Năm 2021, hầu hết tổ chức tín dụng đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đến giới hạn, hạn mức được giao ngay trong hai quý đầu năm

Năm 2021, hầu hết tổ chức tín dụng đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đến giới hạn, hạn mức được giao ngay trong hai quý đầu năm

Bỏ trần tăng trưởng tín dụng để cải cách hành chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trần tăng trưởng tín dụng đang kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng, không chỉ tác động tới giới ngân hàng, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến giới doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.

Trần tín dụng và sự bất hợp lý hiện tại

Trần tín dụng là cách nói ngắn gọn cho những tỷ lệ, hạn mức cụ thể mà Ngân hàng Nhà nước đang áp cho mỗi một ngân hàng, để giới hạn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng so với năm liền kề trước đó.

Sự xuất hiện chính thức của trần tín dụng bắt đầu từ năm 2011, sau cuộc khủng hoảng kinh tế cao điểm kéo dài từ năm 2008. Có thể nhìn nhận khởi đầu, với việc áp dụng trần tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã tạo nên một sự kiềm chế nguy cơ bùng nổ tiếp theo của nợ xấu trong giới ngân hàng thời kỳ đó. Trước khủng hoảng, nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng phi mã lên đến tỷ lệ vài trăm phần trăm so với năm tài chính trước liền kề (nếu là tổ chức tín dụng tốt, dư nợ tín dụng tốt, đó là điều bình thường). Với tình trạng có quá nhiều tổ chức tín dụng mất thanh khoản, nợ xấu trầm trọng, cả hệ thống ngân hàng vàng thau lẫn lộn, thì trần tín dụng là một giải pháp phù hợp. Dù mang tính chất hành chính, nhưng giải pháp sốc này đã giúp Ngân hàng Nhà nước dìu cả hệ thống ngân hàng đi dần qua thời kỳ khủng hoảng.

Tuy nhiên, đến nay, đã qua hơn một thập niên áp dụng, những điểm tích cực của trần tín dụng ngày càng mờ nhạt. Ngược lại, các bất cập, hạn chế dần bộc lộ rõ hơn bản chất của trần tín dụng - một biện pháp hành chính áp dụng trong lĩnh vực kinh tế thị trường.

Năm 2021 ghi nhận một hiện tượng: Thông tin công khai từ hoạt động của các tổ chức tín dụng cổ phần cho thấy, với chỉ tiêu hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận vào đầu năm (từ 10 - 12% tổng dư nợ tín dụng năm trước liền kề), thì hầu hết tổ chức tín dụng đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đến giới hạn, hạn mức ngay trong hai quý đầu năm. Sự tăng trưởng này cũng xảy ra đối với các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, VietinBank, khi sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao là 6,5 - 7,5% so với tổng dư nợ tín dụng của cả năm trước liền kề.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO

Hiện tượng nêu trên phản ánh một tín hiệu tích cực của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng, đánh dấu việc các tổ chức tín dụng đã sẵn sàng bước sang một giai đoạn tăng trưởng mới theo nhu cầu và sức phát triển của thị trường tài chính. Mặt khác, hiện tượng trên cũng cho thấy tính chất bất cập của trần tín dụng đã bó buộc khát vọng phát triển của thị trường tài chính. Cho dù có năng lực thanh khoản tốt, chất lượng tín dụng tốt, nguồn vốn huy động dồi dào, nhiều ngân hàng vẫn không được phép phát triển tín dụng nếu đã dùng hết giới hạn tăng trưởng. Đối với những ngân hàng có tổng tài sản lớn như khối các ngân hàng có vốn góp chủ đạo của Nhà nước (Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank), thì chỉ cần 1% tăng trưởng cũng bằng trọn cả room tăng trưởng của các ngân hàng cổ phần. Các vấn đề nêu trên gây nên tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh khi mà các ngân hàng cổ phần dù tốt cũng khó mà bứt tốc trong cuộc đua giành thị phần tín dụng với khối ngân hàng đã thiết lập được tổng tài sản lớn.

Từ những hạn chế đó, trần tín dụng kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng không chỉ tác động tới giới ngân hàng mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến giới doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Sự khát vốn tín dụng của cộng đồng doanh nghiệp gặp rào cản khó gỡ khi mà các ngân hàng không thể vượt rào giới hạn trần tín dụng.

Thực trạng đó dẫn đến một đòi hỏi, đã đến lúc tháo gỡ giới hạn trần tín dụng.

Hướng tháo gỡ ra sao?

Cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đây là một văn bản tương đối hoàn chỉnh về hệ thống tiêu chí xác lập để phân loại chất lượng các tổ chức tín dụng.

Sớm sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao phản ánh việc các tổ chức tín dụng đã sẵn sàng bước sang một giai đoạn tăng trưởng mới theo nhu cầu và sức phát triển của thị trường tài chính.

Ngân hàng Nhà nước phân loại các tổ chức tín dụng làm 5 hạng: A, B, C, D, E, trong đó, hạng A là tốt nhất, hạng E là yếu kém nhất. Các hạng này được xác định trên cơ sở tính điểm, theo thang điểm từ 1 đến 5, tương ứng là từ tốt nhất cho đến kém nhất. Cở sở tính điểm là các tiêu chí: mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường, khả năng thanh khoản, kết quả hoạt động kinh doanh, quản trị điều hành, quan trọng nhất là chất lượng tài sản và vốn của mỗi ngân hàng. Quy định tại Thông tư 52 giúp Ngân hàng Nhà nước có thể đánh giá thực chất hơn về tài sản của các ngân hàng.

Đúng ra, ngay từ khi Thông tư 52 có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước nên dùng kết quả phân hạng các ngân hàng làm căn cứ xác định tỷ lệ giới hạn trần tăng trưởng tín dụng áp cho mỗi ngân hàng. Việc quản lý như vậy sẽ giúp Thông tư 52 đạt được mục đích tồn tại, đồng thời giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tại các ngân hàng. Ngân hàng nào được xếp hạng tốt có thể được quy định giới hạn trần tín dụng cởi mở hơn so với ngân hàng trung bình, còn ngân hàng yếu kém thì có thể áp dụng tỷ lệ giới hạn trần tín dụng bằng con số 0.

Tuy nhiên, thực tế kết quả phân hạng tổ chức tín dụng tại Thông tư 52 chưa bao giờ được xác lập thành tiêu chí chính thức và duy nhất cho việc thiết lập trần tín dụng cụ thể của Ngân hàng Nhà nước. Mỗi năm, mỗi một ngân hàng cổ phần được thông báo một tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cụ thể so với năm trước. Tỷ lệ này xác lập trên tiêu chí nào, hình thành theo công thức nào, từ đâu ra?

Ngân hàng Nhà nước từng phân loại các ngân hàng nhưng lại không sử dụng kết quả phân loại làm tiêu chí xác định trần tăng trưởng tín dụng áp dụng cho mỗi một ngân hàng. Cho tới nay, sau gần 4 năm phát sinh hiệu lực, có thể nói rằng, Thông tư 52 cũng ở trong tình trạng tương tự, không rõ phân loại ngân hàng để làm gì? Ngân hàng Nhà nước đã lãng phí một khoảng thời gian dài áp dụng kết quả phân hạng tổ chức tín dụng theo Thông tư này để thử nghiệm những hợp lý trong áp giới hạn trần tín dụng.

Cho đến thời điểm hiện nay, thực tế phát triển của thị trường tín dụng cần một giải pháp mới, đó là gỡ bỏ hoàn toàn trần tăng trưởng tín dụng.

Cả lý thuyết và thực tiễn đều đã chứng minh, bất kỳ sự can thiệp hành chính nào không phù hợp với bản chất của thị trường đều là điều không nên. Kinh doanh là công việc, sự tự chủ của doanh nghiệp, việc quản lý rủi ro là dựa trên khẩu vị rủi ro và tiềm lực tài chính của mỗi ngân hàng. Đối với một ngân hàng tốt, quản lý chất lượng rủi ro tốt, yếu tố con người tốt, tình trạng tài chính lành mạnh, nếu áp trần tăng trưởng giới hạn do Ngân hàng Nhà nước đặt ra thì ngân hàng không thể tự do phát triển, tìm kiếm lợi nhuận theo năng lực thực chất của mình.

Bỏ trần tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có thừa các biện pháp quản lý chất lượng tín dụng, rủi ro thanh khoản hệ thống qua hàng loạt tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đang áp dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng còn nguyên các công cụ pháp lý để can thiệp, kiểm soát, giám sát đặc biệt các ngân hàng nguy cơ. Do vậy, đã đến lúc cần cải cách hành chính trong lĩnh vực ngân hàng bằng loại bỏ trần tăng trưởng tín dụng đang áp dụng.

Tin bài liên quan