Bảo hiểm vẫn đóng góp lớn cho ngân sách

Bảo hiểm vẫn đóng góp lớn cho ngân sách

(ĐTCK) CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa chính thức công bố Bảng Xếp hạng 1000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2012 (V1000). Đóng góp cho danh sách này, có tới 21 trên tổng số 50 DN trong ngành bảo hiểm.

Bảo hiểm vẫn đóng góp lớn cho ngân sách ảnh 1Trong danh sách 1000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm nay, có 21 DN trong ngành bảo hiểm

 

Số lượng DN bảo hiểm nằm trong danh sách nộp thuế thu nhập cao nhất năm nay đã tăng 40% so với năm ngoái. Trong đó, có mặt hầu hết những tên tuổi lớn trong ngành như Prudential Việt Nam, Bảo Việt, Manulife Việt Nam, AIA Việt Nam, Dai-ichi Việt Nam, Bảo hiểm PVI, Bảo Minh, PTI và cả những cái tên còn khá mới trên thị trường như Bảo Ngân, Toàn Cầu…

Năm 2012 là năm thứ ba liên tiếp bảng xếp hạng V1000 được công bố và cũng là năm thứ ba liên tiếp CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) nằm trong bảng xếp hạng này. Thứ hạng của BIC trong Bảng xếp hạng cũng được cải thiện qua từng năm. Prudential Việt Nam cũng là một trong những DN bảo hiểm nhân thọ đều có tên trong danh sách này những năm qua. Năm 2010, Prudential Việt Nam nằm trong Top 10 DN đóng thuế thu nhập DN cao nhất Việt Nam

V1000 được công bố đúng vào thời điểm các DN ở tất cả các ngành nghề đều đang ở đỉnh điểm của khó khăn và ngành bảo hiểm cũng không ngoại lệ. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng của ngành cũng có thể không đạt được như kỳ vọng đầu năm. Dự kiến ban đầu, thị trường bảo hiểm năm 2012 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khoảng 20%. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ sẽ phát triển với tốc độ hơn 20%, bảo hiểm nhân thọ phát triển với tốc độ khoảng 15 -18%. Với tình hình kinh tế hiện nay, có thể tốc độ tăng trưởng này sẽ khó đạt được.

Riêng khối bảo hiểm phi nhân thọ, tốc độ tăng trưởng dự tính chỉ đạt 12 -13%. Ngay khi kết thúc quý II/2012, nhận biết tình hình kinh tế còn khó khăn, nhiều DN khối này đã điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng so với năm trước. Có DN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng từ mức gần 70% xuống mức 20%.

Đại diện một DN bảo hiểm phi nhân thọ có vốn nước ngoài cho biết, với tình hình thị trường đi xuống như năm nay, nếu khối phi nhân thọ đạt được tốc độ tăng trưởng hơn 12% là thành công.

Với các DN nhân thọ, có lẽ tình hình cũng không khá hơn. 6 tháng đầu năm, thị trường chỉ tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2011. Dự báo, tăng trưởng cả năm chỉ đạt khoảng 10 -12%. Tình hình kinh doanh năm 2013 được các DN trong ngành dự đoán không khả quan hơn nếu kinh tế vĩ mô chưa thể khởi sắc.

V1000 công bố năm 2012 nhưng dựa trên số liệu năm 2011 - năm mà tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm vẫn đạt hơn 18%. Thời điểm đó, các DN bảo hiểm vẫn tăng trưởng tốt nên mức đóng góp ngân sách vẫn cao. Năm 2012, tình hình kinh doanh của các DN trong ngành có thể có nhiều thay đổi, nhưng theo tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm vẫn là ngành có tốc độ tăng trưởng khá khả quan so với các ngành nghề kinh doanh khác trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam , tiềm năng tăng trưởng của ngành bảo hiểm còn rất lớn. Cơ chế, chính sách cho hoạt động bảo hiểm đã mở hơn và tạo thêm nhiều phân khúc thị trường như: bảo hiểm nông nghiệp (nếu triển khai ở 20 tỉnh, mỗi tỉnh chọn 3 huyện thì số huyện có bảo hiểm nông nghiệp sẽ là 60 huyện, đây là nguồn đem lại doanh thu không nhỏ); bảo hiểm trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh, bảo hiểm trách nhiệm các cơ sở quản lý và khai thác các chất phóng xạ hạt nhân từ cơ sở nghiên cứu, thực nghiệm, cơ sở kiểm tra chất lượng, kể cả cơ sở điều trị và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm nhóm…. Tất cả những cơ hội này nếu được các DN bảo hiểm hiện thực hóa, đóng góp của ngành bảo hiểm cho xã hội sẽ còn cao hơn nữa.