Yêu cầu đảm bảo nguồn cung sau khi một đầu mối xăng dầu bị rút giấy phép

Yêu cầu đảm bảo nguồn cung sau khi một đầu mối xăng dầu bị rút giấy phép

0:00 / 0:00
0:00
PvOil, Petrolimex, Mipec được yêu cầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, sau khi một đầu mối xăng dầu bị rút giấy phép kinh doanh.

Tăng nguồn cung xăng dầu

Bộ Công thương vừa chỉ đạo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec) và một số địa phương đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Yêu cầu trên được đưa ra đồng thời với việc bộ này tiến hành tước giấy phép đầu mối kinh doanh xăng dầu của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro), có trụ sở tại Thái Bình, từ ngày 12/1/2024.

Sở Công thương các tỉnh Thái Bình, TP. Hải phòng, TP. Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh cũng được giao nhiệm vụ, phương án đảm bảo nguồn cung; bố trí trao đổi với các đầu mối kinh doanh xăng dầu khác và các thương nhân phân phối xăng dầu sẵn sàng cung ứng bù đắp cho thị trường.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Hải Hà Petro là một trong 3 doanh nghiệp đầu mối sử dụng sai quỹ bình ổn, không kết chuyển về tài khoản quỹ, mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Hải Hà Petro cũng khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường hàng ngàn tỷ đồng.

Từ những vi phạm của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật, liên quan việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; việc sử dụng quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá.

Để tránh xáo trộn nguồn cung, các doanh nghiệp kể trên phải chuẩn bị nguồn hàng hóa, tăng cường cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp tại tỉnh Thái Bình, TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh - các địa bàn mà doanh nghiệp vừa bị rút giấy phép có mạng lưới đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Chỉ đạo của Bộ Công thương nhằm góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Đồng thời, Bộ Công thương ban hành Công văn số 287/BCT-TTTN về việc thu hồi chỉ tiêu tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã phân giao cho Công ty Hải Hà Petro để cân đối, điều chỉnh tổng nguồn phù hợp.

Căn cứ kết quả nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu năm 2023 và đăng ký tổng nguồn của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, khả năng nhập khẩu, pha chế, mua từ nguồn sản xuất trong nước của doanh nghiệp, Bộ Công thương đã cân đối nguồn cung, cơ cấu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng năm 2024, với tổng nguồn xăng dầu tối thiểu các loại gần 28,42 triệu m3/tấn, tăng 2,4 triệu m3/tấn so với năm 2023.

Biến động số doanh nghiệp tham gia thị trường

Hải Hà Petro là một trong 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (không gồm đơn vị đầu mối nhiên liệu bay). Việc doanh nghiệp này không còn là đầu mối kinh doanh xăng dầu có ảnh hưởng đến tổng cung nguồn xăng dầu?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) nhận định, trước mắt, việc rút giấy phép kinh doanh của Hải Hà không ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu, do các đơn vị đầu mối khác đã được chỉ đạo lo thêm nguồn cung.

Tuy nhiên, nhiều khả năng, biến động số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có thể tiếp tục diễn ra, bởi ngoài Hải Hà Petro, một số doanh nghiệp khác cũng ở trong tầm ngắm bị tước giấy phép kinh doanh do sai phạm.

Rút kinh nghiệm từ việc điều hành, để lo đủ nguồn cung, lãnh đạo Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp có kịch bản dự phòng trong từng tháng, từng quý để không đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Ngoài việc thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được phân giao, doanh nghiệp đầu mối phải có kế hoạch triển khai theo tháng, quý. Đồng thời, trong trường hợp diễn biến bất thường, các doanh nghiệp chủ động đề xuất cơ chế, chính sách hoặc giải pháp tình thế.

Tin bài liên quan