Vượt “bão” Covid, BIC lần đầu đạt mốc 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế

Vượt “bão” Covid, BIC lần đầu đạt mốc 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng bởi những tác động tiêu cực kéo dài của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, vượt qua mọi thách thức, Tổng công ty bảo hiểm BIDV (BIC) vẫn đạt được kết quả xuất sắc.

Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Trần Hoài An, Ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc BIC, để ghi nhận cụ thể hơn về những dấu ấn mà BIC đã đạt được trong năm 2021.

Ông Trần Hoài An, Ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc BIC

Ông Trần Hoài An, Ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc BIC

Ông đánh giá thế nào về thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam năm 2021? Đâu là khó khăn, thách thức đối với thị trường nói chung và BIC nói riêng?

Việc nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài trong năm vừa qua đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người dân bị giảm sút…

Đặc biệt, những ngành có mối liên hệ chặt chẽ với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ như ô tô, dịch vụ, du lịch, giáo dục… bị ảnh hưởng lớn đã gây ra những tác động tiêu cực tới toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ 9 tháng đầu năm 2021 của thị trường chỉ tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng cả năm của thị trường cũng khó vượt mốc 10% so với năm 2020.

Không chỉ là những thách thức với hoạt động bán hàng, việc phải thực hiện giãn cách xã hội trong năm 2021 cũng khiến cho công tác giám định bồi thường và chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, nhưng BIC vẫn vượt chỉ tiêu kinh doanh và lợi nhuận năm 2021 rất khả quan. Yếu tố nào tạo nên sự thành công công này?

Dự báo trước những khó khăn trong năm 2021, ngay từ đầu năm, BIC đã tập trung triển khai nhiều giải pháp hiệu quả như: cải thiện công tác quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiệu quả, đầu tư phát triển công nghệ... Nhờ đó, hoạt động kinh doanh năm 2021 của BIC ghi nhận những kết quả rất toàn diện, bền vững, doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng khả quan.

Năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ BIC ước đạt trên 2.800 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 10% so với năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc ước đạt khoảng 2.600 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 12% so với năm 2020.

Kiên định với định hướng phát triển bền vững, các chỉ tiêu hiệu quả năm 2021 của BIC tiếp tục đạt kết quả tốt và chạm tới những cột mốc ấn tượng. Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2021 ước đạt trên 400 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 10% so với năm trước, dự kiến hoàn thành 140% kế hoạch năm. Đặc biệt, năm 2021, BIC tiếp tục có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh kết quả kinh doanh tốt, năm 2021, BIC cũng ghi dấu ấn ở các mặt hoạt động khác như: được A.M. Best tái khẳng định xếp hạng tín nhiệm B++; được vinh danh với nhiều danh hiệu, giải thưởng uy tín như Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam, Top 100 Thương hiệu mạnh nhất Việt Nam…

Đặc biệt, năm 2021, lần đầu tiên thương hiệu BIC được Forbes Việt Nam định giá ở mức 10 triệu đô la Mỹ, đứng thứ 3 tại thị trường bảo hiểm Việt Nam (bao gồm cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ).

BIC sẽ vẫn theo đuổi mục tiêu hiệu quả trong năm 2022?

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để BIC nỗ lực cải tiến toàn diện các mặt hoạt động, hướng tới chinh phục những mục tiêu thách thức trong năm tới.

Tiếp tục theo đuổi mục tiêu hiệu quả hoạt động, nhưng trong năm 2022, BIC sẽ nỗ lực hết sức để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng quy mô doanh thu phí bảo hiểm. Để thực hiện điều đó, BIC sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như: kiện toàn cơ cấu tổ chức phù hợp hơn với thực tế và định hướng kinh doanh; đầu tư phát triển các sản phẩm bán lẻ, kênh phân phối mới; nâng cao chất lượng dịch vụ trước, trong và sau bán hàng…

BIC cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu kênh Bancassurance, tận dụng lợi thế mạng lưới và nền tảng khách hàng của các ngân hàng liên kết, đồng thời tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức tín dụng trên toàn quốc.

Đặc biệt, với phương châm “Đổi mới, Sáng tạo, Phát triển bền vững”, BIC coi chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng nhằm tạo sự bứt phá cho hoạt động kinh doanh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, BIC sẽ đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống công nghệ thông tin, thực hiện số hóa mạnh mẽ toàn diện các mặt hoạt động, trong đó, tập trung vào sản phẩm và kênh phân phối nhằm mang đến cho khách hàng ngày càng nhiều các giá trị thiết thực cũng như sự phát triển bền vững cho BIC.

Ngày 28/12/2021 sẽ đánh dấu 16 năm BIC xuất hiện trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, nhân dịp này, ông có chia sẻ gì tới các khách hàng, đối tác và những người luôn dõi theo những bước phát triển của BIC?

Nhân kỷ niệm 16 năm thành lập, thay mặt toàn thể cán bộ nhân viên BIC, tôi xin gửi lời cảm ơn và tri ân sâu sắc nhất tới các quý vị khách hàng, đối tác và những người đã luôn quan tâm, ủng hộ BIC trong suốt thời gian qua. BIC không thể có được những thành tựu ngày hôm nay nếu thiếu đi sự động viên, đồng hành của quý vị.

Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để luôn là “tấm lá chắn tài chính” vững chãi, xứng đáng với sự yêu quý và tin tưởng của quý vị dành cho BIC.

Tin bài liên quan