Đa phần bảo hiểm trực tuyến tại Việt Nam đang ở khâu khách hàng chọn mua sản phẩm, việc thanh toán vẫn được thực hiện bằng tiền mặt

Đa phần bảo hiểm trực tuyến tại Việt Nam đang ở khâu khách hàng chọn mua sản phẩm, việc thanh toán vẫn được thực hiện bằng tiền mặt

Bảo hiểm trực tuyến “bước nhỏ” năm 2020

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ bảo hiểm (InsurTech), nhưng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn để ngỏ nhận định về tương lai gần của kênh bán bảo hiểm trực tuyến (online) tại Việt Nam.

“Mặc dù công ty bán bảo hiểm online đã được vài năm và sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đã cấp giấy chứng nhận điện tử, nhưng đến nay vẫn có nhiều khách hàng yêu cầu công ty phải in ra một bản cứng. Sản phẩm bảo lãnh viện phí cũng vậy, khách hàng chỉ cần chứng minh nhân dân/căn cước công dân là có thể khám chữa bệnh ở những bệnh viện liên kết, nhưng vẫn yêu cầu công ty phải in thẻ cứng để mang theo cho chắc ăn”, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nói với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, thay cho câu trả lời về tương lai gần của bảo hiểm trực tuyến tại Việt Nam.

InsurTech bùng nổ trên toàn cầu

Theo báo cáo quý IV/2019 về thị trường bảo hiểm trực tuyến của Willi Towers Watson, InsurTech bùng nổ mạnh mẽ trên toàn cầu với giá trị đầu tư từ 1 tỷ USD trong giai đoạn quý IV/2018 đến quý III/2019 lên 2 tỷ USD chỉ trong quý IV/2019 - mức đầu tư kỷ lục trong mọi thời đại.

Trong năm 2019, các khoản đầu tư cho InsurTech chiếm 33,9% tổng giá trị đầu tư lũy kế vào lĩnh vực này.

Mỹ là thị trường dẫn đầu về đầu tư cho InsurTech, nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng năng động và mạnh mẽ nhất, vượt qua cả Trung Quốc và Nhật Bản.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê về doanh thu từ InsurTech cũng như các khoản đầu tư cho lĩnh vực này, nhưng hàng loạt ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm đã xuất hiện.

Không phải các công ty khởi nghiệp mọc lên ngày càng nhiều, mà bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm lâu đời cũng ngầm chạy đua để từng bước chiếm lĩnh thị trường bảo hiểm trực tuyến nhiều tiềm năng.

Thời gian gần đây, các công ty khởi nghiệp về bảo hiểm trực tuyến liên tục ra mắt, không chỉ là công ty của Việt Nam như Inso, Miin, mà cả những công ty có kinh nghiệm triển khai ở nước ngoài như 9line, Papaya. Những công ty này đang nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Doanh thu bảo hiểm trực tuyến vẫn khiêm tốn

Năm 2020, trước tác động của dịch bệnh Covid-19 và chính sách hạn chế đi lại nhằm phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để doanh thu kênh bán bảo hiểm trực tuyến tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngay cả một số doanh nghiệp bảo hiểm tiên phong về lĩnh vực bảo hiểm trực tuyến như PTI, VBI, BIC…, doanh thu từ kênh online vẫn chưa có sự bứt phá.

Doanh thu từ kênh bán bảo hiểm trực tuyến hiện ở mức thấp so với các kênh khác, cao nhất cũng chỉ đạt 5 - 7%.

Doanh thu từ kênh bán bảo hiểm trực tuyến hiện ở mức thấp so với các kênh khác, cao nhất cũng chỉ đạt 5 - 7%. Đó là lý do khiến rất ít hãng bảo hiểm công bố doanh thu đến từ kênh online.

Thời gian qua, có 2 hướng phát triển kênh bán bảo hiểm trực tuyến là “B to C” (bán trực tiếp cho các khách hàng cá nhân) và “B to B to C” (thông qua các doanh nghiệp, các tổ chức để bán hàng).

Đối với cách bán hàng trực tiếp cho khách hàng cá nhân, hiện không nhiều doanh nghiệp bảo hiểm triển khai do tỷ lệ thành công không cao. Một trong những rào cản lớn nhất là người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen mua bảo hiểm một cách chủ động, chứ chưa nói đến việc mua online.

Do vậy, để khách hàng cá nhân chủ động mua bảo hiểm trực tuyến, các doanh nghiệp bảo hiểm dành ngân sách không nhỏ đầu tư cho kênh online.

Đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay tập trung vào hình thức thứ hai là “B to B to C”.

Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm tận dụng mạng lưới bán hàng của đối tác như sàn thương mại điện tử, ngân hàng, công ty tài chính, đại lý bán vé máy bay… để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng cuối cùng.

Toàn bộ quy trình bán hàng, theo dõi, đối soát đều được thực hiện online, thậm chí công tác giám định và bồi thường cũng được thực hiện online. Số tiền bồi thường được doanh nghiệp bảo hiểm trực tiếp chuyển vào tài khoản khách hàng.

Chẳng hạn, năm 2019, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) ra mắt sản phẩm Delay flight (bồi thường khi khách hàng bị hoãn, hủy chuyến bay). Đây là sản phẩm đầu tiên trên thị trường được tích hợp online toàn bộ từ việc mua hàng đến việc xác minh thời gian hoãn, hủy của chuyến bay và chuyển tiền chi trả bồi thường trong 30 phút kể từ khi khách hàng khai báo.

Sản phẩm này được triển khai với một hãng hàng không lớn của Việt Nam và PTI đang tiếp tục hợp tác với nhiều hãng hàng không khác. Nhờ ứng dụng công nghệ mà doanh nghiệp bảo hiểm này tiết kiệm được nhiều khoản chi phí trong quá trình vận hành, qua đó tiết giảm được mức phí bán ra cho khách hàng.

Ứng dụng công nghệ trong bảo hiểm được nhìn nhận đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp bảo hiểm như nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động.

Một số doanh nghiệp chú trọng số hóa toàn bộ quy trình, giao dịch không dùng giấy tờ, tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí quản lý điều hành, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Khi mọi thông tin được online hóa toàn bộ, doanh nghiệp có thêm nhiều công cụ nghiên cứu thị trường, phân tích, đánh giá thị trường, tìm hiểu đúng nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra được những sản phẩm phù hợp nhất.

Công nghệ cũng giúp việc giải quyết khiếu nại của khách hàng một cách nhanh chóng và mở ra cơ hội hợp tác, bán chéo các sản phẩm khác.

Chặng đường còn dài

Một trong những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp đang đối mặt khi phát triển bảo hiểm trực tuyến là thói quen sử dụng tiền mặt của người dân Việt Nam.

Theo báo cáo số liệu thanh toán khi mua bảo hiểm trực tuyến, hiện mới chỉ có khoảng 30% khách hàng thanh toán online, chủ yếu là hình thức chuyển khoản. Hình thức thanh toán qua cổng thanh toán như NAPAS, VISA, Master chiếm tỷ trọng nhỏ do bản thân các doanh nghiệp bán hàng cũng không mặn mà.

Bình quân, các cổng thanh toán sẽ thu phí khoảng 2 - 3% trên mỗi giao dịch. Trong bối cảnh tiết giảm từng đồng chi phí để cạnh tranh như hiện nay thì còn số 2 - 3% là không nhỏ, khiến các doanh nghiệp hạn chế sử dụng.

Vì vậy, ngoại trừ một vài sản phẩm đặc biệt như Delay flight của PTI, đa phần bảo hiểm trực tuyến tại Việt Nam mới dừng lại ở khâu khách hàng chọn mua sản phẩm, việc thanh toán vẫn được thực hiện bằng tiền mặt.

Một thực tế khác là kênh bảo hiểm trực tuyến khó cạnh tranh được với các kênh khác. Bảo hiểm trực tuyến dù có đội ngũ tư vấn nhưng khó có thể tư vấn kỹ lưỡng bằng các đại lý, nhất là khi đại lý có thể giảm hoa hồng để giảm phí cho khách hàng.

Trong khi đó, mức giảm phí của kênh trực tuyến là công khai và phải theo chương trình khuyến mại có thời hạn được đăng ký với Bộ Công thương. Mặt khác, nhiều đại lý cũng có thể lập trang web hay facebook nhằm tìm kiếm và trực tiếp tư vấn online cho khách hàng.

Đầu tư vào kênh trực tuyến mất nhiều chi phí như quảng cáo, khuyến mại, xây dựng hệ thống công nghệ và doanh nghiệp bảo hiểm còn phải dành thêm nguồn lực để đảm bảo sự an toàn cho hệ thống.

Đáng lưu ý, để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng mua bảo hiểm, các doanh nghiệp phải thường xuyên nghiên cứu đưa ra những sản phẩm mới, phù hợp với hành vi mua hàng trên online. Điều này đồng nghĩa với các quy định, quy trình phải được đơn giản hóa.

Theo bà Hoàng Thị Yến, Giám đốc PTI Digital, việc xây dựng và thiết kế các sản phẩm trực tuyến thực sự hấp dẫn người tiêu dùng không phải là điều dễ dàng, bởi sản phẩm bảo hiểm chịu sự quản lý chặt chẽ của Luật Kinh doanh bảo hiểm, ràng buộc chi tiết trong hợp đồng.

Sản phẩm vừa phải mới mẻ, hiện đại, phù hợp với người tiêu dùng trêng mạng xã hội, lại vừa phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật là một thách thức với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm.

Bà Yến nhận định, trong năm 2021, kênh bảo hiểm trực tuyến có thể sẽ có một cuộc chạy đua trên thị trường về việc đưa ra các sản phẩm mới.

Trong đó, sản phẩm của Công ty hướng đến người tiêu dùng trẻ, có thói quen sử dụng công nghệ. Những sản phẩm mới sẽ được thực hiện toàn bộ trên nền tảng công nghệ, từ khâu bán hàng đến khâu bồi thường, khách hàng thao tác toàn bộ quy trình trên điện thoại di động.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp phát triển kênh bán bảo hiểm trực tuyến chủ yếu để làm thương hiệu, cũng như là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái kỹ thuật số, chứ chưa đặt nhiều kỳ vọng vào doanh thu đến từ kênh này, bởi cần phải có thời gian để thói quen tiêu dùng online của người tiêu dùng tăng lên.

Tin bài liên quan