Bảo hiểm nỗ lực cắt dây lỗ nghiệp vụ

Bảo hiểm nỗ lực cắt dây lỗ nghiệp vụ

(ĐTCK) Theo thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã có nhiều nghiệp vụ thua lỗ dai dẳng trong nhiều năm liền.

Xem toàn bộ Chuyên đề của Báo Đầu tư Chứng khoán xuất bản ngày 16/12/2013 tại:

>> Bảo hiểm Việt Nam 2013 - Dấu mốc trưởng thành

Có DNBH có lãi, nhưng không đủ bù cho số lỗ của các DNBH khác. Các nghiệp vụ lỗ điển hình phải kể đến là, bảo hiểm tàu biển, lỗ 12 năm; bảo hiểm tai nạn và sức khỏe con người, lỗ 5 năm; bảo hiểm xây dựng lắp đặt lỗ và bảo hiểm xe cơ giới, cùng lỗ 4 năm…

Lỗ dai dẳng

Tại Hội nghị CEO các DNBH phi nhân thọ vào đầu tháng 7/2013, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) từng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đầu tư tài chính (bằng vốn chủ sở hữu và quỹ dự phòng nghiệp vụ) có tỷ suất sinh lời không cao và tiềm ẩn rủi ro giảm giá thì hoạt động đầu tư không thể gánh nổi lỗ nghiệp vụ bảo hiểm, gây khó khăn tài chính cho các DNBH.

Nếu thua lỗ dẫn tới mất vốn, làm cho vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định thì liệu DNBH có thể kêu gọi cổ đông góp thêm vốn trong khi cổ tức chi trả không cao?”.

Ông Lộc kêu gọi, đã đến lúc các DNBH phải chặn đứng hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hạ phí bảo hiểm, xử lý nghiêm các cán bộ chi nhánh hạ phí bảo hiểm không đúng quy định của DNBH.

Đồng thời, các DNBH có thể căn cứ vào Điều 40, Thông tư 124/2012/TT-BTC khi sản phẩm bảo hiểm có nhiều năm thua lỗ, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng và an toàn tài chính của các DNBH thì có thể đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn lại quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm để đảm bảo an toàn tài chính cho cả DNBH và khách hàng.

Bảo hiểm nỗ lực cắt dây lỗ nghiệp vụ ảnh 1

Trong 3 năm 2010-2012, nghiệp vụ bảo hiểm vật chất xe ô tô toàn thị trường lỗ tới 900 tỷ đồng

Trên thực tế, để tăng trưởng doanh thu, nhiều DNBH tìm cách có thêm khách hàng mới thông qua giành giật từ các DNBH khác.

Điều này không làm tăng thêm giá trị cho toàn thị trường, thậm chí còn nguy hại nếu sử dụng thủ đoạn hạ phí bảo hiểm phi kỹ thuật thấp hơn xác suất rủi ro bồi thường cho phép. Cuộc cạnh tranh bằng cách trên đã khiến cho không ít DNBH phải chịu thua lỗ về nghiệp vụ.

Chỉ tính riêng mảng bảo hiểm vật chất xe ô tô, trên cơ sở tổng hợp số liệu báo cáo của các DNBH phi nhân thọ gửi về Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBH), bảo hiểm vật chất xe ô tô trong 3 năm 2010, 2011, 2012 doanh thu 7.000 tỷ đồng nhưng lỗ tới 900 tỷ đồng (13%).

 Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các DNBH xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô trình Bộ Tài chính theo đúng quy định tại Thông tư 124/2012/TT-BTC để đảm bảo khả năng thanh toán và bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Sau khi Bộ Tài chính phê duyệt quy tắc, điều khoản, biểu phí cho từng DNBH, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra tính tuân thủ và xử lý vi phạm khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh từ DNBH, người tham gia bảo hiểm.

Tiếp theo việc phê chuẩn quy tắc, điều khoản, điều kiện, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô, các quy tắc, điều khoản, điều kiện, biểu phí bảo hiểm tàu biển cũng sẽ được xây dựng và trình Bộ Tài chính phê duyệt.

Lãi chập chờn

Cùng với đó là một số sản phẩm bảo hiểm mang lại lãi dù không đáng kể cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm xe máy, hàng hóa vận chuyển, trách nhiệm nghề nghiệp… Tuy nhiên, theo các DNBH, sản phẩm có lãi chủ yếu là loại có doanh thu thấp, lãi nhờ tỷ lệ bồi thường thấp, chi phí không quá cao.

Chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ bồi thường từng nghiệp vụ cho năm 2013, nhưng trong năm 2012, bảo hiểm hàng không là một trong những nghiệp vụ có tỷ suất lợi nhuận cao với doanh thu 769 tỷ đồng, bồi thường chỉ 62 tỷ đồng.

Cùng với bảo hiểm hàng không, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt tỷ lệ bồi thường 27%, tương ứng 516 tỷ đồng trên doanh thu 1.927 tỷ đồng. Với riêng sản phẩm bảo hiểm xe máy, mặc dù tỷ lệ bồi thường thấp, nhưng do chi phí bán hàng cao, dưới hình thức chi hỗ trợ, khen thưởng…, nên có thể khiến sản phẩm này chuyển từ lãi lớn thành hòa vốn.

Điều đáng nói hơn cả, các nghiệp vụ có lãi thì chỉ là theo năm chứ không có nhiều sản phẩm có lãi liên tiếp trong nhiều năm liên tục. Ngoài nghiệp vụ hàng không, dầu khí có lãi liên tục trong nhiều năm thì một số nghiệp vụ mới bắt đầu có lãi từ sau năm 2010 đến nay.

 

Hướng tới hiệu quả

Hướng tới hoạt động kinh doanh nghiệp vụ hiệu quả, cơ quan quản lý cùng với AVI đã nỗ lực bàn thảo tìm hướng xử lý. Tại Hội thảo “Bảo hiểm thân tàu biển Việt Nam -Thực trạng và giải pháp” mới đây, các bên tham gia đã đề ra một loạt giải pháp chặn lỗ, hướng tới hòa vốn, có lãi cho lĩnh vực bảo hiểm này.

Từ phía doanh nghiệp, theo ông Lộc, có không ít DNBH đã và sẽ cơ cấu lại sản phẩm bảo hiểm theo hướng giảm quy mô các sản phẩm bị lỗ hoặc không có lãi, tăng cường phát triển các sản phẩm bảo hiểm phi tài sản và các sản phẩm mà phân khúc thị trường ít cạnh tranh như sản bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm trách nhiệm.

Cùng với đó là những nỗ lực chung tay tạo ra những sản phẩm mới mang tính đột phá cho thị trường phi nhân thọ của cơ quan quản lý và  AVI. Chẳng hạn như hoàn tất việc xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xe cơ giới; lập tổ công tác nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Pool bảo hiểm năng lượng nguyên tử phục vụ cho nhu cầu khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Ở cấp cao hơn, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng chống thiên tai, trong đó quy định về bảo hiểm và trợ giúp tài chính của Nhà nước đối với vùng bị thảm họa thiên tai, tạo sự chuyển biến về nhu cầu bảo hiểm thiên tai. Chính phủ đang dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, trong đó, vấn đề bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường, bắt buộc mua bảo hiểm đối với cơ sở sản xuất -kinh doanh có chất thải nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang được xem xét.

Gần đây, Bộ Xây dựng đang dự thảo Thông tư quy định các chủ dự án phải mua bảo hiểm khi xây dựng nhà chung cư để bán, được xem là tiềm năng để phát triển bảo hiểm bảo lãnh thực hiện hợp đồng bán chung cư hoặc bảo hiểm trách nhiệm thực hiện hợp đồng bán nhà chung cư.

>>Bảo hiểm xe cơ giới: "Bánh to" khó nuốt