ACB chi 1.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

ACB chi 1.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hội đồng quản trị ACB vừa có nghị quyết về việc mua lại trước hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ lần 4, năm 2021.

Cụ thể, ACB sẽ mua lại 4 lô trái phiếu, gồm ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012 với tổng mệnh giá tối đa là 10.000 tỷ đồng. Đây là 4 lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB.

Thời gian mua lại 4 lô trái phiếu này lần lượt vào các ngày 22/6, 23/6, 8/7 và 15/7/2023. Giá mua bằng mệnh giá phát hành. Nguồn vốn để thực hiện mua lại đến từ nguồn thu từ các khoản cho vay VND trung dài hạn hoặc các nguồn cho vay/đầu tư đến hạn khác hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác đến hạn vào thời điểm mua lại trái phiếu.

Đến cuối quý I/2023, ACB có gần 36.056 tỷ đồng trái phiếu lưu hành. Trong đó, lượng trái phiếu kỳ hạn 1 – 2 năm là 11.450 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm là 20.700 tỷ đồng, 5 năm là 1.495 tỷ đồng và 10 năm là 2.411 tỷ đồng.

Kết thúc quý I, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt gần 5.157 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với quý 1/2022, hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh 2023. Tổng tài sản của ACB đến cuối quý I đạt 611.224 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 411.289 tỷ, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 1%.

Về nguồn vốn, cuối quý I/2023, ACB có 422.755 tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tăng 2,1% so với đầu năm; hơn 52.857 tỷ tiền gửi và vay từ các tổ chức tín dụng khác giảm 22%; gần 50.156 tỷ giấy tờ có giá, tăng 13%.

Tổng giám đốc ACB ông Từ Tiến Phát cho hay, mỗi năm Ngân hàng ACB đầu tư 1.000 tỷ đồng vào hoạt động phát triển công nghệ thông tin nói chung. Hoạt động chuyển đổi số bao trùm, tác động gián tiếp và trực tiếp vào ngân hàng. Năm gần nhất ACB mang về lợi nhuận 17.100 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2021.

"Thành quả trong 10 năm, quy mô tín dụng và huy động của ACB đã tăng 4 lần, lợi nhuận tăng 17 lần, trong khi số nhân viên chỉ tăng 0,3 lần, số lượng kênh phân phối cũng chỉ tăng 0,12 lần", ông Phát cho hay.

Cũng theo ông Phát, trong 5 năm gần đây ngân hàng đón bước ngoặc lớn trong hoạt động chuyển đổi số, khi số lượng giao dịch và doanh số giao dịch tăng đến 12 lần.

Quy mô tín dụng ACB tăng 50% trong 3 năm gần đây, nhưng không tăng thêm nhân sự nào. Kỳ vọng thời gian tới ACB sẽ tăng trưởng nhanh mà không cần phải tăng thêm nhân sự, không mở rộng mạng lưới.

Tin bài liên quan