Nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc dần suy yếu.

Nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc dần suy yếu.

Biến số kinh tế Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kinh tế Trung Quốc suy yếu gần như ảnh hưởng đến cả thế giới, Việt Nam ở cạnh đương nhiên chịu tác động không nhỏ.

Nhiều dấu hiệu suy yếu

Các chỉ số kinh tế tháng 7/2023 cho thấy, Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn sau khi mở cửa trở lại. Cụ thể, tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm tốc, chỉ tăng 2,5%, trong khi tháng 6 tăng 3,1%, tháng 5 tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu lạm phát cho thấy nguy cơ giảm phát khi tháng 7 giảm 0,3%, trong khi tháng 6 không thay đổi, còn tháng 5 tăng 0,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu giảm tháng thứ ba liên tiếp, với mức giảm tháng 7 là 14,5% so với cùng kỳ (7 tháng đầu năm 2023 giảm 5%), còn nhập khẩu giảm mạnh nhất trong 6 tháng qua (tháng 7 giảm 12,4%, 7 tháng đầu năm giảm 7,6%).

Bên cạnh đó, các khoản vay ngân hàng mới trong tháng 7 giảm 89% so với tháng 6, xuống còn 345,9 tỷ CNY, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2009. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 16 đến 24 tuổi) trong tháng 6 ở mức cao kỷ lục là 21,3%.

Trong lĩnh vực bất động sản, một rủi ro mới là Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ, còn Country Garden (quy mô tổng nợ phải trả tính đến cuối năm 2022 là 194 tỷ USD) đã trễ hạn thanh toán khoản lãi 22,5 triệu USD của 2 lô trái phiếu có tổng mệnh giá 1 tỷ USD.

Để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất của cơ chế cho vay trung hạn 1 năm (MLF) từ 2,65% xuống 2,5% vào ngày 15/8, sau lần cắt giảm 0,1% đầu tiên trong năm nay vào ngày 13/6, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp và lãi suất cho vay thế chấp.

Theo mô hình SHOK của Bloomberg Economics, việc cắt giảm lãi suất gần đây chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP 0,1% trong năm nay và 0,28% trong năm tới. Do đó, PBoC cần hạ lãi suất MLF xuống mức 2,3%/năm vào cuối năm 2023, đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thêm 0,5% (hồi tháng 3 đã giảm 0,25%) từ mức trung bình có trọng số của các tổ chức tài chính khoảng 7,6% hiện nay để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP 5% năm nay.

Một số tác động đến Việt Nam

Trong 7 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng khách du lịch Trung Quốc tại Việt Nam tăng lên 11% từ mức 3% trong năm 2022, sau khi nước này mở cửa lại kinh tế, nhưng vẫn ở mức thấp so với giai đoạn trước đại dịch (chỉ đạt khoảng 30% trong giai đoạn 2017 - 2019). Sự phục hồi kinh tế chậm hơn kỳ vọng, tỷ lệ thất nghiệp cao khiến người dân Trung Quốc ngần ngại chi tiền để đi du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên, trong các tháng tới, thị trường du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ, nhờ việc gia hạn thị thực điện tử cho du khách quốc tế từ 30 ngày lên 90 ngày kể từ ngày 25/8/2023, qua đó tiếp tục dẫn dắt doanh số bán lẻ (tháng 7 năm nay tăng 7,1%, lũy kế 7 tháng tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái).

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Một số mặt hàng xuất khẩu chính là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, rau quả có mức tăng trưởng ấn tượng trong 7 tháng đầu năm 2023. Nhờ đó, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 2,4%, trong khi các thị trường xuất khẩu khác sụt giảm so với cùng kỳ.

Ở chiều nhập khẩu, Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 33% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, một số mặt hàng Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc là máy móc thiết bị, (chiếm 54% tổng nhập khẩu mặt hàng này), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 29%), vải các loại (chiếm 62%), điện thoại và linh kiện (chiếm 38%), sắt thép các loại (chiếm 42%). Trong 7 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 18% trong bối cảnh sản xuất công nghiệp trong nước chậm lại.

Như vậy, sự suy yếu của nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, từ đó gây áp lực đối với hoạt động thương mại và sản xuất của Việt Nam, nhất là tới các lĩnh vực có tỷ lệ xuất khẩu cao sang Trung Quốc như gỗ, giấy… Thêm vào đó, một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc có thể chịu tác động tiêu cực.

Ngoài ra, theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh dẫn tới áp lực nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng do hàng hoá nhập khẩu trở nên rẻ hơn. Các sản phẩm bị ảnh hưởng là hàng nông lâm thủy sản, đồ nội thất, sắt thép, vật liệu xây dựng...

Tin bài liên quan