Trong 3 quý đầu năm, xuất khẩu phân bón đã đạt gần 1,39 triệu tấn. Ảnh: Đức thanh

Trong 3 quý đầu năm, xuất khẩu phân bón đã đạt gần 1,39 triệu tấn. Ảnh: Đức thanh

Xuất khẩu phân bón xác lập kỷ lục mới

0:00 / 0:00
0:00
Trước biến động của thị trường phân bón toàn cầu, ngành sản xuất phân bón trong nước đã tận dụng thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu. Hết 9 tháng, doanh thu xuất khẩu phân bón đã vượt năm 2021 trên 300 triệu USD.

Kỷ lục được xác lập

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2022, cả nước đã xuất khẩu gần 1,39 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 886 triệu USD, tăng mạnh 45,4% về lượng và 166% về trị giá so với cùng kỳ 2021.

Ngoài sản lượng xuất khẩu tăng mạnh, lý do khiến thu ngoại tệ từ xuất khẩu phân bón tăng vọt, vượt trên 300 triệu USD so với thực hiện của cả năm ngoái là do giá phân bón xuất khẩu tăng cao theo giá thế giới.

Cụ thể, giá phân bón xuất khẩu trung bình 9 tháng của năm 2022 đạt 637,7 USD/tấn, tăng 83% so với 9 tháng của năm 2021.

Năm 2021, cả nước xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 559 triệu USD, tăng lần lượt 16,4% và 64% so với năm 2020.

Sau gần 1 năm biến động mạnh của thị trường phân bón toàn cầu do tình hình chính trị - kinh tế bất ổn, giá phân bón tăng phi mã, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã tận dụng thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu.

Để góp phần hạ giá phân bón phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính đề xuất mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với phân bón thuộc nhóm HS 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 (trừ 3105.10.20). Riêng đối với phân bón NPK trong nước đã đáp ứng được nhu cầu và dư thừa nhiều phải xuất khẩu nên Bộ Tài chính quy định mức thuế xuất khẩu 0% để không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Nhờ đó, các doanh nghiệp đạt chỉ tiêu kinh doanh ấn tượng. Trong đó, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo, mã ck: DPM) xuất khẩu khoảng 155.000 tấn, gấp 3 lần so với kế hoạch cả năm. Xuất khẩu tăng đã đẩy doanh thu 9 tháng của PVFCCo ước đạt gần 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 5.300 tỷ đồng.

Năm 2022, PVFCCo đặt kế hoạch doanh thu ở mức 17.239 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.130 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đạt 87% mục tiêu doanh thu và vượt 28% chỉ tiêu lợi nhuận.

Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (mã ck: BFC) cũng công bố kết quả kinh doanh ấn tượng, với doanh thu hợp nhất đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 113,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 211,5 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ chỉ trong 9 tháng qua.

Trong năm 2022, Phân bón Bình Điền đặt kế hoạch doanh thu đạt 6.427 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng. Nhưng sau 9 tháng, Phân bón Bình Điền đã hoàn thành vượt mức kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem, mã ck: DDV), đơn vị cung ứng cho thị trường khoảng 4 triệu tấn phân bón/năm, đạt doanh thu toàn tập đoàn hơn 45.000 tỷ đồng, tương đương 86,5% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 5.400 tỷ đồng, gần gấp 3 lần kế hoạch năm 2022.

Doanh thu tăng chủ yếu nhờ giá bán tăng. Giá phân bón tăng kỷ lục do đại dịch năm 2020, 2021, đặc biệt từ đầu năm 2022 dưới tác động của xung đột Nga - Ukraine.

Vẫn phải đẩy mạnh xuất khẩu

Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết, tổng công suất của các cơ sở sản xuất phân bón trong nước đạt trên 29 triệu tấn/năm. Trong trường hợp các nhà máy sản xuất phân bón hoạt động thuận lợi theo công suất thiết kế là có thể đáp ứng nhu cầu đạm và phân lân trong nước. Còn phân kali, do nước ta không có mỏ muối kali nên buộc phải dựa vào nguồn cung nhập khẩu.

Nhu cầu phân bón cả nước khoảng 11 triệu tấn/năm, bao gồm cả phân vô cơ và hữu cơ. Năng lực sản xuất của Việt Nam khoảng 7 triệu tấn, còn lại nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn.

Hiện Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất phân đạm là Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình với tổng công suất khoảng 2,65 triệu tấn/năm, nhưng nhu cầu trong nước chỉ khoảng 1,8-2 triệu tấn/năm. Do đó, các nhà máy phải đẩy mạnh xuất khẩu, tránh tồn kho.

Ngành phân bón Việt Nam được dự báo tăng trưởng 4,9% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2026. Trong đó, lượng xuất khẩu phân bón của Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm đến nay, hưởng lợi từ Trung Quốc cắt giảm xuất khẩu và Nga - quốc gia đứng đầu xuất khẩu về phân bón bị các quốc gia phương Tây cấm vận.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đang đề xuất phương án điều chỉnh mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón. Cụ thể, đối với các mặt hàng phân bón (urê, phân lân, super lân, DAP, MAP...) quy định mức thuế xuất khẩu 5%. Riêng NPK được đề xuất áp mức thuế xuất khẩu 0% do nguồn cung trong nước dư thừa.

Ông Vũ Văn Bằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DAP - Vinachem cho biết, nếu như áp mức thuế xuất khẩu phân bón 5% lên nhóm phân bón DAP, những đơn vị đang sản xuất phân bón DAP trong nước sẽ phải đối mặt với khó khăn rất lớn. Nếu tăng thuế suất để hạn chế xuất khẩu thì sản xuất của Công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là thua lỗ.

Trước đó, Bộ Công thương đã đề nghị cân nhắc việc áp thuế xuất khẩu cho tất cả chủng loại phân bón do thị trường giá cả, nhu cầu, nguồn cung biến động từng ngày, từng tuần, theo tháng, theo mùa vụ và việc tăng mức thuế xuất khẩu cần tính đến các yếu tố thực tiễn như nguyên liệu đầu vào, nguồn cung...

Ngoài ra, hiện nay, nhu cầu phân bón trong nước đạt khoảng 11 triệu tấn/năm, trong khi tổng công suất các nhà máy được cấp phép sản xuất phân bón ước tính đạt trên 29 triệu tấn/năm, vì vậy các đơn vị đều phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Việc hạn chế xuất khẩu có thể dẫn đến tồn đọng nhiều mặt hàng, nhất là các mặt hàng phân bón trong nước đã sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu, tăng chi phí.

Còn theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc áp thuế xuất khẩu để tăng nguồn cung cho thị trường trong nước với những loại phân bón đã dư cung chưa phải là giải pháp hiệu quả để hạ nhiệt giá phân bón.

Tin bài liên quan