Buôn Ma Thuột là thủ phủ của cà phê Việt Nam với nhiều thương hiệu cà phê lớn và lâu đời

Buôn Ma Thuột là thủ phủ của cà phê Việt Nam với nhiều thương hiệu cà phê lớn và lâu đời

Vụ thương hiệu cà phê: Đắc Lắc có căn cứ khởi kiện Trung Quốc

Hết Buôn Ma Thuột rồi Đăc Lăc - những chỉ dẫn địa lý của ngành hàng cà phê VN... bỗng dưng thuộc về DN Trung Quốc và Pháp. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc mất tên gọi, điều quan trọng hơn, ngành hàng này có nguy cơ sẽ bị hạn chế xuất khẩu.

>> Việt Nam có đòi được nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột?

Sự việc trên cho thấy, cơ quan quản lý cao nhất đối với chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột là UBND tỉnh Đắc Lắc đã có nhiều hớ hênh, trong đó sơ hở lớn nhất là chỉ dẫn địa lý (CDĐL) này chưa từng được đăng ký bảo hộ ở một quốc gia nào trên thế giới.

 

Tài sản quốc gia bị chiếm đoạt

 

Một DN Trung Quốc là Cty Guangzhou Buôn Ma Thuot Coffee Co.,Ltd đã được bảo hộ độc quyền 10 năm trên lãnh thổ Trung Quốc đối với các nhãn hiệu “Buon Ma Thuot và chữ Hán”, “Buon Ma Thuot Coffee 1896 và logo”. Không chỉ có vậy, theo phát hiện mới đây của Cty CP sở hữu trí tuệ Bross và cộng sự (Hà Nội), một DN ở Pháp là ITM Enterprises (Société Anonyme) cũng đã được cơ quan sở hữu trí tuệ Pháp cấp đăng ký độc quyền sử dụng thương hiệu “Dak Lak” cho sản phẩm cà phê kể từ ngày 25/9/1997.

 

Nghiêm trọng hơn, ITM Enterprises đã sử dụng thương hiệu độc quyền tại Pháp để tiếp tục đăng ký bảo hộ trên phạm vi toàn cầu theo hệ thống Madrid . ITM Enterprises đã đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu cà phê “Dak Lak” tại 10 quốc gia ngoài Pháp là Áo, Bulgaria, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Sĩ, CH Czech, Đức, Croatia, Hungary, Italia, Morocco, Monaco, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovenia, Slovakia, Nga và Serbia.

 

Đây là một hiện tượng pháp lý nghiêm trọng, bởi Buôn Ma Thuột (hoặc Dak Lak) gắn liền với sản phẩm cà phê là chỉ dẫn địa lý và là tài sản của Nhà nước VN, việc nước ngoài sở hữu nó đồng nghĩa với tài sản quốc gia bị chiếm đoạt. Cũng từ đây, cà phê VN bị ngăn chặn ngay từ cửa khẩu các nước hoặc bị kiện do xâm phạm quyền độc quyền là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Về lâu dài, niềm tin của khách hàng quốc tế đối với sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột sẽ suy giảm nghiêm trọng, do không thể phân biệt giữa cà phê Buôn Ma Thuột và cà phê Buôn Ma Thuột không phải của... VN.

 

Vì chưa đăng ký bảo hộ ở nước ngoài

 

Theo luật sư Lê Quang Vinh - Cty CP sở hữu trí tuệ Bross và cộng sự - thì không chỉ ở Pháp và Trung Quốc, việc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu “Dak Lak” của ITM Enterprises phải được tiến hành tại 10 quốc gia khác, nên sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian. Nhưng theo Cục Sở hữu trí tuệ và Hiệp hội Cà phê - Cacao VN, UBND tỉnh Đắc Lắc phải tiến hành việc này với tư cách là cơ quan quản lý cao nhất đối với chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

 

Về lâu dài, phải đẩy nhanh tiến độ quản lý, đầu tư, phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột - hiện mới có khoảng 26% diện tích cà phê robusta trong vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột được cấp quyền sử dụng cho 8 DN tại Đắc Lắc. Ở nước ngoài, chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột vẫn chưa được đăng ký bảo hộ tại bất kỳ một quốc gia nào và đây là “hớ hênh” dẫn đến nguy cơ bị chiếm đoạt thương hiệu. Vì vậy, cần xúc tiến ngay việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa ly cà phê Buôn Ma Thuột trên thế giới, nếu ngại tốn kém thì ít nhất cũng phải đăng ký tại các quốc gia hàng đầu về nhập khẩu cà phê của VN.

 

Trên thực tế, chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng bạ số 00004 cho tỉnh Đắc Lắc, công nhận bảo hộ quốc gia từ năm 2005. Nhưng từ đó cho đến nay, Đắc Lắc đã chậm trễ trong việc quản lý, sử dụng và đầu tư phát triển nhãn hiệu này.

 

Mãi đến tháng 8.2011, Sở Khoa học và Công nghệ Đắc Lắc mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho 8 thành viên của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Các DN này chỉ có diện tích 8.852ha, sản lượng 26.000 tấn/năm, trong khi vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột được xác định có tổng diện tích 100.000ha và sản lượng lên đến khoảng 325.000 tấn/năm. Nghĩa là, còn một diện tích rất lớn trong vùng chỉ dẫn địa lý chưa được sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

 

Về bằng chứng pháp lý, Đắc Lắc có Quyết định 806/QĐ - SHTT ngày 15.10.2005 về việc cấp chứng nhận đăng bạ số 0004, các tài liệu chứng minh nguồn gốc lịch sử, danh tiếng của Buôn Ma Thuột gắn liền với cà phê và doanh thu, uy tín của sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột...

Vì vậy, theo ông Vinh, Đắc Lắc có căn cứ để khởi kiện yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ hiệu lực đối với 2 nhãn hiệu này. Nhưng giới luật gia cũng dự báo, thời gian để giải quyết tương đối dài, thông thường mất 24 - 36 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc mới đưa ra phán quyết. Tuy nhiên, câu chuyện của DN Trung Quốc sẽ mới chỉ là bước đầu so với chỉ dẫn địa lý Đắc Lắc hiện đã được ITM Enterprises đăng ký tại nhiều nước.