Bảo hiểm vi mô: không thể nóng vội

Bảo hiểm vi mô: không thể nóng vội

(ĐTCK) Mặc dù được các cơ quan chức năng hết sức ủng hộ về mặt chủ trương chính sách, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tích cực triển khai phát triển sản phẩm, nhưng việc “phủ sóng” sản phẩm bảo hiểm vi mô không dễ dàng.

Giữa tháng 5/2010, CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Thanh Hóa tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm bảo hiểm dành cho người có thu nhập thấp tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, sau khi dự án đó kết thúc, chương trình đã không được nhân rộng vì nhiều lý do khác nhau.

Bảo hiểm vi mô: không thể nóng vội ảnh 1

Bảo hiểm nông nghiệp có cả các ban chỉ đạo cấp tỉnh tham gia vận động, nhưng vẫn tăng trưởng chậm

Hiện tại, công tác triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đang được các doanh nghiệp tiến hành gấp rút. Bảo Minh đã đào tạo đại lý tại 3 tỉnh An Giang (30/12/2011), Nam Định (6/1/2012) và Hà Tĩnh (15 - 17/2/2012), kết hợp với tập huấn chủ hợp đồng, để sẵn sàng ký hợp đồng bảo hiểm ngay khi tập hợp được danh sách nông dân tham gia.

Đến thời điểm này, Nam Định và Hà Tĩnh là những địa bàn triển khai bảo hiểm cây lúa của Bảo Minh, Ban chỉ đạo tỉnh vẫn đang tích cực vận động, tuyên truyền để nông dân hưởng ứng chương trình thí điểm. Tại Trà Vinh, Ban chỉ đạo tỉnh vừa họp triển khai và quyết định, trong tháng 3/2012 phải có hợp đồng. Hiện Bảo Minh cũng đã triển khai xuống xã, thôn và từng hộ nông dân tại An Giang, nhưng kết quả đạt được chưa cao và Ban chỉ đạo An Giang vừa phải họp để tìm kiếm các giải pháp mới.

Với khối bảo hiểm nhân thọ, Prudential có nhiều thuận lợi khi triển khai sản phẩm Phú - An Tâm, bởi Công ty có hệ thống văn phòng rộng lớn, có thể tiếp cận khách hàng tại địa phương dễ dàng hơn, đặc biệt là những khách hàng thu nhập thấp sinh sống ở những địa bàn giao thông ít thuận lợi. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cũng nhận định, với sản phẩm này, phải phát triển từ từ, không thể nóng vội. Việc triển khai sản phẩm đòi hỏi phải xây dựng quy trình tốt, sau đó mới mở rộng. Hiện Công ty đang triển khai ở một số tỉnh miền Trung và sẽ mở rộng dần ra một số tỉnh miền Nam, đồng thời phối hợp với các đơn vị địa phương thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để thông tin về lợi ích của sản phẩm này tới đông đảo người dân.

Dai-ichi Life Việt Nam đã cho ra mắt An Nghiệp Chu Toàn - được thiết kế với nhiều quyền lợi bảo vệ toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ tài chính của đối tượng có thu nhập thấp. Nhưng sau khi đưa sản phẩm này ra thị trường, Dai-ichi Life Việt Nam vẫn chưa triển khai chính thức cho các tư vấn bảo hiểm, mà chỉ có các giám đốc bán hàng thực hiện bán thử nghiệm với số lượng ít.

Trong khi đó, việc triển khai bảo hiểm vi mô của Manulife Việt Nam - doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tiên được chọn thí điểm triển khai sản phẩm này, cũng chưa có bước phát triển đột biến.

Việc tìm ra một kênh phân phối thực sự hiệu quả để bán sản phẩm bảo hiểm vi mô tới tận tay người dân nông thôn là một bài toán đau đầu cho các công ty bảo hiểm muốn phát triển sản phẩm này. Bởi lẽ, ở nông thôn, người dân sống ở các địa hình khác nhau nên việc tiếp cận được họ để giới thiệu sản phẩm và ký hợp đồng đã khó, mà thu tiền phí lại càng khó hơn. Trong khi đó, cùng với tiếp thị, việc cung cấp sản phẩm là một trong những hoạt động chiếm nhiều chi phí nhất khi tiến hành sản phẩm mới.

Tại sao việc thực hiện bảo hiểm cho người nghèo có mục đích và ý nghĩa lớn lao như vậy nhưng lại triển khai rất chậm trong điều kiện thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có bước tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua?

Ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, một trong những nguyên nhân cơ bản là do môi trường chính sách về kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam chưa có sự phân biệt cụ thể giữa bảo hiểm thông thường và bảo hiểm cho người nghèo. Do đó, không có cơ chế để thúc đẩy loại hình bảo hiểm dành cho người nghèo phát triển.

Cũng theo ông Hoan, một nguyên nhân lớn khác là việc các tổ chức tương trợ tại Việt Nam (không phải do Nhà nước thành lập và quản lý) còn thiếu kỹ năng tính phí bảo hiểm cũng như kỹ năng quản trị điều hành, nên khó có khả năng đảm bảo cung cấp dịch vụ bảo hiểm một cách lâu dài và hiệu quả. Các chương trình bảo hiểm này cũng không được thu xếp bảo vệ bởi nhà tái bảo hiểm nên có thể mất khả năng thanh toán khi xảy ra rủi ro thiên tai…

Được biết, hiện tại, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đang tìm hướng khắc phục tình trạng này. Bộ Tài chính cũng đã được giao nhiệm vụ phải tổ chức nghiên cứu, ban hành quy định phù hợp đối với hoạt động bảo hiểm vi mô trong giai đoạn từ 2011 đến 2015.