Ảnh AFP

Ảnh AFP

Bỏ qua mọi rủi ro, giới đầu tư rót tiền vào chứng khoán

(ĐTCK) Dù một báo cáo mới công bố cho thấy kinh tế Mỹ đã kết thúc chu kỳ tăng trưởng và bước vào thời kỳ suy thoái, nhưng phố Wall vẫn khởi sắc, thậm chí Nasdaq còn thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên đầu tuần (8/6).

Báo cáo của một nhóm nghiên cứu độc lập cho biết, nền kinh tế Mỹ đã chấm dứt thời kỳ tăng trưởng của mình vào tháng 2 và bước vào chu kỳ suy thoái do đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bất chấp báo cáo trên, giới đầu tư kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế sẽ giúp kinh tế Mỹ sớm hồi phục trở lại nên tiếp tục tự tin xuống tiền, khéo phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm. Đà tăng càng được nới rộng thêm về cuối phiên khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, sẽ nới lỏng các điều khoản của chương trình cho vay trị giá 600 tỷ USD cho các công ty có 10.000 nhân viên trở xuống, hoặc có doanh thu dưới 2,5 tỷ USD.

Bên cạnh đó, theo một cuộc khảo sát được công bố vào hôm thứ Hai bởi Cục Dự trữ Liên bang New York, người tiêu dùng Mỹ cảm thấy lạc quan hơn một chút về tài chính và bảo đảm công việc vào tháng 5 khi các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian đóng cửa vì giãn cách xã hội.

Với phiên tăng mạnh tiếp theo này, Nasdaq đã chính thức thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, còn Dow Jones và S&P cũng chỉ còn cách đỉnh lịch sử một vài bước chân.

Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Dow Jones tăng 461,46 điểm (+1,70%), lên 27.572,44 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 38,46 điểm (+1,20%), lên 3.232,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 110,66 điểm (+1,13%), lên 9.924,74 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu quay đầu điều chỉnh nhẹ từ mức cao nhất 3 tháng do áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu công nghệ và chăm sóc sức khỏe sau chuỗi tăng ấn tượng trước đó.

Kết thúc phiên 8/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,71 điểm (-0,18%), xuống 6.472,59 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 28,09 điểm (-0,22%), xuống 12.819,59 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 22,27 điểm (-0,43%), xuống 5.175,52 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường tiếp tục duy trì đà tăng, nhưng ngoại trừ chứng khoán Nhật Bản giữ được đà tăng tốt, còn lại đều hạ nhiệt trước áp lực chốt lời sau chuỗi phiên tăng mạnh liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 314,37 điểm (+1,34%), lên 23.178,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,97 điểm (+0,24%), lên 2.937,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 6,36 điểm (+0,23%), lên 24.776,77 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 2,42 điểm (+0,11%), lên 2.184,29 điểm.           

Báo cáo mới về việc nền kinh tế Mỹ chính thức bước vào suy thoái giúp giá vàng lấy lại được vai trò trú ẩn, bất chấp chứng khoán tiếp tục tăng, qua đó giúp giá kim loại quý hồi trở lại sau phiên lao dốc cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 8/6, giá vàng giao ngay tăng 14,6 USD (+0,87%), lên 1.698,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 22,1 USD (+1,31%), lên 1.705,1 USD/ounce.

Trong khi đó, báo cáo mới về kinh tế Mỹ suy thoái, cùng áp lực chốt lời khiến giá dầu thô quay đầu điều chỉnh khá mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 8/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,36 USD (-3,56%), xuống 38,19 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,50 USD (-3,68%), xuống 40,80 USD/thùng.

Tin bài liên quan