Bộ đệm dự phòng của các ngân hàng “mỏng” dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Mặc dù nợ xấu có xu hướng tăng, song nhiều ngân hàng giảm trích lập dự phòng rủi ro nhằm hạn chế ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận trong quý đầu năm 2025, khiến “bộ đệm” của nhà băng mỏng dần, tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành xuống còn 80%.
Chỉ có 4 ngân hàng duy trì được tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên ngưỡng 100% là Vietcombank, VietABank, VietinBank và Techcombank

Chỉ có 4 ngân hàng duy trì được tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên ngưỡng 100% là Vietcombank, VietABank, VietinBank và Techcombank

Bộ đệm dự phòng phân hóa rõ nét

Trong quý I/2025, chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng suy giảm khi tỷ lệ nợ xấu toàn ngành gia tăng, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) thấp hơn trước. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành cuối quý I/2025 là 2,16%, tăng 0,23% so với quý liền trước.

Trước áp lực nợ xấu, không ít ngân hàng nâng bộ đệm dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, số dư dự phòng nợ xấu thường không theo kịp tốc độ tăng của nợ xấu. Báo cáo tài chính quý I/2025 của 27 ngân hàng cho thấy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ mức 91,4% cuối năm ngoái xuống còn 80% vào cuối quý I/2025.

Chỉ có 4 ngân hàng duy trì được tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên ngưỡng 100% là Vietcombank, VietABank, VietinBank và Techcombank. BIDV đã rời nhóm này do ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 133,7% xuống 96,8%, do số dư nợ xấu tăng hơn 37,4%.

Trong đó, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đạt 216,1%, giảm 7,2% so với cuối năm ngoái. Đứng thứ hai là VietABank, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 72,5% lên 150,2%, chủ yếu nhờ số dư nợ xấu giảm một nửa. VietinBank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 136,8%, giảm 33,93%. Tỷ lệ này tại Techcombank là 111,6%, giảm 2,36%.

Sáu ngân hàng khác trong Top 10 có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất lần lượt là Bac A Bank, BIDV, SeABank, MB, Sacombank, LPBank.

Một số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu được cải thiện trong quý đầu năm 2025 bao gồm VietABank (tăng 77,75%), Sacombank (tăng 6,24%); VietBank, ABBank và NCB có mức tăng dưới 5%…

Nhìn chung, bộ đệm dự phòng của ngành ngân hàng không còn dày và có sự phân hoá rõ nét giữa các nhà băng. Ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ có bộ đệm dự phòng thấp hơn nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.

Theo FiinRatings, giai đoạn 2022 - 2024, tốc độ tăng trưởng cho vay trong ngành ngân hàng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng nợ xấu, bao gồm cả nợ nhóm 3 - 5 và nợ xấu chuyển giao cho VAMC. Điều này cho thấy, chất lượng tài sản của các ngân hàng đang chịu áp lực không nhỏ.

FiinRatings dự báo, năm 2025, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu, nợ có vấn đề và tỷ lệ nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN cao hơn mức trung bình ngành sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực về chất lượng tài sản.

Ngân hàng giảm dự phòng

Bộ đệm dự phòng của ngành ngân hàng không còn dày và có sự phân hoá rõ nét giữa các nhà băng.

Trong quý I/2025, số dư nợ xấu của Vietcombank tăng 7,7%, lên mức 15.036 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,96% lên 1,03%. Tuy vậy, Ngân hàng đã cắt giảm hơn 50% chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ năm 2024. Điều này giúp lợi nhuận trước thuế tăng 1,3%, đạt 10.860 tỷ đồng.

Tương tự, chi phí dự phòng rủi ro của Techcombank giảm 10% trong quý đầu năm nay, xuống gần 1.100 tỷ đồng. Trong khi đó, số dư nợ xấu tăng 9,6%, đẩy tỷ lệ nợ xấu lên mức 1,17%, nhưng đây vẫn là mức thấp so với quy định. Về lợi nhuận, Ngân hàng ghi nhận lãi trước thuế 7.236 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, chất lượng tài sản toàn ngành suy giảm trong quý I/2025 khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên trên 2% (tăng 0,29%), dù đã xóa 26.600 tỷ đồng nợ xấu (tăng 34% so với cùng kỳ). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm còn 88,7% so với mức 105% cuối năm 2024, đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Theo dữ liệu từ Wichart, số dư dự phòng rủi ro vào cuối quý I/2025 của các ngân hàng niêm yết ở mức 212.460 tỷ đồng, tăng 2,33% so với cuối năm ngoái. Trong khi đó, số dư nợ xấu tăng tới gần 17%, lên gần 265.549 tỷ đồng. Điều đó dẫn đến tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp hơn so với cuối năm ngoái, trong đó có tới 21/27 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ này giảm. Trong đó, các ngân hàng dẫn đầu về quy mô cho vay như BIDV, VietinBank, MB thuộc nhóm có tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhiều nhất.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, nợ xấu ngành ngân hàng tăng chủ yếu đến từ việc hình thành nợ xấu mới, thay vì các khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN hay ảnh hưởng bởi thiên tai như bão Yagi hồi tháng 9/2024. Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm về mức 80%, rơi khỏi ngưỡng 100% vốn được duy trì kể từ năm 2023. Điều này tạo ra áp lực trích lập dự phòng lớn hơn trước, nhất là khi các ngân hàng đang chuẩn bị áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), với yêu cầu về dự phòng tổn thất tín dụng kỳ vọng (ECL), dựa trên các dự báo trong tương lai, trong khi Việt Nam đang áp dụng phương pháp trích lập dự phòng dựa trên nhóm nợ quá hạn. Những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp nhiều khả năng sẽ phải tăng trích lập dự phòng cao, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu lợi nhuận.

Kỳ vọng chất lượng tài sản sẽ được cải thiện

Mặc dù vậy, các chuyên gia Yuanta Việt Nam kỳ vọng, chất lượng tài sản ngành ngân hàng sẽ cải thiện từ nửa cuối năm 2025, nhờ sự phục hồi dần của thị trường bất động sản. Trong quý I/2025, tăng trưởng cho vay mua nhà tại một số ngân hàng lớn như ACB, MSB, Techcombank, Vietcombank, VPBank chỉ đạt khoảng 2% so với quý IV/2024, phản ánh tâm lý thận trọng của thị trường. Tuy nhiên, các chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc pháp lý và việc sáp nhập địa giới hành chính sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản, giúp giảm áp lực nợ xấu và gánh nặng trích lập dự phòng cho các ngân hàng. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được luật hóa sẽ tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đặc biệt hỗ trợ các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao như VPBank, VIB, SHB, Sacombank, TPBank, BIDV, VietinBank trong việc thu giữ, thanh lý tài sản đảm bảo và cải thiện lợi nhuận.

Đồng quan điểm, SSI dự báo, các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tài sản ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện trong môi trường lãi suất được duy trì ở mức thấp, cùng với các phương án hỗ trợ và cơ cấu nợ cho khách hàng từ phía ngân hàng.

Tin bài liên quan