VNDirect kỳ vọng vào lực đẩy từ "cỗ xe tam mã" những tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VNDirect dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2023 lên 5,5% so với cùng kỳ (+/- 0,2 điểm %). Ba động lực tăng tăng trưởng chính của nền kinh tế được ví như "cỗ xe tam mã" gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư công đang cho thấy những tín hiệu tích cực. 

Ngành sản xuất tăng tốc phục hồi, xuất khẩu được thúc đẩy

Trong tháng 8, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, mức tăng này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình thường của chỉ số này trong giai đoạn trước đại dịch (mức tăng trưởng hàng năm khoảng 7 – 9%).

VNDirect kỳ vọng, sự phục hồi của ngành sản xuất Việt Nam sẽ tăng tốc trong những tháng tới bởi triển vọng hạ nhiệt lạm phát ở các nền kinh tế phát triển sẽ giúp củng cố niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng tại các thị trường này. Do đó, đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu tiêu dùng phục hồi và hoạt động tích trữ hàng tồn kho trở lại ở các nền kinh tế phát triển.

Đặc biệt là chu kỳ thay thế điện thoại thông minh cũ bằng điện thoại mới là khoảng 25,3 tháng (theo China Mobile Terminal Lab), sẽ thúc đẩy xuất khẩu điện thoại của Việt Nam từ quý IV/2023.

Trong nước, nhu cầu kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ hơn nhờ tác động tích cực từ chính sách mở rộng tài khóa (giảm thuế và phí, tăng lương cơ bản...) và sự phục hồi của cho vay tiêu dùng trong bối cảnh lãi suất giảm. Sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng sẽ cải thiện triển vọng kinh doanh và thúc đẩy các nhà sản xuất gia tăng sản lượng.

Mặt khác, sự phục hồi của nhập khẩu là một tín hiệu sớm, báo hiệu cho sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu trong những tháng tới. Trong tháng 8, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam ghi nhận tháng thứ tư liên tiếp phục hồi so với tháng trước trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, tư liệu sản xuất và hàng hóa trung gian (phục vụ cho hoạt động sản xuất) gia tăng.

Lĩnh vực dịch vụ tích luỹ thêm xung lực tăng trưởng

Thời gian qua, việc tiếp tục cải thiện trong tiêu dùng nội địa và sự gia tăng số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã củng cố thêm cho tăng trưởng của ngành dịch vụ.

Trong tháng 8, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ 2022. Tính từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 10,0% so với cùng kỳ.

Số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam cũng tăng cao trong tháng 8/2023, khi Việt Nam đón khoảng 1,22 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng 17,2% so với tháng trước và gấp 2,5 lần so với cùng kỳ). Nhóm phân tích kỳ vọng số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam có thể đạt khoảng 12 - 13 triệu lượt trong năm 2023, cao hơn 50% so với mục tiêu của Chính phủ đặt ra cho năm nay.

VNDirect cũng cho rằng ngành dịch vụ có thể duy trì đà phục hồi trong những tháng tới nhờ vào việc Chính phủ đã giảm 2% VAT và giảm 50% thuế trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước từ ngày 1/7/2023. Đồng thời, Chính phủ đã tăng mức lương cơ sở cho cán bộ và công chức từ ngày 1/7/2023 và lãi suất giảm giúp cải thiện tín dụng tiêu dùng.

3 động lực hỗ trợ đẩy nhanh vốn đầu tư công

Thứ nhất, nợ công thấp tạo dư địa mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhờ tăng trưởng GDP vững chắc trong giai đoạn 2016 – 2022 và kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, nợ công của Việt Nam đã giảm nhanh chóng trong những năm qua từ 51% vào cuối năm 2016 xuống còn 38% vào cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP.

Thứ hai, lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam giảm mạnh kể từ đầu năm 2023. Tính đến ngày 31/8, trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm và 10 năm của Việt Nam giảm lần lượt 2,9 và 2,2 điểm % so với đầu năm 2023, xuống mức 1,8% và 2,6%.

Thứ ba, lạm phát bình quân giảm xuống mức 2,4% so với cùng kỳ trong quý II/2023 từ mức 4,2% so với cùng kỳ trong quý I/2023. VNDirect dự báo lạm phát bình quân tăng 2,8% so với cùng kỳ trong quý III/2023, trong khi CPI bình quân năm 2023 ở mức 3,3% (+/-0,2 điểm %), qua đó đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% trong năm nay của Chính phủ. Khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, Chính phủ có thể xem xét mở rộng thêm chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Ngoài 3 động lực kể trên, dòng vốn FDI tiếp tục có sự cải thiện trong tháng 8/2023 khi dòng vốn FDI đăng ký đạt 1,9 tỷ USD, tăng 54,4% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp FDI đang lên kế hoạch đầu tư các dự án mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam khi các doanh nghiệp này kỳ vọng về sự phục hồi trong nhu cầu của các thị trường phát triển nhờ sự hạ nhiệt của lạm phát và giảm tồn kho. Trong khi đó, vốn FDI giải ngân trong tháng 8/2023 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.

VNDirect dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2023 sẽ đạt 5,5% so với cùng kỳ (+/- 0,2 điểm %). Sang năm 2024, nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì đà phục hồi và tăng trưởng GDP có thể đạt 6,9% so với cùng kỳ (+/- 0,3 điểm %).

Tin bài liên quan