Bảo hiểm tiếp diễn làn sóng sản phẩm mới

Bảo hiểm tiếp diễn làn sóng sản phẩm mới

(ĐTCK) Cùng với việc tăng thêm nhiều quyền lợi thiết thực thì việc nhắm vào tâm lý muốn đầu tư cho tương lai con trẻ của người Việt Nam cũng là cách nhiều doanh nghiệp bảo hiểm hướng tới.

Kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm. Xu hướng này không chỉ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, mà các doanh nghiệp bảo hiểm cũng không là ngoại lệ. Làm sao để có nhiều người sẵn sàng rút hầu bao mua bảo hiểm lúc này là bài toán khó của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Bảo hiểm tiếp diễn làn sóng sản phẩm mới ảnh 1Kinh tế khó khăn, đến cả bảo hiểm sức khoẻ cũng giảm doanh thu

Nếu như trong quý III/2012, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã đón nhận “làn sóng” sản phẩm bảo hiểm độc và lạ thuộc dòng bảo hiểm liên kết chung (UL) thì nay lại tiếp nhận thêm nhiều sản phẩm thuộc dòng hỗn hợp. Đây chính là dòng sản phẩm có số lượng hợp đồng khai thác mới chiếm tỷ lệ cao nhất so với các sản phẩm khác (chiếm 39,8%) trong 6 tháng đầu năm 2012.

Cùng với việc tăng thêm nhiều quyền lợi thiết thực thì việc nhắm vào tâm lý muốn đầu tư cho tương lai con trẻ của người Việt Nam cũng là cách nhiều doanh nghiệp bảo hiểm hướng tới. Sức tiêu dùng cho các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến trẻ em, giáo dục, sức khỏe vẫn rất tốt và là động lực giúp các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục dồn sức vào phân khúc bảo hiểm giáo dục.

Tại thị trường Việt Nam , sản phẩm hướng đến mục tiêu giáo dục cho con khá phổ biến. Đây là dòng sản phẩm đã được hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai và đang tiếp tục được đầu tư để trở thành thế mạnh của một số doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp mới vào thị trường như Korea Life Vietnam, Great Eastern Việt Nam, Cathay Life… Cạnh tranh ở phân khúc sản phẩm này được dự báo sẽ ngày càng sôi động.

Cuối tháng 7/2012, Great Eastern Việt Nam ra mắt sản phẩm “Đại an khôi nguyên ưu việt” được thiết kế với tổng giá trị chi trả có thể lên đến 200% số tiền bảo hiểm. Ngoài ra, sản phẩm còn cung cấp “Quyền lợi trợ cấp viện phí & phẫu thuật” và “Bảo hiểm cho 12 bệnh hiểm nghèo” dành cho trẻ em.

Hai tháng sau, Korea Life Vietnam tung ra “An sinh vinh hiển toàn diện”. Korea Life Vietnam cũng là một trong những công ty bảo hiểm đã cung cấp sản phẩm bảo hiểm giáo dục ngay khi mới vào thị trường Việt Nam . Bảo hiểm giáo dục đang chiếm khoảng trên 30% tổng doanh thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp này. Đại diện Korea Life Vietnam cho biết, đây là sản phẩm bảo hiểm có nhiều ưu điểm vượt trội như: vừa chi trả tiền bảo hiểm rủi ro, vừa chi trả tiền học hành, lại bảo vệ 12 bệnh hiểm nghèo…

Dự kiến, gần 2 tháng nữa, thị trường sẽ lại đón nhận thêm một sản phẩm bảo hiểm mới liên quan đến bảo hiểm giáo dục.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, việc đa dạng hoá các sản phẩm bảo hiểm sẽ giúp khách hàng có thêm nhiều cơ hội lựa chọn. Cùng là một công việc phải làm trong tương lai là cho con mình được đào tạo một ngành nghề để có công ăn việc làm ổn định, nhưng mục tiêu cụ thể của từng người khác nhau. Ví du, người có thu nhập thấp chỉ mong muốn có 100 triệu đồng để con được đào tạo công nhân kỹ thuật; những người có thu nhập khá hơn thì ước muốn có 300 triệu đồng để con được đào tạo cử nhân trong nước; hay có nhiều người muốn có 500 triệu đến 1 tỷ đồng để con được du học nước ngoài.

Một số người thu nhập thấp khi mắc bệnh chỉ mong được điều trị khỏi bệnh là tốt. Trong khi đó, những người trung lưu, giàu có lại muốn điều trị chất lượng cao, thậm chí muốn được chữa trị tại nước ngoài.

“Những sản phẩm bảo hiểm thiết kế cho từng đối tượng nói trên sẽ tạo ra quan hệ cung - cầu tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, ông Lộc nhận định.

Sự bùng nổ các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong bối cảnh kinh tế khó khăn thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn. Bởi sự bùng nổ này khiến thị trường có quá nhiều sản phẩm bảo hiểm, điều đó cũng có thể tạo cảm giác dư thừa giả tạo về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong giai đoạn này, sản phẩm mới, thị trường mới, khách hàng mới không chỉ làm tăng trưởng quy mô thị trường với nhiều phân khúc chưa được khai thác hoặc chưa được tập trung khai thác, mà còn là chỗ dựa của các doanh nghiệp bảo hiểm.