Xuất khẩu hứa hẹn một năm bận rộn

0:00 / 0:00
0:00
Những container hàng hóa được xuất khẩu thông suốt ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán hứa hẹn một năm xuất khẩu bận rộn.
Xuất khẩu hứa hẹn một năm bận rộn

Doanh nghiệp tấp nập xuất hàng

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG, sàn HoSE) đã mở hàng năm mới bằng những lô hàng tôn mạ có giá trị lớn xuất khẩu đi các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, Mexico, châu Âu, Đông Nam Á… từ các cụm cảng Phú Mỹ, Quy Nhơn, Nghi Sơn. Điều này hứa hẹn một năm mới đầy khởi sắc cho Tập đoàn Hoa Sen và cả ngành tôn thép Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Phúc, Giám đốc Nhà máy Hoa Sen Nghệ An cho biết, do đặc thù công việc, nên trong thời gian nghỉ Tết cổ truyền, một số bộ phận, đặc biệt là các bộ phận sản xuất, cung ứng vẫn bố trí nhân sự làm việc để hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa được thông suốt.

Để có được mức tăng trưởng xuất khẩu 6,5% trong năm 2021, Bộ Công thương tiếp tục củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; thúc đẩy sớm phê chuẩn và đưa Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) và RCEP vào thực thi.

Xuất khẩu là một trong 2 kênh tiêu thụ chủ lực của Tập đoàn Hoa Sen, do đó, doanh nghiệp này không có khái niệm nghỉ Tết. Nhiều năm qua, trong thời gian Tết Nguyên đán, các nhà máy trọng yếu trên khắp cả nước vẫn hoạt động xuyên suốt, đảm bảo công tác sản xuất - kinh doanh không bị gián đoạn, đặc biệt là các hoạt động xuất khẩu.

Những doanh nghiệp như Tập đoàn Hoa Sen đã góp phần vào kết quả xuất khẩu sắt thép ngay từ tháng đầu năm 2021, với kim ngạch 431 triệu USD, tăng 68,3%, trong khi xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép tăng 32,9% với 300 triệu USD…

Năm 2020, nhiều ngành hàng xuất khẩu tỷ USD đã không thể chạm mục tiêu đặt ra do tác động khách quan từ dịch bệnh, xuất khẩu dệt may sụt giảm trên 4 tỷ USD, xuất khẩu da giày - túi xách sụt giảm 2 tỷ USD, xuất khẩu rau quả giảm 400 triệu USD… Nhưng thực tế này không làm nản lòng các doanh nghiệp.

Những ngày đầu tháng 2, Vina T&T Group đã liên tiếp xuất những lô hàng trái cây đi Hoa Kỳ, Canada và Australia. Từ Nhà máy Kim Thanh (Bến Tre), ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group cho biết, dừa tươi của Công ty đắt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Bộ phận xuất nhập khẩu, đóng gói, vận chuyển của Công ty vẫn hoạt động thông Tết để đảm bảo thông suốt các đơn hàng xuất khẩu đã ký.

“Là nhà xuất khẩu trái cây tươi, chúng tôi mong được bận rộn, bởi điều đó chứng tỏ hoạt động kinh doanh xuất khẩu đang được duy trì tốt, dù dịch bệnh vẫn đang gây khó cho xuất khẩu của không ít ngành hàng. Nhưng 2021 đã là năm Covid thứ 2, sự ứng biến để thích nghi của doanh nghiệp chắc chắn phải thuần thục hơn”, ông Tùng chia sẻ.

Thử sức bền của doanh nghiệp

Năm 2020, có không ít thời điểm, xuất khẩu được nhận định không thể về đích do ảnh hưởng của dịch bệnh quá lớn khiến hoạt động giao thương bị đứt gãy nặng nề. Nhưng đây cũng là lúc các ngành hàng, doanh nghiệp tự tìm hướng đi cho mình, vượt lên nghịch cảnh. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh xuất khẩu ấn tượng.

Đơn cử, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM, sàn HoSE) đã công bố kết quả kinh doanh ở thị trường nước ngoài đạt 8.794 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 7,4% so với năm 2019, trong đó xuất khẩu trực tiếp đóng góp 5.561 tỷ đồng, các chi nhánh nước ngoài đóng góp 3.233 tỷ đồng. Không chỉ có đơn hàng xuất khẩu mới ở các thị trường vốn được cho là có tính cạnh tranh rất cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Vinamilk còn chú trọng phát triển thị trường mới tại khu vực châu Phi, cũng như một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, để gia tăng sự hiện diện của mình trên bản đồ xuất khẩu (hiện đã có mặt tại 56 nước trên thế giới).

Đối với dệt may - ngành cũng chịu nhiều thiệt hại bởi dịch bệnh, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Vũ Đức Giang nhận định, năm 2021 sẽ là năm chuyển giao đầy thách thức khi nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường lớn vẫn còn ẩn chứa nhiều bấp bênh, nhà máy buộc phải điều chỉnh linh hoạt theo các đơn hàng nhỏ. “Ngay đầu năm 2021, không chỉ cước phí tàu biển tăng phi mã, nhiều chi phí đầu vào cho sản xuất cũng tăng chóng mặt theo, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp”, ông Giang dẫn chứng.

Dù vậy, với một số thị trường xuất khẩu lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ, các nhà xuất khẩu cũng tạm thở phào khi Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã không đề cập, hoặc đề xuất việc Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong báo cáo kết luận về điều tra Việt Nam theo điều khoản 301.

Dự kiến, trong năm 2021, với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn trên thế giới, dệt may có thể xuất khẩu khoảng 37-38 tỷ USD; ở kịch bản cao hơn khi dịch bệnh được kiểm soát sớm, có thể đạt 39 tỷ USD.

“Nhìn ở tầm dài hạn, ngành dệt may Việt Nam sẽ ở trong tâm thế vượt khó năm 2021, năm 2022, thậm chí năm 2023. Đến cuối quý III/2023, nếu Covid-19 được kiểm soát thì sẽ về trạng thái bình thường của năm 2019. Các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang có kết cấu thị trường tương đối tốt”, ông Giang tính toán.

Tin bài liên quan