Bảo hiểm vi mô giữ sức cho đường dài

Bảo hiểm vi mô giữ sức cho đường dài

(ĐTCK) Dù rất tích cực triển khai bảo hiểm vi mô, nhưng thực tế các DN bảo hiểm nhân thọ được giao làm thí điểm đang gặp phải một số khó khăn.

Bảo hiểm vi mô giữ sức cho đường dài ảnh 1

Phí thu quá thấp, trong khi chi phí tổ chức phát triển mô hình bảo hiểm vi mô là không nhỏ, nên các DN cũng phải tính toán để cân đối chi phí mới có thể “đi đường dài” với mô hình này. Kinh nghiệm của những DN đi trước và đã thất bại cho thấy, với bảo hiểm vi mô, không thể nóng vội.

Chính thức “trình làng” từ năm 2009, đến nay, sau 3 năm triển khai, chương trình bảo hiểm vi mô với sản phẩm “Bạn đồng hành” do Manulife Việt Nam phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện đã và đang cung cấp các giải pháp tài chính hiệu quả cho hơn 120.000 phụ nữ có thu nhập thấp tại các tỉnh, thành trên khắp cả nước. Manulife Việt Nam là DN bảo hiểm đầu tiên được chọn thí điểm tái khởi động mô hình bảo hiểm vi mô.

Bảo hiểm vi mô có nguồn gốc từ tài chính vi mô và được triển khai từ lâu. Mô hình này đang ngày càng trở nên phổ biến ở các nước nghèo và các nước đang phát triển. Nó đã và đang đóng góp đáng kể cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, thông qua việc cung cấp sự bảo vệ cho người nghèo không thể tham gia bảo hiểm thông thường hoặc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của nhà nước. Ở nước ta hiện nay, việc đẩy mạnh sản phẩm bảo hiểm vi mô hướng đến người có thu nhập thấp nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ, vì nó hỗ trợ đáng kể cuộc sống người nghèo - một trong những mục tiêu quan trọng của Chính phủ.

Với mức phí thấp, phù hợp với thu nhập của đại bộ phận phụ nữ nghèo tại các vùng, miền trên cả nước, chương trình bảo hiểm vi mô của Manulife Việt Nam tính đến nay đã triển khai thành công tại 13 tỉnh/thành phố, phát hành hơn 120.000 hợp đồng bảo hiểm, chi trả quyền lợi cho gần 800 trường hợp với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Sau một thời gian triển khai, các DN nhận thấy rằng, việc triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô đòi hỏi phải xây dựng quy trình tốt, sau đó mới mở rộng ra khắp các tỉnh, thành, bởi sản phẩm này có những đăc thù riêng. Không thể phân phối sản phẩm qua đại lý, bởi chi phí cao, trong khi các đại lý cũng không mặn mà với việc bán sản phẩm này. Do đó, những DN triển khai bảo hiểm vi mô đều phải chọn kết hợp với Hội Phụ nữ các tỉnh, thành để bán sản phẩm.

Tuy nhiên, việc các DN bán sản phẩm bảo hiểm vi mô không thông qua đại lý, mà chỉ thông qua các hội, đoàn thể, nên công tác thu phí hàng tháng cũng là một vấn đề nan giải. Bởi lẽ, địa bàn nông thôn không giống như thành phố, người dân sống ở các địa hình khác nhau, nên việc tiếp cận được họ để giới thiệu sản phẩm và ký hợp đồng đã khó, mà thu tiền phí lại càng khó khăn hơn. Trong khi đó, cùng với tiếp thị, việc cung cấp sản phẩm là một trong những hoạt động chiếm nhiều chi phí nhất khi triển khai sản phẩm mới. Thậm chí, một nhà cung cấp bảo hiểm vi mô có thể tiêu tốn tới 90% tổng số phí thu được cho việc cung cấp sản phẩm và thu phí trong năm đầu tiên.

Dù là sản phẩm bảo hiểm có đặc thù rất riêng, nhưng hiện nay môi trường chính sách về kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam chưa có sự phân biệt cụ thể giữa bảo hiểm thông thường và bảo hiểm cho người nghèo. Do đó, không có cơ chế để thúc đẩy loại hình bảo hiểm dành cho người nghèo phát triển. Hiện Bộ Tài chính đã được giao nhiệm vụ phải tổ chức nghiên cứu, ban hành quy định phù hợp đối với hoạt động bảo hiểm vi mô trong giai đoạn 2011 - 2015.

Bà Tina Nguyễn - Phó tổng giám đốc Prudential Việt Nam (DN bảo hiểm nhân thọ cũng được chọn để triển khai bảo hiểm vi mô) cho biết, đến thời điểm này, Prudential Việt Nam đã triển khai bán bảo hiểm vi mô tại Huế, Nha Trang và Quảng Trị. Tuy nhiên, chỉ có Huế là đang bán tốt nhất, còn tại Nha Trang và Quảng Trị sẽ phải có những thay đổi về hình thức bán bảo hiểm vi mô. Công ty dự tính triển khai sản phẩm bảo hiểm này tại Vũng Tàu, An Giang và một số tỉnh miền Trung, nhưng vì một số lý do nên chưa thể triển khai ngay.

“Đây là một sản phẩm hay, có ý nghĩa dân sinh tích cực, nên Prudential Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai ở các địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, việc triển khai cũng có những khó khăn nhất định, nên chưa thể phát triển nhanh, mà phải đi từ từ”, bà Tina chia sẻ.