Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024: Kế hoạch của niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Nhiều doanh nghiệp đã nhắc đến chỉ thị trên ngay khi thông tin được đưa ra. Chưa bao giờ, các doanh nghiệp lại quan tâm đến công việc này đến vậy.

Không chỉ nửa năm 2023, mà nửa nhiệm kỳ 2021-2025 và một phần tư thời gian của giai đoạn chiến lược 2021-2030 đã đi qua. Những điều kiện bất lợi hơn từ bên ngoài, khó khăn liên tục kéo dài bên trong và áp lực mục tiêu nhiệm kỳ cực kỳ lớn đang đặt nặng trách nhiệm lên cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ cụ thể cho năm tới.

Thông thường, đây cũng là thời điểm giới kinh doanh trông đợi những tín hiệu từ kinh tế vĩ mô để trù bị kế hoạch kinh doanh những năm tới.

Nhưng lúc này, nhiều doanh nghiệp đang gửi đi câu hỏi: Liệu sẽ có thêm những hành động, cách thức được thực hiện ngay trong năm 2023 để băng bó, chữa lành những vết thương mà doanh nghiệp vẫn đang chịu đựng?

Bởi những vết thương đó không chỉ do các tác động từ thị trường bên ngoài, mà còn nặng thêm bởi cách điều hành chính sách, áp dụng các quy định không phù hợp, thiếu thực tiễn...

Có thể thấy tình trạng trên trong sự đứt gãy kênh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ. Tình trạng trên còn thể hiện qua sự đứt gãy, gián đoạn và thậm chí khủng hoảng dịch vụ kiểm định xe cơ giới; tình trạng thiếu điện, cắt điện cục bộ đang làm điêu đứng nhiều doanh nghiệp…

Trong số những vướng mắc, rào cản pháp lý mà doanh nghiệp phản ánh, có vấn đề đã kéo dài hàng năm, nhưng không cơ quan nào tiếp nhận, giải quyết... Rõ ràng, nếu những vướng mắc này không được kịp thời giải quyết, thì ách tắc và khó khăn sẽ không dừng lại trong năm 2023.

Những khó khăn chồng chất trong hoạt động kinh doanh đang lý giải cho các đề nghị khôi phục lại nghị quyết của Chính phủ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đề nghị thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để giám sát thực hiện nghị quyết cũng đang xuất hiện nhiều hơn.

Hồi đầu năm, khi Chính phủ đưa nội dung về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh vào một phần của Nghị quyết 01/2023/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của một năm, thay vì tách riêng như 9 năm trước, nhiều ý kiến từ phía chuyên gia lẫn doanh nghiệp đã tỏ ra lo ngại về khả năng “cải thiện môi trường kinh doanh không còn là ưu tiên”. Có lý do là, Nghị quyết 01 chưa nêu rõ các đầu việc, giải pháp cụ thể và cơ quan chủ trì, phối hợp như trong Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 trước đó.

Thực ra, trong Nghị quyết 01, các nhiệm vụ chính được đặt ra rất rõ như nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành; chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp… Tuy nhiên, việc rà soát, chỉnh sửa... sẽ do các bộ, ngành, địa phương chủ động lên phương án. Song sự chủ động trên không đủ giải quyết hết những rào cản, bất cập mới.

Có lẽ cũng phải nhắc đến văn bản mới được ban hành cuối tuần trước của người đứng Chính phủ, về việc yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành.

Trong văn bản trên, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu giải quyết hoặc trả lời, hướng dẫn cụ thể, dứt điểm, rõ ràng, đầy đủ trước ngày 15/6/2023, tuyệt đối không né tránh trách nhiệm, đặc biệt là đối với những vấn đề tồn đọng, quá hạn chưa được xử lý, không để tiếp tục chậm trễ, kéo dài, gây bức xúc ở các cấp. Các kiến nghị chưa xử lý được cũng phải làm rõ nguyên nhân, giải pháp thời gian tới và báo cáo Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách bộ, cơ quan trước ngày 15/6/2023... Được biết, hiện còn trên 1.100 kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành gửi đến các bộ, cơ quan liên quan đang chờ được giải quyết, trả lời, hướng dẫn, trong đó có trường hợp chậm trễ, tồn đọng kéo dài.

Người đứng đầu Chính phủ đang tập trung xử lý và giải quyết dứt điểm một số vấn đề gây bức xúc xã hội, gây bất lợi lớn đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để cải thiện niềm tin của người dân và doanh nghiệp.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tới của đất nước luôn cần niềm tin này.

Tin bài liên quan