Bảo hiểm nông nghiệp, cần tính đến việc lập quỹ

Bảo hiểm nông nghiệp, cần tính đến việc lập quỹ

(ĐTCK) Việt Nam đang triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ở 20 tỉnh, thành trên cả nước, nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra; góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn. Trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp bảo hiểm gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Bảo hiểm nông nghiệp, cần tính đến việc lập quỹ ảnh 1

Sau hơn một năm triển khai thực hiện thí điểm BHNN, Bảo Việt đã bảo hiểm cho 105.000 hộ dân

 

Thành công của Bảo Việt

Tuy nhiên, với Bảo hiểm Bảo Việt - một doanh nghiệp lớn trên thị trường, do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc đi thực tế các nước thực hiện thành công BHNN, nghiên cứu mô hình, học tập kiến thức và kinh nghiệm của chuyên gia tái bảo hiểm và bảo hiểm nước ngoài, đến việc phối hợp cùng Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn..., nên nghiệp vụ BHNN tại Bảo Việt đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, sau hơn một năm triển khai thực hiện thí điểm BHNN, Bảo Việt đã bảo hiểm cho 105.000 hộ dân, với tổng giá trị bảo hiểm 2.270 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm đạt hơn 148 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bảo hiểm cây lúa đạt gần 26 tỷ đồng, bảo hiểm vật nuôi đạt hơn 7 tỷ đồng và bảo hiểm tôm/cá đạt hơn 115 tỷ đồng. Về số hộ dân tham gia BHNN, bảo hiểm cây lúa có hơn 94.000 hộ, bảo hiểm vật nuôi có gần 4.000 hộ và bảo hiểm thủy sản có 5.000 hộ.

Về công tác bồi thường, thời gian qua xảy một số vụ thiên tai lớn như bão, lụt tại Nghệ An và Thái Bình, dịch bệnh tôm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại tương đối lớn, tính đến nay đã phát sinh tổn thất trên 80 tỷ đồng. Hiện công tác giám định tổn thất và giải quyết bồi thường đang được Bảo hiểm Bảo Việt tiến hành khẩn trương, nhằm hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại để họ có điều kiện khôi phục sản xuất.

Tuy nhiên, trên bình diện chung, BHNN chưa thu hút được số đông nông dân tham gia, đặc biệt là đối tượng hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo. Đây là một trong những lý do chính khiến Bộ Tài chính mới đây quyết định mở rộng rủi ro được bảo hiểm và hạ phí bảo hiểm ở một số lĩnh vực BHNN. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, phí bảo hiểm vẫn cần giảm thêm nữa.

Về lý thuyết cũng như thực tế, việc giảm phí hay tăng phí bảo hiểm đi liền với các quyền lợi bảo hiểm như là nguyên tắc bình thông nhau. Nếu giảm phí thêm nữa, rất có thể quyền lợi bảo hiểm sẽ bị thu hẹp và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người nông dân. Do đó, Bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, để đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên, cần tính đến một loạt yếu tố như: những rủi ro được bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, cách thức mang bảo hiểm đến với từng hộ dân, công tác tuyên truyền BHNN, vấn đề giám định tổn thất và chi trả bồi thường... Ngoài ra, cần trả lời được các câu hỏi như: liệu chương trình BHNN có thu hút được số đông hộ nông dân và đáp ứng được lợi ích của số đông đó không; liệu chương trình BHNN có được thiết kế và điều chỉnh để đạt tới sự phát triển bền vững hay không?

Mặc dù việc triển khai chương trình BHNN còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Một số nước bạn như Indonesia đã đến Việt Nam để khảo sát về chương trình BHNN này.

 

Bài học và kiến nghị

Theo Bảo hiểm Bảo Việt, việc thực hiện BHNN không chỉ là công việc của riêng Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công ty bảo hiểm…, mà còn là nhiệm vụ của các cấp, các ngành có liên quan, để cùng đảm bảo lợi ích của người nông dân sản xuất nông nghiệp. Do đó, để đảm bảo sự thành công của chương trình BHNN, trước hết cần có sự tiếp tục hỗ trợ, quan tâm của Đảng và Chính phủ tới nông nghiệp, nông thôn, nông dân; sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của Ban chỉ đạo, các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã.

Thứ hai, cần thiết kế và hoàn chỉnh sản phẩm BHNN để đảm bảo lợi ích và sự phát triển bền vững của các bên.

Thứ ba, nâng cao chất lượng giám định tổn thất và giải quyết bồi thường, quản lý rủi ro, tái bảo hiểm.

Thứ tư, trong tương lai, Việt Nam cần tính đến việc thành lập quỹ BHNN nhằm đảm bảo lợi ích của các bên, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. 

Năm 2012: uớc đạt 220 tỷ đồng từ bảo hiểm nông nghiệp

 

Theo thống kê từ Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (AVI), năm 2012, ước tính thu hút được hơn 200.000 hộ nông dân tham gia bảo hiểm và phí bảo hiểm thu được ước đạt 220 tỷ đồng giải quyết bồi thường kịp thời tổn thất do thiên tai dịch bệnh xảy ra đảm bảo chính sách an sinh xã hội.

 

Ba Doanh nghiệp Bảo hiểm (Bảo Việt, Bảo Minh, Vinare) thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn triển khai thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp.

 

Tính riêng việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của Bảo hiểm Bảo Việt sau hơn 1 năm triển khai bước đầu đạt kết quả khả quan, ước đạt hơn 148 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, đã bảo hiểm cho 105.000 hộ dân với tổng giá trị bảo hiểm 2.270 tỷ đồng.

 

Theo ông Trần Trọng Phúc, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, việc triển khai BH nông nghiệp tại Việt Nam có rất nhiều nét tương đồng với các nước trong khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, Hi Lạp… vì để xây dựng và phát triển chương trình này, Bộ Tài chính, Bộ NN & PTNT cũng như các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm đều đã khảo sát kĩ lưỡng, nghiên cứu cẩn thận về cách thức triển khai của các nước đã thành công với bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt là cách thức hỗ trợ người nông dân, cách thức thực hiện bảo hiểm theo chỉ số với bảo hiểm cây lúa…

 

Đặc biệt, với bảo hiểm thủy sản, do không tìm được quốc gia và vùng lãnh thổ có nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, cách thức nuôi trồng… nên các bên đã cùng phối hợp, tự xây dựng nên quy tắc bảo hiểm tôm/cá, cho đến nay cũng đã đạt được những hiệu quả nhất định.

 

“Việt Nam đã đạt được một số thành tựu về bảo hiểm nông nghiệp. Bằng chứng là những con số biết nói, và một số nước bạn, như Indonesia cũng đã đến tận Việt Nam để khảo sát về chương trình bảo hiểm nông nghiệp này’, ông Phúc nhấn mạnh.