Bảo hiểm mắc kẹt giữa tình và lý

Bảo hiểm mắc kẹt giữa tình và lý

(ĐTCK) Là khách hàng thân thiết của một công ty bảo hiểm nhân thọ và luôn đóng phí đều đặn từ hơn 6 năm qua, nhưng lần đóng phí gần nhất vào năm 2011 của khách hàng T bỗng nảy sinh vấn đề.

Bảo hiểm mắc kẹt giữa tình và lý ảnh 1Người mua BH nên tự bảo vệ mình bằng cách xem xét kỹ các hợp đồng, hoá đơn hay phiếu thu phí BH phòng những rủi ro không đáng có

 

Câu chuyện bắt đầu từ lúc khách hàng T nhận được yêu cầu thanh toán phí bảo hiểm cho kỳ phí năm 2011. Khi nhận được thông báo, khách hàng này rất bức xúc và đã trình ra phiếu thu kỳ phí đó cho công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, thông tin mà khách hàng T nhận được từ công ty bảo hiểm là: phiếu thu phí đó không hợp lệ.

Theo quy định, khi nộp phí bảo hiểm định kỳ, khách hàng sẽ nhận từ đại lý phiếu thu tiền hợp lệ được phát hành bởi công ty bảo hiểm. Phiếu thu phải có biểu tượng của công ty bảo hiểm mà khách hàng đang mua bảo hiểm, có dấu công ty, có ghi rõ số công văn/quyết định cho phép sử dụng do Bộ Tài chính ban hành, số sêri theo quy định của công ty bảo hiểm và đặc biệt là phiếu thu phải còn trong thời hạn sử dụng ghi trên phiếu thu và các nội dung yêu cầu trên phiếu thu phải được điền đầy đủ, rõ ràng. Đây là chứng từ hợp lệ, có giá trị chứng minh việc khách hàng đã nộp tiền phí bảo hiểm cho đại diện được ủy quyền của công ty bảo hiểm và là cơ sở để công ty xem xét giải quyết quyền lợi của khách hàng khi có khiếu nại liên quan đến phí bảo hiểm. Quy định cũng được công ty bảo hiểm thông báo cho khách hàng tại thời điểm phát hành hợp đồng bảo hiểm.

Với khách hàng T nói trên, dù tất cả các thông tin trên phiếu thu phí đều được ghi đầy đủ, nhưng rắc rối ở chỗ: phiếu thu không còn giá trị sử dụng từ trước ngày thu tiền. Có lẽ vì quá tin tưởng đại lý mà khi đóng phí, khách hàng T đã không để ý chi tiết này. Trong khi đó, không may cho khách hàng T là người đại lý này đột tử mà chưa đóng số phí bảo hiểm đã thu của khách hàng trên cho công ty bảo hiểm.

Về lý, đối với một công ty bảo hiểm, mọi yêu cầu của khách hàng chỉ được giải quyết thỏa đáng trên cơ sở tuân thủ pháp luật hiện hành, nên dù rất thông cảm với khách hàng T, nhưng việc giải quyết số phí bảo hiểm được ghi nhận trên phiếu thu đã quá hạn là vượt ra ngoài quy định và nguyên tắc mà công ty phải tuân thủ. Tuy nhiên, xét về tình, công ty cũng đề xuất phương án mở rộng thời hạn thanh toán phí bảo hiểm cho khách hàng trên trong thời hạn 1 năm kể từ khi phát hành thư phúc đáp. Tất nhiên, khách hàng không chịu vì cho rằng mình đã đóng phí rồi, không lý gì phải đóng tiếp, còn các vấn đề phiếu thu quá hạn và tiền đại lý đã thu không nộp cho công ty là trách nhiệm của đại lý với công ty.

Thực tế, số tiền phí của khách hàng đã đóng theo phiếu thu không hợp lệ không lớn, nhưng công ty bảo hiểm không thể coi như khách hàng đã đóng (dù công ty cũng biết sẽ phải đối mặt với những kiện tụng), bởi làm vậy là không chỉ không đúng với các quy định về tài chính, mà còn vô tình tiếp tay cho một số đại lý muốn trục lợi tiền phí bảo hiểm của khách hàng qua những hóa đơn đã hết thời hạn.

Việc thu phí bảo hiểm qua đại lý với những vấn đề phát sinh như vậy đang làm đau đầu không chỉ một công ty bảo hiểm. Để giải quyết vấn đề này, từ lâu, các công ty bảo hiểm đã liên kết với ngân hàng để khách hàng có thể thanh toán qua các ngân hàng hay bưu điện. Ngặt nỗi, những tiện ích này lại không phù hợp với các khách hàng ở nông thôn. Nhiều khách hàng chỉ muốn có người đến thu phí và hoàn toàn tin tưởng đại lý mà không nghĩ rằng, bảo hiểm cũng như một món hàng, khi mua hàng, thanh toán tiền thì phải kiểm tra kỹ hàng hóa cũng như các hóa đơn hàng hóa xem các thông tin đã đúng, đủ chưa.

Rõ ràng, các công ty bảo hiểm cần hoàn thiện hệ thống thu phí sao cho thuận tiện và an toàn nhất cho khách hàng, coi đó là cách để thể hiện sự quan tâm với khách hàng, cũng như tăng tính cạnh tranh với các công ty khác. Tuy nhiên, các khách hàng cũng nên tự bảo vệ mình bằng cách xem xét kỹ các hóa đơn, hay phiếu thu khi đóng phí bảo hiểm hay bất kỳ khoản thanh toán nào.