Xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo được hưởng lợi từ nguồn cung trên toàn cầu suy giảm mạnh.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo được hưởng lợi từ nguồn cung trên toàn cầu suy giảm mạnh.

Bức tranh kinh doanh nửa cuối năm của doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ sáng sủa hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số tên tuổi lớn trong lĩnh vực xuất khẩu gạo đã báo lỗ trong quý II/2022 do gánh nặng chi phí và giá bán giảm. Bức tranh kinh doanh nửa cuối năm được dự báo sẽ sáng sủa hơn.

Giá bán giảm, chi phí tăng

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022 tăng 19,9% về lượng và tăng 8,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo đang niêm yết/giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng ghi nhận những con số xuất khẩu khá ấn tượng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) xuất khẩu hơn 4.500 tấn với giá trị hơn 3 triệu USD vào thị trường EU, Trung Đông và châu Á.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR) đã xuất 11.000 tấn gạo sang Hàn Quốc và gần 1.000 tấn gạo xuất khẩu sang EU và Trung Đông.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (mã AGM) ký biên bản ghi nhớ hợp đồng xuất khẩu hơn 3 triệu tấn gạo trong 3 năm sang Sierra Leone, dự kiến giá từ 1,3 - 1,4 tỷ USD…

Xuất khẩu gạo Việt Nam đang được hưởng lợi từ hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết, như CPTPP (tăng xuất khẩu vào thị trường Úc và Singapore), EVFTA (với chính sách miễn thuế với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm, trong đó có 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm, tự do hoàn toàn với gạo tấm).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đạt quy chuẩn xuất khẩu, được cấp mã số vùng trồng và gắn với doanh nghiệp tiêu thụ, như 50.000 ha lúa tại An Giang và Kiên Giang.

Dù sản lượng xuất khẩu tăng, giá trị tăng nhưng một số doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo như Lộc Trời, Xuất nhập khẩu An Giang vẫn báo lỗ. Cụ thể, trong quý II, Lộc Trời báo lỗ hơn 90 tỷ đồng trên báo cáo tài chính riêng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 36,7 tỷ đồng; lỗ hợp nhất 46,3 tỷ đồng.

Lý giải về tình trạng thua lỗ, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cho biết, mặc dù doanh thu hợp nhất tăng 30,18% so với cùng kỳ, nhưng do chi phí hoạt động và chi phí tài chính đều tăng nên lợi nhuận sau thuế quý II giảm (mức giảm hơn 93,6 tỷ đồng so với cùng kỳ). Cụ thể, chi phí tài chính trong kỳ lên tới hơn 116 tỷ đồng, cao gấp đôi so cùng kỳ; trong đó chi phí lãi vay tăng 39% (đạt gần 54 tỷ đồng), chi phí bán hàng tăng 31%, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 17% so cùng kỳ, lên hơn 88 tỷ đồng.

Các khoản vay của Lộc Trời tăng đáng kể từ đầu năm đến nay. Tính đến 30/6/2022, Lộc Trời đang vay ngắn hạn 4.600 tỷ đồng, tăng hơn 1.031 tỷ đồng so với 1/1/2022.

Trong kỳ, chi phí nguyên vật liệu ghi nhận tăng 12,3% so với đầu năm, chi phí mua hàng hóa tăng 21%, bên cạnh đó chi phí logistics cũng tăng... Các yếu tố này cũng góp phần làm tăng chi phí bán hàng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Lộc Trời đạt 5.893 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 40%, đạt hơn 137 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, Công ty mới hoàn thành 34,2% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã chứng khoán AGM) cũng báo lỗ hợp nhất 9,8 tỷ đồng trong quý II/2022 và lỗ hợp nhất gần 3 tỷ đồng trong nửa đầu năm do gánh nặng chi phí.

Lãnh đạo Angimex cho biết, trong quý II, Công ty tiếp tục đẩy mạnh bán hàng xuất khẩu, ký kết các hợp đồng mới và tăng sản lượng tiêu thụ cung ứng xuất khẩu, qua đó thúc đẩy doanh thu tăng hơn 1.154 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 806% so với cùng kỳ.

“Tuy nhiên, do chi phí bán hàng tăng, logistics tăng mạnh làm ảnh hưởng đến hiệu quả của Công ty. Đồng thời, trong quý II, Công ty trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 27,5 tỷ đồng. Đây là những nguyên nhân chủ yếu làm Công ty thua lỗ trong quý II”, Tổng giám đốc AGM Huỳnh Thanh Tùng cho biết.

Thực tế, không chỉ là câu chuyện gia tăng chi phí đầu vào, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn suy giảm do giá bán giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, giá gạo 5% tấm xuất khẩu từ Việt Nam đạt đỉnh 11.679 đồng/kg vào tháng 1/2021 do tại thời điểm này, hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Sau đó, giá gạo thế giới giảm dần do nguồn cung từ Ấn Độ tăng đột ngột sau giai đoạn dồn nén.

Triển vọng tích cực hơn về cuối năm

Sau giai đoạn tạo đáy, giá gạo đang ấm dần lên. Tại thị trường trong nước, thời điểm hiện tại giá gạo nội địa đã tăng 2,5%, còn gạo xuất khẩu tăng 4,6% so với cuối năm 2021.

Giá bán gạo có tăng tiếp hay không đang là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm trong bối cảnh chi phí đầu vào đang leo thang như hiện nay.

Được biết, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường truyền thống như Trung Quốc chưa có nhiều tín hiệu tích cực bởi đất nước này đang theo đuổi chính sách Zero Covid. Doanh nghiệp kỳ vọng trong những tháng cuối năm, thị trường này dần mở ra tín hiệu tốt hơn khi chính sách phòng chống Covid-19 được nới lỏng.

Nguồn cung thương mại toàn cầu hiện đang bị siết chặt, trong khi nhu cầu tiêu thụ ổn định có thể sẽ hỗ trợ tốt về giá xuất khẩu gạo. BSC cho rằng, giá nguyên vật liệu tăng cao và bất ổn chính trị kéo dài sẽ tiềm ẩn nguy cơ về giảm tỷ lệ sử dụng phân bón làm giảm năng suất lúa và việc nguồn cung lương thực suy giảm cả về chất lượng trên diện rộng.

Trong khi đó, ở trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực triển khai hướng dẫn quy trình canh tác hợp lý và Bộ Tài chính đã đề xuất thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón đảm bảo nguồn cung nội địa, góp phần hỗ trợ người dân giai đoạn khó khăn và đảm bảo chất lượng sản xuất.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích Mirae Asset kỳ vọng, sự thiếu hụt lương thực trên thị trường thế giới do căng thẳng Nga - Ukraine sẽ đẩy giá gạo Việt Nam vào một chu kỳ tăng mới, nhờ vậy, giá gạo trung bình cả năm 2022 được dự báo sẽ ở mức tương tự năm 2021.

Dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm của các doanh nghiệp ngành gạo kém tích cực, nhưng giới phân tích vẫn kỳ vọng một số doanh nghiệp có thể tăng trưởng trong năm nay.

Tại TAR, năm nay, Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều tăng trưởng 12% so với năm 2021, lần lượt đạt 3.500 tỷ đồng và 110 tỷ đồng. Mirae Asset dự phóng doanh thu năm nay của TAR có thể tăng trưởng 10%, nhưng lợi nhuận sau thuế dự phóng đạt 141 tỷ đồng, tăng 55,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lộc Trời hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo có chất lượng hàng đầu tại Việt Nam với quy mô trên 80.000 tấn gạo/năm, chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu, Đông Nam Á...

Việc hợp tác bao tiêu 2 triệu tấn lúa với doanh số 12.000 tỷ đồng với các đối tác đã đặt hàng trước để tổ chức sản xuất với các hợp tác xã khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giúp nâng tầm vị thế về chất lượng và sản lượng gạo xuất khẩu trong trung hạn của LTG.

Nhưng với AGM, hoạt động kinh doanh của Sierra Leone trong quá khứ chưa từng nhập khẩu hơn 0,5 triệu tấn/năm (theo USDA thống kê) khiến BSC đánh giá hoạt động này của AGM có rủi ro. Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Louis Holdings đã thông qua chủ trương thoái toàn bộ vốn và không còn là công ty mẹ của AGM.

Tin bài liên quan