Đội ngũ cán bộ thường không dám làm cái mới, không dám đối mặt với rủi ro, bởi nếu thất bại sẽ dễ lãnh hậu quả

Đội ngũ cán bộ thường không dám làm cái mới, không dám đối mặt với rủi ro, bởi nếu thất bại sẽ dễ lãnh hậu quả

Xây tư duy kiến tạo và phục vụ phải từ đội ngũ công bộc

(ĐTCK) Muốn phục vụ tốt, trúng và đúng, Chính phủ phải biết người dân cần gì, suy nghĩ gì. Bởi chỉ có hiểu lòng dân, Chính phủ mới biết cần làm gì để phục vụ dân ngày một tốt hơn.

Chính phủ kiến tạo là gì?

Khi lần lượt gõ dòng chữ "Chính phủ kiến tạo" và "Chính phủ phục vụ" trên trang tìm kiếm phổ biến Google, kết quả nhận được gần giống nhau, đều có trên 56.000 bài viết có liên quan đến hai cụm từ này. Cùng với đó là rất nhiều thuật ngữ được nhắc đến với tần suất ngày càng cao như: Chính phủ cầm lái chứ không phải bơi chèo; Chính phủ hành động, vì dân, vì doanh nghiệp...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, chúng ta đang nói đến tăng trưởng. Và xét đến cùng, tăng trưởng là công việc của người dân và doanh nghiệp, nhiệm vụ của Chính phủ và địa phương là tạo tiền đề để người dân, doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng. Đây chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo. Chính phủ khai thác tiềm năng tăng trưởng qua các giải pháp không tốn nhiều tiền bạc là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hành động quyết liệt, ưu tiên tập trung xử lý các điểm nghẽn để tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, tạo lập nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn. Chính phủ kiến tạo phải đưa ra được những chính sách có tầm nhìn.

Các Nghị quyết số 19 (năm 2014, 2015, 2016) của Chính phủ và đặc biệt là Nghị quyết 35/2016/NQ-CP đã thể hiện được tinh thần cốt lõi của Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Các địa phương đồng loạt ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết này. Nhiều địa phương còn ban hành cả chỉ thị để cụ thể hóa từng lĩnh vực, ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các phương tiện truyền thông vào cuộc, tập trung tuyên truyền. Nhiều hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo các cấp với cộng đồng doanh nghiệp có cách làm hoàn toàn mới đã được tổ chức, ít nhiều mang lại khí thế mới, niềm tin mới.

Việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP qua các năm cho thấy đã có bước chuyển, riêng Nghị quyết 35/NQ-CP còn phải chờ thêm một thời gian để xem độ ngấm, thấm, độ chuyển đến mức nào. Về việc triển khai của các cấp chính quyền, Thủ tướng nhấn mạnh: "Nếu chỉ hô ở trên, rồi chỉ đến cấp tỉnh, còn lại ở dưới không chuyển thì không được".

Tình trạng trên nóng dưới nguội, trên vội dưới từ từ, "dân cần nhưng quan chưa vội" bởi "không bị làm sao, cần gì phải vội", thậm chí "trên bảo, dưới không nghe", thực sự đáng lo ngại. Việc này đòi hỏi Chính phủ phải hành động quyết liệt, sâu, sắc, sát hơn, nhất là việc kiểm tra, giám sát, thưởng phạt nghiêm minh, bởi nếu cấp dưới (chính quyền các địa phương) không chấp hành nghiêm túc, thì nghĩa là cấp trên (Chính phủ) cũng không hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, cần phải nhận thức được rằng, tăng trưởng, phát triển và sự giàu có, phúc lợi của quốc gia, của địa phương có được phần lớn do công lao đóng góp của doanh nghiệp, không phải vì bán tài nguyên, thậm chí "bán" môi trường... như trước đây. Chỉ khi nào nhận thức được vai trò không thể thiếu của doanh nghiệp, thì mới mong các cấp chính quyền cung cấp dịch vụ cho người dân như công ty phục vụ khách hàng.

Khi bước vào một cửa hàng, chúng ta có tâm trạng muốn được phục vụ như thế nào, thì cần làm cho công tác hành chính trở nên thân thiện, cởi mở, để người dân, doanh nghiệp đến làm việc được thoải mái như vậy, đó chính là phục vụ. Cần đặt ra yêu cầu rõ ràng rằng, đạt được tiêu chí như vậy là điều đương nhiên, không đạt được thì phải xử phạt thật nghiêm minh, có vậy mới mong chuyển biến được.

Trong khi Quốc hội, Chính phủ dám nhận sai, sửa sai rất nhanh, rất cầu thị, điển hình như việc Quốc hội hoãn thi hành Bộ luật Hình sự và một luật sửa nhiều luật, phải dùng một nghị định sửa nhiều nghị định thì ở không ít bộ ngành, địa phương, cơ quan, chỉ có việc nhỏ như sửa, cần thiết thì bãi bỏ một thông tư, một quyết định sao mà khó khăn, nhiêu khê, chậm chạp đến thế?

Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới thành công hay thất bại của Chính phủ kiến tạo chính là chất lượng và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đến thời điểm này, còn nhiều cán bộ, công chức vẫn "bình chân như vại", cải cách, kiến tạo, phục vụ, phụng sự cứ như việc của ai khác, chưa nhận thức được trách nhiệm, công việc này có liên quan đến mình?

Phải làm sao để đội ngũ cán bộ công quyền thấm nhuần tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp và nếu không thấm nhuần, không thực hiện được thì phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc, không thể để tình trạng hay dở, thật giả, vàng thau lẫn lộn như hiện nay. Việc này cũng giống như hàng hóa, hay trồng cây, nếu không chống bằng được hàng giả, không chống được cỏ dại thì hàng thật, cây trồng thậm chí không có chỗ mà tồn tại, chưa nói tới phát triển.

Một phần lý do hiện tượng tiêu cực trong đánh giá cán bộ mãi không được sửa chữa, cải thiện tích cực, như Bác Hồ từng nói, là bởi: “Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm mọi cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”.

Ở góc độ trách nhiệm, đội ngũ cán bộ thường không dám làm cái mới, không dám đối mặt với rủi ro, bởi nếu thất bại sẽ dễ lãnh hậu quả. Cần phải tạo cơ chế làm sao cho từng cán bộ, cụ thể ở cấp cơ sở hay cấp cao hơn nữa, có không gian để sáng tạo, để đổi mới và bảo vệ họ, đánh giá họ ở kết quả, khối lượng công việc, sản phẩm mà họ đã cống hiến, có định lượng rõ ràng. 

Gắn liền tư duy với hành động

Đơn cử như Luật Đầu tư 2014 quy định rõ, đối với các dự án đầu tư trong nước, không phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, vậy mà không ít doanh nghiệp khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước vẫn không sao làm được thủ tục bởi từ trước đã quen có tờ giấy đó!

TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói thẳng: "Nhiều người nói rằng, cán bộ, công chức nhũng nhiễu, cần phải có phong bì. Nhưng có những trường hợp không phải vì cái phong bì, mà là không biết làm thế nào cả". Tư duy phục vụ ở chỗ này là phải "thuộc bài", khi thấy có vướng mắc, thay đổi, khác biệt thì phải tìm hiểu, chủ động giải quyết hoặc phối hợp tìm cách tháo gỡ, giải quyết cho bằng được.

Hay từ lâu chúng ta đã nói tới việc cải cách thủ tục hành chính, hướng đến một bộ thủ tục hành chính duy nhất của quốc gia trên nhiều lĩnh vực, như vậy, đối với một lĩnh vực nhất định, cần bãi bỏ ngay việc mỗi một địa phương lại phải ban hành một bộ thủ tục riêng. Hơn thế, cần làm ra những video ngắn gọn, trực quan về việc thực hiện các thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp làm theo. Công nghệ thông tin chính là một trong những công cụ hữu ích nhất để giúp xây dựng thành công chính phủ kiến tạo.

Nghị quyết 35/NQ-CP yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp chủ động trong việc trao đổi, phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Việc này tưởng đơn giản và đương nhiên, nhưng nó vô cùng khó nếu như không thay đổi tư duy, bởi chẳng ai dại gì khi "đấu tranh thì tránh đâu"?

Chính phủ kiến tạo, phục vụ thể hiện rõ nét ở chỗ, khi tham gia "cuộc chơi", mọi đối tượng đều phải tôn trọng luật chơi đó, không miễn trừ ai. Cần có cơ chế hiệu quả bảo vệ những doanh nhân chân chính, dám nói dám làm. Hệ trọng nhất là thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình và tự chịu trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, được định lượng, đo đếm bằng những kết quả cụ thể, khoa học.

Cần khẩn trương ứng dụng việc triển khai các chỉ số đánh giá cụ thể như dùng KPI (Key Performance Indicator) - chỉ số đánh giá thực hiện công việc, tránh việc lặp đi lặp lại các điệp khúc như đã nâng cao, tăng cường, đẩy mạnh và cuối cùng là nhưng, tuy vậy… 

Xây dựng bằng được niềm tin sẽ tạo nên thành công

Chính phủ của dân không phải là “Chính phủ hưởng thụ mà là Chính phủ phục vụ”! Muốn phục vụ tốt, trúng và đúng, Chính phủ phải biết người dân cần gì, phải thấu tâm can dân. Bởi chỉ có hiểu lòng dân, Chính phủ hành động mới biết cần làm gì để phục vụ dân ngày một tốt hơn. Một chính phủ vì doanh nghiệp phải xác định được những vấn đề cốt lõi như tài sản doanh nghiệp chính là tài sản quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp chính là thương hiệu quốc gia, vui buồn của doanh nghiệp chính là vui buồn của quốc gia, sự lớn mạnh của doanh nghiệp chính là sự lớn mạnh của quốc gia.

Chính phủ, chính quyền kiến tạo, phục vụ sẽ không là khẩu hiệu nếu các cấp chính quyền có những hành động cụ thể, quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp, đảm bảo thông suốt từ trên xuống dưới, tới từng cấp chính quyền, từng người cụ thể mà vẫn không hạn chế sự sáng tạo vì dân. Bởi nền kinh tế của một quốc gia vận hành cũng giống như một cơ thể sống, chỉ khỏe mạnh khi hệ thống kinh mạch thông suốt từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ cao xuống thấp và ngược lại. Một tiếng kêu của người dân phải là niềm đau đáu của các cán bộ quản lý, từ đó chuyện dân “kêu ca”, thậm chí từ năm này qua năm khác, mới có thể giải quyết được, bởi giống như cơ thể khi bị đau ốm phải có thuốc trị bệnh kịp thời.

Chính quyền các địa phương kiến tạo, phục vụ bao nhiêu sẽ cho thấy năng lực cạnh tranh, tạo ra lợi thế, từ đó tạo ra sức mạnh của địa phương, thu hút được số lượng doanh nghiệp đông, mạnh, lớn bấy nhiêu. Ở tầm khu vực và toàn cầu, Chính phủ cũng vậy, cạnh tranh với các chính phủ của các quốc gia khác tạo sức mạnh cho quốc gia.

Để suy ngẫm, chúng ta biết ở Singapore có chương trình tiền thưởng cho quan chức thực hiện tốt công việc. Nhưng tiền không phải là động lực lớn nhất, quan trọng là công chức phải có động lực, mong muốn phục vụ nhân dân.

"Khi đã quyết tâm muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ tác động để giúp ta đạt mục đích!”, Paulo Coelho, tác giả cuốn sách Nhà Giả Kim - cuốn sách bán chạy chỉ sau Kinh Thánh đã viết như vậy.

Lê Xuân Hiền

Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, Thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư

Tin bài liên quan