thị trường hãm đà rơi mạnh, đáng kể là cặp đôi lớn nhà bank gồm VCB và BID. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu được đánh giá là nhạy cảm với thị trường lại có phần ảm đạm hơn với khoảng 1/2 số mã trong ngành đã dừng lại ở mức giá sàn, còn lại đều trong xu hướng giảm mạnh trên 5-6%.

Dù đã thoát khỏi đà lao dốc mạnh khi chỉ số VN-Index đóng cửa bật hồi gần 20 điểm từ vùng đáy trong phiên, nhưng diễn biến chung khá tiêu cực và mốc 1.190 điểm được đánh giá là khá “chênh vênh”.

Đóng cửa, sàn HOSE có 70 mã tăng (4 mã tăng trần) và 455 mã giảm (28 mã giảm sàn), VN-Index giảm 19,69 điểm (-1,62%), xuống 1.193,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,39 tỷ 963,6 triệu đơn vị, giá trị 32.333,5 23.019,7 tỷ đồng, tăng gần 10% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 76 triệu đơn vị, giá trị gần 2.051 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, cặp đôi VCB và BID là động lực chính chặn đà rơi của thị trường, lần lượt đóng góp hơn 3,4 điểm và hơn 1,1 điểm vào chỉ số chung. Kết phiên, VCB tăng 2,64% và BID tăng 1,88%.

Đồng thời, với sự hồi phục của cặp đôi lớn trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã lấy lại được sắc xanh nhạt khi có thêm một số mã khác ngược dòng thành công như STB tăng 1,7% và EIB tăng nhẹ 0,5%. Trong đó, STB có thanh khoản sôi động nhất ngành, đạt 35,95 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thủy sản cũng hồi phục sắc xanh khi nhiều mã như VHC, CMX đã lấy lại được mốc tham chiếu, bên cạnh ANV tăng 3,3%, ACL tăng 1,32%, ABT tăng nhẹ…

Trái lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục lao dốc mạnh, với hàng loạt mã đua nhau nằm sàn như VND, VIX, VDS, ORS, HCM, FTS, CTS, BSI, APG, AGR; các mã còn lại như SSI và VCI đều giảm sát sàn khi mất hơn 6%; TVB và TVS cùng giảm hơn 4%. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu chứng khoán là SSI, VIX và VND vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường, lần lượt đạt 69,45 triệu đơn vị, gần 64,6 triệu đơn vị và hơn 56 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý ngược dòng thị trường chung khá ấn tượng là TLH và KPF tăng kịch trần, với KPF dư mua trần gần 1 triệu đơn vị; PTL tăng 6,1%; đặc biệt là DGC tăng 4,3% lên vùng đỉnh mới của năm khi đứng tại mức giá 98.000 đồng/CP với thanh khoản lên tới hơn 7,36 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường không có tín hiệu khả quan hơn, lực bán tháo trên diện rộng vẫn khiến chỉ số chung lao dốc.

Đóng cửa, sàn HNX có 37 mã tăng và 175 mã giảm, HNX-Index giảm 8,72 điểm (-3,46%), xuống 243,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 174,47 triệu đơn vị, giá trị 3.343,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 10,63 triệu đơn vị, giá trị 138,44 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên HNX đồng loạt lao dốc mạnh với VIG giảm kịch sàn, BVS giảm 8,5%, SHS giảm 7,3%, MBS giảm 6,8%... Trong đó, SHS giao dịch vượt trội với hơn 53 triệu đơn vị khớp lệnh.

Một mã đáng chú ý khác là HUT. Áp lực bán tháo khiến HUT có những nhịp giảm sàn với lượng dư bán sàn trên dưới 1 triệu đơn vị, tuy nhiên, lực cầu bắt đáy mạnh mẽ đã hấp thụ hết. Đóng cửa, HUT vẫn không thoát khỏi tình trạng chung của thị trường khi giảm 7,6%, đứng tại mức giá 23.000 đồng/CP, thanh khoản bùng nổ lên tới 19,24 triệu đơn vị, chỉ đứng sau SHS.

Một số mã đáng chú ý như TTH đóng cửa tại mức giá trần với khối lượng khớp lệnh đạt 3,32 triệu đơn vị; VGS tăng 1,3% và khớp 2,24 triệu đơn vị… Ngược lại, CMS sau chuỗi tăng tốc mạnh đã chịu áp lực bán tháo khi đóng cửa tại mức giá sàn và còn dư bán sàn hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường vẫn giảm sâu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,63 điểm (-1,77%), xuống 90,76 điểm khi có tới 270 mã giảm (34 mã giảm sàn) và 96 mã tăng (12 mã tăng trần). Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 103,15 triệu đơn vị, giá trị 1.3124 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,79 triệu đơn vị, giá trị 226,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường với 14,91 triệu đơn vị giao dịch thành công, kết phiên giảm 4,1% xuống mức 20.900 đồng/CP.

Trong khi đó, CEN tiếp tục nới rộng biên độ tăng, đóng cửa tăng 8,3% lên mức giá 10.400 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 2,95 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành, với SBS giảm 9,2%, AAS giảm 7,6%, TCI giảm 8,3%...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợpđồng tương lai đều giảm sâu, trong đó VN30F2310 đáo hạn gần nhất ngày 19/10, đóng cửa giảm 22,5 điểm (-1,9%) xuống 1.192,6 điểm, khớp lệnh hơn 324.560 đơn vị, khối lượng mở 39.510 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, hầu hết các mã đều giảm, trong đó CHPG2323 dẫn đầu thanh khoản, đạt 4,25 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 22,1% xuống 740 đồng/cq. Tiếp theo là CMWG2307 khớp gần 3,7 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 15,9% xuống 900 đồng/cq.

Tin bài liên quan