Trên các diễn đàn cũng như trong một số bài viết trên báo chí, câu hỏi tại sao, tại sao… đang là tâm điểm được nhiều người quan tâm, nhất là khi không ít chuyên gia phân tích cho rằng, xu thế lên giá ngày càng trở nên rõ rệt khi một lượng lớn cổ phiếu được khớp lệnh tại ngưỡng 500 điểm trong thời gian qua. Nhưng cả giới phân tích và nhiều nhà đầu tư hoàn toàn bị lúng túng, bất ngờ trước việc ngã nhào của thị trường trong suốt tuần qua, phiên thứ Hai đầu tuần này tăng nhẹ, nhưng phiên hôm qua (16/9) lại giảm mạnh, gần hết biên độ. Một đợt rớt giá mà giới đầu tư cho là phi lý, thiếu cơ sở và không theo quy luật khách quan.
Thực tế, việc thị trường rớt điểm sau những phiên tăng giá là chuyện bình thường. Sau những phiên tăng điểm liên tục, do hiện tượng dồn cung tất yếu phải có những phiên rớt giá hay còn gọi là những phiên điều chỉnh. Đó là phản ứng kỹ thuật theo quy luật cung - cầu. Khi thị trường lên giá đến một mức nào đó sẽ có những phiên đi xuống, cũng như khi thị trường rớt đến một mức nào đó sẽ dẫn đến hiện tượng cạn kiệt cổ phiếu trong ngắn hạn và thị trường sẽ bật trở lại. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần phải xác định xu thế để tìm thời điểm mua và bán, kiếm lợi nhuận ngắn hạn (còn gọi là lướt sóng).
Việc VN-Index rớt điểm vào phiên giao dịch ngày 28/8 là chuyện bình thường sau những phiên tăng điểm liên tục trước đó. Nhưng như đã đề cập trong bài viết "Cuộc đấu giá giữa các tổ chức: Bên nào thắng thế?" trên Báo ĐTCK số ra ngày 8/9/2008, hành vi bán ra cổ phiếu tại một số cổ phiếu lớn trong phiên giao dịch đó có những dấu hiệu không bình thường. Nhiều người có cảm giác các tổ chức bán ra để kéo giá xuống nhiều hơn là bán ra để kiếm lợi nhuận. Những phiên tiếp theo thể hiện rõ nét hơn việc kéo giá đi xuống này. Cuộc đấu giá liên tục giữa các tổ chức đầu tư lớn cuối cùng nghiêng về bên bán, tạo phản ứng bán ra từ nhiều nhà đầu tư cá nhân, khiến thị trường rớt điểm mạnh.
Phiên giao dịch ngày 15/9 có thể coi là phiên "bật giá" trở lại theo phản ứng kỹ thuật thông thường, sau 6 phiên rớt điểm liên tục, mức giá thấp đã khiến nhiều nhà đầu tư tăng mua. Nhưng tiếc thay, sau khi lên điểm mạnh trong đợt khớp lệnh thứ 2, về cuối phiên, một lượng cung ồ ạt được tung ra khiến thị trường rớt giá trở lại. Hàng loạt cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn giảm giá mạnh. Giá trị giao dịch tăng vọt trở lại với gần 1.200 tỷ đồng. Phải chăng cuộc đấu giá lại tiếp tục? Bên bán cương quyết không cho thị trường tăng điểm, dù chỉ là một phiên bật trở lại theo quy luật thông thường? Dù VN-Index tăng được 0,76 điểm (đạt 476,76 điểm), nhưng tâm lý bán ra cổ phiếu đã bao phủ trong phiên tiếp theo. Phiên giao dịch hôm qua (16/9), lượng mua hạn chế trong khi lượng bán ồ ạt khiến VN-Index giảm tới 20,81 điểm, xuống còn 455,95 điểm.
Về nguyên nhân của đợt rớt giá này, câu trả lời hợp lý nhất có lẽ là sự tác động quá lớn của một nhóm tổ chức đầu tư đã đẩy giá xuống để tìm kiếm cơ hội mua vào sau khi đã bán ra cổ phiếu ở mức giá cao thu lợi nhuận ngắn hạn. Kịch bản bán ra, đẩy cổ phiếu đi xuống rồi mua vào tại vùng đáy của thị trường đã từng diễn ra trong quá khứ. Hiện nay, về mặt bản chất cũng không khác nhiều, có khác chăng chỉ là phương thức mua bán ngày càng chuyên nghiệp hơn và số lượng các tổ chức tham gia nhiều hơn mà thôi.