3 lý do tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt?

3 lý do tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tác động từ việc hút ròng thanh khoản của NHNN trong tháng 3/2024 và cơ chế điều hành linh hoạt tỷ giá kỳ hạn được thông qua sẽ góp phần giúp tỷ giá hạ nhiệt.

Sau phiên họp của Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây, chỉ số US Dollar Index (DXY) đã có tuần tăng thứ hai liên tiếp lên mức 104,43 (tăng 3,04% so với đầu năm) vào ngày thứ Sáu (22/3) trước chính sách tiền tệ trái chiều của các ngân hàng trung ương thế giới.

Trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng nhẹ lãi suất, thoát khỏi lãi suất âm thì Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) bất ngờ giảm lãi suất, và tiếp theo có thể là Ngân hàng Trung ương Anh và các nước EU khác. Cùng với số liệu kinh tế Mỹ tốt hơn kỳ vọng, ít nhất là cho đến khi có thông báo chính sách mới từ FED, chỉ số DXY có thể tiếp tục đà tăng và gây áp lực cho tỷ giá.

Tại thị trường trong nước, tỷ giá USD/VND cũng tăng mạnh trong hai tuần qua và xác lập đỉnh cao mới, ở mức 25.700 VND (tăng 3,8% so với đầu năm) trên thị trường tự do vào ngày 11/3/2024 và 24.970 VND (tăng 2,3% so với đầu năm) tại Vietcombank vào ngày 22/3/2024. Nguyên nhân xuất phát từ việc chỉ số DXY tăng mạnh, giá vàng vượt đỉnh, nhu cầu USD cũng tăng cao cho các đơn hàng nhập khẩu và rút vốn (trên thị trường chứng khoán) của nhà đầu tư nước ngoài trong khi thanh khoản hệ thống dư thừa, tăng trưởng tín dụng âm trong hai tháng đầu năm.

Diễn biến xuất nhập khẩu trong các tháng qua

Diễn biến xuất nhập khẩu trong các tháng qua

Để ổn định VND, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng trở lại từ 11/3/2024 và tổng lượng rút ròng đạt 144,7 nghìn tỷ đồng tính đến ngày 22/3/2024, thấp hơn mức 255,7 nghìn tỷ đồng trong đợt hút ròng vào tháng 9/2023.

“Với việc lãi suất trúng thầu và lãi suất liên ngân hàng hiện vẫn ở mức thấp, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục hút ròng trong những ngày tới để tiếp tục hỗ trợ tỷ giá”, CTCK Shinhan cho biết.

Ngoài ra, NHNN cũng vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 Thông tư 02/2021/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.

Theo đó, cơ sở xác định tỷ giá kỳ hạn giữa VND với USD trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi sẽ không quy định cụ thể tại Thông tư mà được quy định tại quyết định do Thống đốc NHNN ban hành trong từng thời kỳ do mức chênh lệch giữa lãi suất trong nước và quốc tế thay đổi nhanh chóng, khó lường trong thời gian qua và dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Nội dung sửa đổi, bổ sung này sẽ giúp tăng tính linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá trước những thay đổi điều kiện thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời phù hợp với nguyên tắc tương tự như tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá cũng được quy định tại các Quyết định do Thống đốc NHNN ban hành trong từng thời kỳ.

Theo Shinhan Securities, áp lực tỷ giá duy trì trong ngắn hạn nhưng sẽ hạ nhiệt trong nửa sau của năm 2024. Cụ thể, chỉ số DXY được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên mức đỉnh gần nhất 104,95, hoặc thậm chí cao hơn 107,04 trước khi có động thái tiếp theo của Fed. Do đó, áp lực lên tỷ giá USD/VND trong ngắn hạn vẫn sẽ rất lớn, tuy nhiên, sẽ sớm hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024 giúp VND không mất giá quá 3% trong cả năm 2024.

“Có 3 yếu tố giúp tỷ giá hạ nhiệt vào cuối năm. Thứ nhất, triển vọng cắt giảm lãi suất đồng thuận từ Fed và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới trong thời gian tới sau hành động của Ngân hàng trung ương Thuỵ Sỹ (SNB). Thứ hai, FDI và xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ hỗ trợ nguồn cung ngoại tệ. Thứ ba, tác động từ việc hút ròng thanh khoản của NHNN trong tháng 3/2024 và cơ chế điều hành linh hoạt tỷ giá kỳ hạn được thông qua”, Shinhan Securities cho biết.

Diễn biến dòng vốn FDI tại Việt Nam qua các tháng

Diễn biến dòng vốn FDI tại Việt Nam qua các tháng

Tin bài liên quan