Bão giá vật liệu, nhà thầu "cuống cuồng” kiến nghị điều chỉnh giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tình trạng bão giá vật liệu xây dựng kéo dài đang tác động rất lớn đến các doanh nghiệp xây dựng. Nhiều nhà thầu đang triển khai các dự án giao thông cũng bị bào mòn cả thể lực và tinh thần.
Bão giá vật liệu, nhà thầu "cuống cuồng” kiến nghị điều chỉnh giá

Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 từng chia sẻ tại tọa đàm: “Giải pháp giúp nhà thầu giao thông vượt “bão giá”" trong tháng 8 vừa qua rằng, dịch bệnh và “bão giá” đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp, hệ lụy để lại có thể khiến các doanh nghiệp “chết dần chết mòn”, không có sức để tái đầu tư về con người và máy móc, thiết bị.

Khi thi công đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu trên cao tốc Bắc - Nam vừa qua, Cienco 4 đã phải ký hợp đồng với giá vật liệu tăng dù khoảng một tháng trở lại đây, giá nhiên liệu giảm liên tục.

Trong chương trình Đối thoại Đầu tuần do Báo Đầu tư thực hiện phát sóng ngày 5/9, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đánh giá, hiện nay, giá một số loại vật liệu như: sắt, thép, xi măng đã giảm xuống, nhưng với dư âm vừa qua, vẫn còn nguy cơ các cơn bão giá sẽ tiếp tục xảy ra.

“Dù giảm, nhưng giá của các loại vật tư vẫn cao hơn giá trong những hợp đồng của các nhà thầu với chủ đầu tư, cũng như những dự án của các chủ đầu tư tư nhân thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) từ 10 - 12%, thậm chí 18% (trước đây tới 30%)”, ông Chủng nói.

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI).

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI).

Theo lý giải của PGS.TS Trần Chủng, đại dịch Covid-19 đã thay đổi rất nhiều vấn đề nguồn cung liên quan đến vật tư. Bên cạnh đó, vấn đề bất khả kháng là cuộc chiến Nga - Ukraine đã làm thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường năng lượng chao đảo cũng ảnh hưởng nhiều đến giá vật liệu.

Đặc biệt, khó khăn đến từ sự chủ quan trong công tác quản lý các mỏ vật liệu của Việt Nam phục vụ ngành giao thông như mỏ đất, mỏ đá,… Chính sức ép tăng giá vừa qua với các công trình giao thông đã tạo ra khó khăn trong vấn đề cung cấp vật liệu làm nền cho đường cho các nhà thầu.

Nhìn lại giai đoạn 2008 - 2009, ông Chủng cho biết, thị trường cũng từng trải qua một cơn khủng hoảng về giá cả nguyên liệu làm rất nhiều nhà thầu gặp nguy cơ phá sản và không hoàn thành cam kết trong hợp đồng. Các nhà thầu phải đưa kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, nhờ đó, nhiều gói thầu thoát khỏi nguy cơ vỡ trận, còn nhiều nhà thầu thoát nguy cơ vỡ nợ.

Thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ đã đưa chỉ thị cho Bộ Xây dựng cùng các bộ ban ngành nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù để điều chỉnh một số loại giá vật liệu xây dựng giúp ngành vượt qua được giai đoạn khó khăn.

“Đây là bài học cũng là giải pháp thông qua cơ chế đặc thù để điều chỉnh giá, kể cả hợp đồng không được điều chỉnh cũng sẽ được điều chỉnh những loại vật liệu đặc biệt liên quan đến quá trình xây dựng”, ông Chủng khẳng định.

Do đó, vào tháng 7/2022 VARSI đã nhanh chóng kiến nghị lên Chính phủ cho phép chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp các đơn vị tư vấn chuyên ngành xây dựng chỉ số giá riêng cho các dự án đặc thù như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, giai đoạn 2. Đặc biệt, VARSI đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế đặc thù được điều chỉnh giá đối với một số vật tư chính (trong hợp đồng theo đơn giá cố định) để giảm bớt khó khăn cho nhà thầu.

Trên thực tế, các nhà thầu phải thường thường chấp nhận vấn đề “lời ăn lỗ chịu” trong kinh doanh, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nhà thầu cũng bị động trong mối quan hệ với chủ đầu tư. Do đó, các nhà thầu càng mong muốn những kiến nghị của VARSI sẽ sớm đi vào thực tiễn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn nhà nước sẽ có những cơ chế mới để điều chỉnh đối với đơn giá, định mức cho lĩnh vực con người.

Là người luôn quan trọng về chất lượng nhân lực, Chủ tịch VARSI bày tỏ, lương của lao động ngành giao thông vận tải rất thấp, dẫn đến tình trạng nhiều kỹ sư giỏi, năng lực chuyên môn cao phải nghỉ việc. Trong khi đó, sức hấp dẫn của ngành kỹ thuật lĩnh vực xây dựng (dân dụng, giao thông vận tải) có chiều hướng giảm. Bằng chứng là số lượng tuyển sinh vào lĩnh vực này tại các trường đại học hàng đầu đang giảm đáng báo động (năm 2022, tuyển sinh lĩnh vực giao thông vận tải của Trường Đại học Giao thông Vận tải đã giảm 50% so với năm 2017).

Tin bài liên quan