Ảnh Internet

Ảnh Internet

Xây dựng khuôn khổ pháp lý kiểm soát hoạt động Fintech

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố Dự thảo lần 2 Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. 

Liên quan đến phòng ngừa rủi ro, NHNN nêu rõ thêm quan điểm như sau:

Trong các nghiên cứu trước đây của NHNN và các kết quả nghiên cứu đã được thể hiện tại Bộ Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định, NHNN luôn khẳng định hoạt động Fintech là hoạt động mới có thể gây ra các rủi ro tiềm ẩn đối với các chủ thể tham gia thị trường như các tổ chức tài chính truyền thống, khách hàng sử dụng dịch vụ và chính bản thân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp Fintech.

Một số loại rủi ro có thể xảy ra đối với hoạt động Fintech được tổng kết thời điểm này bao gồm: (i) Rủi ro lạm dụng thị trường (Market abuse); (ii) Rủi ro bảo mật và rò rỉ dữ liệu (Security and data breach); (iii) Rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng (Liquidity and Credit risk) (iv) Rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT); (v) Rủi ro chi phí trung gian cao (High intermediary fee); (vi) Rủi ro không minh bạch (Lack of transparency); (vii) Rủi ro hoạt động đòi nợ phi pháp.

Những rủi ro trên tuy đã có thể nhận diện nhưng chưa được đánh giá, làm rõ bản chất một cách đầy đủ, toàn diện và chính xác. Mỗi giải pháp có thể có hồ sơ rủi ro với mức độ, tần suất rủi ro khác nhau mà thời điểm hiện tại chưa thể quan sát, đánh giá được hết.

Tại Dự thảo Nghị định đã đề ra một số chính sách quản lý rủi ro thông qua việc: (i) Quy định về trách nhiệm của các tổ chức tham gia thử nghiệm trong xây dựng khung quản lý rủi ro đầy đủ, bảo vệ người sử dụng dịch vụ; (ii) Quy định về trách nhiệm thông tin, báo cáo của các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm Fintech; (iii) Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình tiếp nhận, thẩm định, đánh giá Hồ sơ đăng ký thử nghiệm triển khai; quyết định việc cấp, thu hồi Giấy chứng nhận thử nghiệm, Giấy chứng nhận hoàn thành thử nghiệm; kiểm tra, giám sát Cơ chế thử nghiệm Fintech. Các quy định nhằm đảm bảo quá trình thử nghiệm luôn được các cơ quan quản lý theo dõi, giám sát sát sao và các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm thực hiện các biện pháp tốt nhất để phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngay cả khi áp dụng các chính sách, biện pháp trên việc kiểm soát, triệt tiêu hoàn toàn các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm là điều không thể. Cốt lõi Cơ chế thử nghiệm Fintech được thiết kế để nhận diện, đánh giá rủi ro, lợi ích đối với từng giải pháp Fintech và duy trì, kiểm soát rủi ro (nếu có) ở mức độ cho phép. Do đó, trong quá trình tham gia thử nghiệm, các tổ chức thử nghiệm sẽ phải được theo dõi, giám sát, đánh giá một cách chặt chẽ bởi cơ quan quản lý Nhà nước, qua đó, kiểm soát được rủi ro phát sinh (nếu có), bảo vệ lợi ích của khách hàng tốt hơn, đồng thời tránh được tác động tiêu cực so với việc triển khai trên quy mô rộng, thời gian dài.

Phụ thuộc vào mức độ tác động và ảnh hưởng của các loại hình rủi ro, cơ quan quản lý Nhà nước có thể đưa ra các nhận định, đánh giá về mức độ rủi ro, tác động của nó cũng như khả năng thất bại, thành công của các giải pháp thử nghiệm. Trên cơ sở đánh giá này, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ triển khai các phương án phù hợp, bao gồm việc chấm dứt thử nghiệm; chứng nhận hoàn thành thử nghiệm hoặc gia hạn thử nghiệm cho tổ chức tham gia thử nghiệm.

Do vậy, trên cơ sở nghiên cứu các thông lệ tốt nhất về chính sách quản lý hoạt động Fintech trên thế giới, căn cứ vào tình hình thực tiễn hoạt động Fintech, NHNN đề xuất, hoàn thiện Dự thảo Nghị định với quan điểm phòng ngừa rủi ro trong phạm vi có kiểm soát mà không hạn chế, triệt tiêu hoàn toàn các rủi ro, từ đó rút ra những bài học quản lý hiệu quả, hướng đến xây dựng một khuôn khổ pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ người tiêu dùng.

Được biết, Dự thảo Nghị định gồm 5 Chương và 27 Điều.

Tin bài liên quan