Các doanh nghiệp phi nhân thọ đã có nhiều nỗ lực trong năm 2023

Các doanh nghiệp phi nhân thọ đã có nhiều nỗ lực trong năm 2023

Bảo hiểm phi nhân thọ vào mùa sớm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chuẩn bị cho mùa kinh doanh mới bằng một loạt hoạt động khai trương cũng như ký kết hợp tác với đối tác mới…

Lợi thế từ khu vực năng động

Năm 2023 được đánh giá là năm khó khăn chưa từng có đối với ngành bảo hiểm. Ngay từ đầu năm, thị trường đã xuất hiện nhiều biến động bất ngờ, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đặc biệt, trong quý II và đầu quý III/2023, tình hình khai thác doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều bất lợi.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/11/2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 227.596 tỷ đồng, trong đó thị trường bảo hiểm phi nhân thọ chỉ tăng trưởng 2%, còn thị trường bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Dù cuộc khủng hoảng niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ không ảnh hưởng quá lớn tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng suy thoái kinh tế cũng khiến doanh thu năm 2023 của khối này không được như ý. Tuy vậy, khác với các dự liệu khó khăn của khối nhân thọ còn có thể kéo dài qua năm 2024, bức tranh doanh thu của các doanh nghiệp phi nhân thọ được nhìn nhận có nhiều yếu tố khởi sắc hơn.

Trước đó, chia sẻ tại Hội nghị Các cơ quan quản lý bảo hiểm khu vực ASEAN lần thứ 26 (AIRM 26th), Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, ASEAN là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2023 và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng ở mức 5,5%. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế.

Theo dự báo của SwissRe, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 1,1% trong năm 2023 và tăng lên 1,7% vào năm 2024. Bảo hiểm trong ASEAN tiếp tục khẳng định là khu vực phát triển năng động so với thị trường quốc tế với dân số phát triển nhanh, sẵn sàng tận dụng những lợi ích từ các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm, đặc biệt trong thời kỳ hậu Covid…

Thông tin từ hội nghị cũng cho thấy, cùng với đà phục hồi kinh tế, ASEAN tiếp tục chứng kiến sự phát triển trong lĩnh vực bảo hiểm khi tăng trưởng tổng phí bảo hiểm được duy trì và tổng tài sản bảo hiểm tăng lên với sự gia nhập của các công ty mới trên thị trường; cơ hội phát triển ngành bảo hiểm do số hóa, hợp tác chặt chẽ trong khu vực… Hội nghị đã dành thời gian để tổ chức các phiên thảo luận về tương lai của bảo hiểm, tăng cường khả năng phục hồi của ngành, đổi mới và duy trì phát triển bền vững trong bảo hiểm, vai trò của các công ty bảo hiểm, khoảng cách bảo vệ cũng như các cách thức và phương tiện để phát triển lực lượng lao động trong ngành.

Tại Việt Nam, không chỉ tận dụng các cơ hội phát triển ở thị trường trong nước, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã vươn mình, mở rộng sự hiện diện và tìm kiếm các cơ hội hợp tác ở nhiều thị trường khác.

Đơn cử, mới đây, Bảo hiểm PVI ký kết hợp đồng nguyên tắc dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trách nhiệm dân sự xuyên biên giới với công ty bảo hiểm đứng thứ 2 thế giới về doanh thu và lợi nhuận là Ping An, thuộc Tập đoàn Bình An (Trung Quốc).

Trước đó, trong tháng 6/2023, Bảo hiểm PVI ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Công ty TNHH Bảo hiểm tài sản và Thiệt hại NongHyup, doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp tại Hàn Quốc, thành viên của Tập đoàn Tài chính NongHyup (sở hữu 100% bởi Liên đoàn Nông nghiệp Quốc gia Hàn Quốc).

Đẩy mạnh hợp tác và mở rộng thị trường mới

Trong tương quan với khu vực và thế giới, các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, quy mô của thị trường bảo hiểm Việt Nam còn khiêm tốn nên tiềm năng khai thác còn nhiều. Đây là dư địa để thị trường phát triển tích cực hơn thời gian tới.

Quay trở lại việc khai thác thị trường trong nước, trước những khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan của nền kinh tế, của ngành bảo hiểm, các doanh nghiệp phi nhân thọ đã nỗ lực tìm mọi giải pháp tháo gỡ để đảm bảo tăng trưởng kinh doanh. Năm 2023, dù xác định các nghiệp vụ đều chậm lại, kể cả nghiệp vụ chủ chốt như bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe, nhưng đối với doanh nghiệp khối này, khó khăn chỉ là ngắn hạn và cơ hội còn ở phía trước. Chính vì vậy, trong giai đoạn cuối năm, các doanh nghiệp phi nhân thọ tiếp tục thúc đẩy ký kết hợp tác và mở rộng thị trường, chờ đón cơ hội năm 2024.

Đơn cử, đầu tháng 12/2023, Bảo hiểm BIDV (BIC) chính thức khai trương hoạt động Chi nhánh BIC Gia Định. Đây là đơn vị thành viên thứ 33 của BIC, cũng là chi nhánh thứ 4 tại TP.HCM. Với sự ra đời của BIC Gia Định, mạng lưới hoạt động của BIC tại địa bàn Thành phố tiếp tục được mở rộng, nâng cao khả năng đa dạng sản phẩm - dịch vụ, cải tiến chất lượng hoạt động chăm sóc khách hàng, mang thương hiệu BIC tới gần hơn nữa với khách hàng.

Đặc biệt, với vai trò là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái kinh doanh của BIDV, việc thành lập Chi nhánh BIC Gia Định sẽ giúp tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa BIC và các chi nhánh BIDV trên địa bàn, trên cơ sở đó cung cấp các sản phẩm tài chính đa dạng, đáp ứng tối đa các nhu cầu của khách hàng.

Hiện tại, BIC đang là 1 trong 6 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc và đứng trong Top 3 nhà bảo hiểm phi nhân thọ có tỷ suất sinh lời cao nhất thị trường. Trong thời gian tới, BIC sẽ tiếp tục chiến lược mở rộng mạng lưới hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm...

Trong một động thái khác, Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đã ký kết hợp tác với Tập đoàn TTC. Theo đó, TTC sẽ dành quyền ưu tiên cho PJICO áp dụng các chính sách ưu đãi thực hiện dịch vụ bảo hiểm cho các sản phẩm, dịch vụ do TTC phát triển, hợp tác đầu tư, phân phối độc quyền. Đó là các sản phẩm, dịch vụ thuộc các ngành nghề tiêu biểu, bao gồm nông nghiệp; bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp; du lịch; nhóm sản phẩm đường cát, mật rỉ, cồn và dịch vụ logistics; điện năng lượng mặt trời; xây dựng - công nghiệp, dân dụng và hạ tầng…

Với Bảo hiểm PVI, thời gian qua, nhà bảo hiểm này đã thắng thầu một loạt hợp đồng bảo hiểm trong các dự án trọng điểm như dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án xây dựng nhà ga T3 - sân bay quốc tế Nội Bài với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… Trong đó, gói thầu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là lớn nhất và quan trọng nhất của dự án trọng điểm mà ngành giao thông, Chính phủ, Quốc hội đặc biệt quan tâm, với tổng giá trị xây lắp khoảng 35.000 tỷ đồng.

Bảo hiểm PVI còn được lựa chọn là nhà bảo hiểm của dự án xây dựng có phí bảo hiểm quy mô lớn nhất trong lịch sử ngành bảo hiểm Việt Nam, với tổng giá trị bảo hiểm gần 28.000 tỷ đồng và phí bảo hiểm lên tới hơn 365 tỷ đồng, đó là dự án thi công xây dựng công trình và bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba trong quá trình xây dựng nhà máy chính - dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I của EVN.

Trong tương quan với khu vực và thế giới, các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, quy mô của thị trường bảo hiểm Việt Nam còn khiêm tốn nên tiềm năng khai thác còn nhiều. Đây là dư địa để thị trường phát triển tích cực hơn thời gian tới.

Tin bài liên quan