Theo Bộ Công thương, mặc dù, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI còn lớn, khoảng 74%.

Theo Bộ Công thương, mặc dù, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI còn lớn, khoảng 74%.

Xuất khẩu phụ thuộc FDI, chậm đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường

0:00 / 0:00
0:00
Trong báo cáo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Bộ Công thương đã nêu ra nhiều vấn đề của hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu năm 2022 và quý I/2023.

Trong báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, trong đó có đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, và quý I/2023, Bộ Công thương đã nêu nhiều vấn đề lớn về sản xuất công nghiệp và thương mại.

Xuất khẩu phụ thuộc FDI, đa dạng hóa thị trường còn chậm

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2022 đạt 730,2 tỷ USD, thấp hơn mức dự kiến 735 tỷ USD tại báo cáo Chính phủ đã trình tại Kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV do kim ngạch nhập khẩu thấp hơn mức dự kiến khoảng 8 tỷ USD, trong khi xuất khẩu cao hơn mức dự kiến khoảng 3,3 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ giao (tăng 8%) và cao hơn so với mức dự kiến 368 tỷ USD. Nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 358,9 tỷ USD, thấp hơn so với mức dự kiến là 367 tỷ USD, do trong quý IV thị trường bị thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao nên nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu giảm.

Mặc dù, xuất khẩu 2022 tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn (kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu). Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng. Tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm, chưa đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.

Cán cân thương mại năm 2022 tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư 12,4 tỷ USD. Sở dĩ xuất siêu cao là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Nhưng, tốc độ tăng xuất khẩu chậm lại bắt đầu từ quý IV/2022, kéo dài đến nay đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng xuất khẩu chung. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý I/2023 giảm 13,3%

Xuất khẩu quý I đạt 79,2 tỷ USD, giảm 11,9%, không đạt tốc độ tăng bình quân dự kiến cả năm tại NQ 01 là tăng 6%. Khu vực doanh nghiệp trong nước xuất khẩu giảm 17,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10%. Trong quý I/2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I/2022 (có 16 mặt hàng).

Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong quý I/2023 đều giảm. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất đạt 20,57 tỷ USD; Trung Quốc đạt 11,54 tỷ USD, giảm 13,8%; EU đạt 10,37 tỷ USD, giảm 10,8%; thị trường ASEAN đạt 8,34 tỷ USD, tăng 2%; Hàn Quốc đạt 5,8 tỷ USD, giảm 5,5%; Nhật Bản đạt 5,4 tỷ USD, tăng 0,9%.

Ở chiều nhập khẩu tiếp tục đi xuống theo đà giảm của đơn hàng xuất khẩu. Cụ thể, báo cáo nêu, nhập khẩu giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 75,1 tỷ USD; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 13,3%; FDI đạt 49,07 tỷ USD, giảm 15,4%.

Việc thiếu đơn hàng xuất khẩu đã phản ánh khá rõ khi nhập khẩu nhóm hàng hóa cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) trong quý I chỉ đạt 65,9 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2022, Đáng nói, nhóm nguyên liệu này chiếm 87,7% trong tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam.

Nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 23,6 tỷ USD; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 12,2 tỷ USD, giảm 27,4%; thị trường ASEAN đạt 10,3 tỷ USD, giảm 12,9%; Nhật Bản đạt 5,6 tỷ USD, giảm 4,5%; thị trường EU đạt 3,4 tỷ USD, giảm 12,1%; Mỹ đạt 3,1 tỷ USD, giảm 10,1%.

Giá trị công nghiệp tăng thêm quý I/2023 giảm sâu

Thương mại suy giảm nên hoạt động sản xuất công nghiệp cũng giảm theo. Báo cáo cho hay, giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước (kịch bản tại Nghị quyết 01 quý I tăng 5,4-6,3%).

"Đây là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%", Bộ Công thương lý giải.

Đáng nói, quý I/2023, công nghiệp chế biến, chế tạo không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế khi giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước; Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2023 tăng 19,8% so với cùng kỳ.

Đáng nói, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2023 tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước, trong đó có một số địa phương có đóng góp tích cực cho phát triển công nghiệp có chỉ số giảm như: Bắc Ninh giảm 18,8%, Vĩnh Phúc giảm 8,1%...

Để thúc đẩy sản xuất trong nước, Bộ Công thương cho biết sẽ bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực; tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.

Rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu, phát triển bền vững sản xuất.

Bộ cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của DN kể cả các dự án thuộc đầu tư công như: Tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp để các doanh nghiệp sớm hoàn thiện các thủ tục đưa các dự án mới vào hoạt động...

Đối với các giải pháp về xuất nhập khẩu, tăng hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết để khai thác hiệu quả các thị trường, nâng cao nhận thức cho các ngành hàng về tiêu dùng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển.

Phát triển các thị trường khu vực bắc Âu, đông Âu, Mỹ La Tinh còn nhiều dư địa khai thác, sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn để ký kết, đưa vào thực hiện Hiệp định FTA với Israel.

Tin bài liên quan