Mùa Xuân trên nương

Mùa Xuân trên nương

Xuân rẻo cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa Xuân vùng cao là một bản nhạc của những thanh âm nhộn nhịp nơi chợ phiên, là những bức tranh đa sắc màu nơi rừng núi.

Có bận, khi cùng đồng nghiệp vào tận Séo Mý Tỷ (Lào Cai) để khảo sát cho một dự án du lịch, tôi đã phải lòng mận rừng, để sau đó là mấy bận chạy xe vào sâu trong lòng núi kiếm tìm cho mình vài bức hình đẹp về loài hoa này.

Tôi nhớ mãi, bữa đó, lên Séo Mý Tỷ vào một ngày mùa Xuân, khi con gió đã bắt đầu bớt lạnh, khi cái nắng đã biết rực rỡ hơn, ngay lối vào đập (Séo Mý Tỷ vốn là một đập thuỷ điện - Thủy điện Séo Chong Hô), lần đầu tôi gặp những bông mận rừng thắp lửa.

Trên những thân cây khô, đen đi vì lạnh, chỉ còn vài chồi non mà viền cánh lá cũng đỏ như hoa, mận rừng đương độ đẹp, nở bung, thắp lên những đốm lửa nhỏ giữa núi rừng.

Sau bận đó, tôi và cậu em có dịp trở lại, “ăn nằm” cùng Tả Van (Sa Pa) cả tuần trời, trong đó có cả những chuyến hai thằng lấy xe máy chạy khắp bản Hồ, bản Phùng, đi Cầu Mây, Cát Cát, lặn lội trở lại Séo Mý Tỷ, rồi phi sang cả Tam Đường để “bắt hoa”. Có bữa, gần đoạn Cổng Trời Ô Quy Hồ, giữa màu xanh thẫm của rừng núi, tôi phát hiện màu đỏ của mận, thế là xe dựng ven đường, còn người theo “tiêu” là sắc đỏ đi mãi vào trong để có cho mình vài bức ảnh đẹp. Chẳng hiểu sao, lúc ấy tôi nghĩ, Bà Nà từng dựng “đào chuông” thành biểu tượng, chẳng có lý gì để Sa Pa hay Lào Cai không lấy mận rừng làm một điều tương tự như vậy.

Uống rượu với đồng bào

Uống rượu với đồng bào

Ấy thế mà sau này tôi mới biết, điều mình nghĩ là thừa, hóa ra người ta đã trồng loài cây này quanh hồ điều hoà trung tâm Sa Pa tự lúc nào.

Nhiều người bạn miền trong thường hỏi tôi, đi Tây Bắc mùa nào đẹp. Tôi nghĩ câu này dễ!

Thực ra Tây Bắc mỗi mùa một vẻ đẹp riêng, nhưng những ngày Xuân có lẽ là đẹp nhất. Thực ra Tây Bắc cũng đẹp mỗi độ áp Tết, nhưng tôi thấy, đó là đẹp bởi cái không khí, bởi cảm giác du Xuân sớm mà nhìn cái hối hả Tết về, chứ cảnh sắc, hẳn phải độ đương Xuân.

Thời tiết chiều lòng người, nên mùa Xuân Tây Bắc dài ra mãi. Sẽ chẳng lạ đâu, nếu kể cả cuối tháng 5 Dương lịch, bạn lên Tây Bắc vẫn bắt gặp hoa đào. Sau nhiều lần như vậy, tôi không còn ngạc nhiên nữa. Đào Tây Bắc nở dài ra, từ trước Tết Nguyên đán cả tháng cho đến mãi khi con nắng Hạ đã về, vẫn lẩn khuất đâu đó. Điểm này, có lẽ do thời tiết và sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm rất lớn, nên đào vùng cao có được cho mình dải thời gian đơm hoa dài thế vậy. Tôi đoán thế!

Nếu từng du Xuân vùng cao, bạn sẽ thấy nhiều hình ảnh ngày Xuân trong lời bài hát Tình ca Tây Bắc của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh.

Vẫn là con suối ấy, nhưng ngày Xuân nước dường như trong hơn, tiếng suối reo cũng tình hơn, hòa lẫn với tiếng chim rừng, trong cái phơi phới của con gió Xuân hồ hởi thổi.

Vẫn là đàn bướm, nhưng dường như bướm mùa Xuân nhịp bay cũng dập dìu, nhởn nhơ, nhàn hạ hơn cái sự hấp tấp khi bước sang mùa Hạ.

Vẫn là chợ phiên, nhưng dường như người người chơi chợ đều mang trong mình niềm hứng khởi cho năm mới, với nụ cười thường trực trên môi.

Vẫn là những mẹ, những chị, nhưng dường như sắc áo cũng tươi hơn.

Ngày Xuân, con nắng cũng vàng hơn, núi rừng Tây Bắc sáng bừng lên sau chuỗi ngày Đông giá ảm đạm.

Tôi nhớ, có bận du Xuân Tây Bắc, anh bạn chở tôi ngược từ Bát Xát lên Y Tý, buổi ấy lần đầu tôi chạm mặt Mường Hum, được biết thêm một địa danh nổi tiếng mà lòng vui rạo rực. Thế là bữa đó, chúng tôi chọn cho mình một quán rượu bên dòng Mường Hum chảy mãi, dùng bữa đơn sơ, cá suối và thịt trâu gác bếp, thêm ít cải mèo xào rối và cút rượu Nậm Pung. Bữa đó, chỉ đâu chừng cút rượu, mà hai thằng nói bao chuyện. Anh bạn tôi thì cứ thắc mắc mãi, chợ đồng bào (Mường Hum là chợ phiên) có gì lạ, mà thằng bạn mình cứ say mê đến thế.

Bữa đó, chiếc máy ảnh kỹ thuật số của tôi nháy lia lịa. Tôi sợ, lỡ mình chụp ít, bao nhiêu hình ảnh của buổi du Xuân sẽ tan đi đâu hết.

Rồi dịp khác, cũng trong một độ Xuân về, tôi và đám bạn là mấy tay máy rủ nhau lên Y Tý để “test nhân phẩm” - săn mây. Chuyến đi đó thu về bao nhiêu là ảnh đẹp của cuộc sống nơi “sơn thôn”. Lần đó, tôi được anh bạn “bán thổ địa” - người từng nhiều năm ăn nằm cùng Y Tý dẫn đi bao chỗ, vào cả nhà nghệ nhân người Hà Nhì dùng bữa, uống rượu bằng bát to, ăn những miếng thịt lớn, nghe kể chuyện làm nhà trình tường, trong cái bàng bạc của khói sương, trong ánh lửa bập bùng kêu tí tách.

Bữa đó, chúng tôi ghé AH Homstay, có cậu chủ người H’Mông tinh nhạy với làm du lịch. Cả đêm, sau một ngày chụp chán chê sương và mây, ruộng bậc thang và chơi chợ, chúng tôi quây quần bên bàn rượu, uống rượu bản, nghe kể chuyện bắt vợ và tục ăn Tết đồng bào. Và thú nhất, bữa đó, tôi lần đầu được nghe sáo H’Mông chính hiệu. Trong cái lạnh của đêm, của những đám sương dạn người cứ sà vào qua ô cửa, tiếng sáo trầm đục nổi lên làm những kẻ dưới xuôi cứ ngẩn ngẩn, ngơ ngơ. Một sự hay thật khó lý giải…

Đi chơi Xuân vùng cao, tôi hay cho mình những phút giây phóng túng, lãng đãng, coi như tích cóp ít kỷ niệm để giờ có chuyện mà hầu bạn đọc.

Đận ấy, chúng tôi vào bản Phùng, cách Sapa đâu chừng gần 20 km. Và trong cái Tết của người đồng bào, tôi được đặt một tên Dao chính hiệu: Chuẩn Dào Phú. Đại ý là người mang tên này với hy vọng có được một cuộc sống hạnh phúc, sung túc.

Đêm đó, tôi lại say.

Chẳng hiểu sao, đang giữa bữa rượu tôi lại thèm thuốc lào. Tiện tay vớ ngay được cái điếu ục của gia chủ, tôi châm thuốc và bắt đầu lấy khói. Vốn quen kiểu hút thuốc lào dưới xuôi, tôi giơ ngang điếu để lấy hơi và thị uy sức mạnh (lấy tiếng kêu thật vang của nõ điếu), nhưng hoá ra tôi dại. Điếu ục vốn nhiều nước và cách hút khác hoàn toàn với điếu cày dưới xuôi, và thế là trong lúc lấy hơi, tôi đã nhập nguyên một hụm nước điếu lớn vào miệng.

Rượu đã ngất ngây, lại thêm nước điếu cả hụm, tôi say bổ chửng. Đã mệt thì chớ, cậu em chủ nhà còn chạy lại vỗ vỗ vai và bảo: “Anh yên tâm đi, nước điếu tốt mà. Ngày bé em đau bụng hay bị ghẻ, “ông già” em toàn bắt uống nước điếu hay lấy nước xoa khắp người. Tốt mà!”.

Lúc đó say lắm, tôi vẫn không nhịn được cười.

Đấy, Xuân vùng cao và chơi Xuân vùng cao thú lắm, mộc mạc nữa. Và tôi nghiệm ra rằng, muốn có cuộc chơi Xuân đúng nghĩa, mình phải thả lỏng hết mình, buông lỏng toàn bộ cơ thể, giác quan, để mọi thứ không khí, âm thanh, cả cái cảm tình của người đồng bào nhập vào mình một cách tự nhiên. Thế mới khoái.

Vài mẩu chuyện nhỏ góp nhặt dọc đường xin mang ra hầu cùng bạn đọc. Và nếu có thể, bạn cũng hãy cho mình một chuyến du Xuân Tây Bắc!

Tháng 1/2024

Tin bài liên quan