Cách Ford “đốt” 12 tỷ USD ở Brazil

0:00 / 0:00
0:00
Ford Motor gần đây đã phải quyết định từ bỏ sản xuất tại Brazil sau khi đã “đốt" khoảng 61 tỷ Reais (tương đương với 11,6 tỷ USD) trong khoảng một thập kỷ qua tại đây.
Nhà máy ô tô Ford ở Camacari, Bahia, Brazil khi sản xuất mẫu Ka năm 2014

Nhà máy ô tô Ford ở Camacari, Bahia, Brazil khi sản xuất mẫu Ka năm 2014

Vào tháng Giêng năm nay, Ford Motor đã thông báo đóng cửa các nhà máy sản xuất của mình tại Brazil, nơi có tới hơn 5.000 công nhân và gần 300 đại lý đang hoạt động.

Theo các tài liệu được nộp tại bang Sao Paulo - nơi Ford Motor đăng ký tại Brazil, lý do dẫn tới quyết định này là có sự khủng hoảng về tài chính khi thương hiệu này đã “đốt" tới 7,8 tỷ USD, mà phần lớn đến từ lỗ luỹ kế.

Nhưng để được giải thoát khỏi các cam kết của mình tại đây, Ford sẽ còn chi ra thêm khoảng 4,1 tỷ USD nữa. Nghĩa là và cái giá để thoát khỏi các hoạt động sản xuất tại Brazil của Ford tăng lên gần 12 tỷ USD.

Theo tính toán của Reuters, hầu hết các khoản lỗ đều diễn ra trong 8 năm qua. Cụ thể, công ty lỗ khoảng 2.000 USD cho mỗi chiếc xe bán ra.

Ford đã không tách Brazil khỏi thị trường Nam Mỹ trong kết quả tài chính của mình và cũng từ chối bình luận về các khoản lỗ, bơm tiền lẫn các tính toán được báo chí đưa ra.

Sự rút lui đầy tốn kém của nhà sản xuất nặng ký đến từ Mỹ này cũng cho thấy rủi ro có thể diễn ra với các nhà sản xuất ô tô khác tại Brazil - nơi mà không lâu trước đó được coi là một trong những thị trường tiêu thụ ô tô đầy hứa hẹn với mức tăng trưởng cao, dù chi phí về thuế, nhân công hay dịch vụ cũng ở mức cao.

Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 cũng khiến cho tình hình tài chính của Ford tại Brazil trở nên căng thẳng hơn. Trong khi đó việc chậm trễ chuyển đổi từ các dòng xe nhỏ, gọn, sinh lời thấp sang các dòng xe SUV có lợi nhuận cao hơn so với các đối thủ ở thị trường này khiến kết quả không được như mong đợi càng khiến tình hình tài chính của Ford trở nên căng thẳng.

"Không có lựa chọn khả thi nào khác", Lyle Watters, người đứng đầu Ford Nam Mỹ đã nói với Reuters trong một tuyên bố về quyết định rời khỏi đất nước Brazil này.

Vị này cũng cho hay, "môi trường kinh tế không thuận lợi, nhu cầu xe thấp hơn kỳ vọng, sản xuất ít việc hơn” cũng góp phần dẫn tới sự thua lỗ và rút khỏi thị trường Brazil của Ford.

Lẽ dĩ nhiên Ford không mất hút tại đây mà sẽ chuyển đổi theo hướng “mô hình kinh doanh tinh gọn với tư duy thực sự lấy khách hàng làm trung tâm".

Brazil cũng được xem là nơi khiến nhiều công ty ô tô thua lỗ. Mặc dù Chính phủ nước này đã cung cấp các khoản trợ cấp liên bang với tổng trị giá 8 tỷ USD trong thập kỷ qua và mức thuế nhập khẩu 35% để bảo vệ sản xuất trong nước nhưng chi phí trong nước cao đã khiến các hãng ô tô gặp khó khăn.

Cụ thể, các nhà máy ô tô tại Brazil có công suất sản xuất tới 5 triệu xe/năm, cao gấp đôi lượng bán ra trong thị trường nội địa nhưng lại không thể xuất khẩu được nhiều bởi giá cả không cạnh tranh.

Thực tế này khiến các nhà máy ô tô nơi đây hoạt động không hiệu quả khi duy trì sản xuất với công suất thấp.

Trong khi tình hình ở Brazil khó khăn thì tại Mexico câu chuyện lại khác hẳn. Mexico xuất khẩu hơn 80% lượng ô tô mà nước này sản xuất nhờ vào các hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ và Canada. Điều này khiến Mexico trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn cho các nhà sản xuất ô tô cũng có những nhà máy ở Brazil.

Tập đoàn công nghiệp ô tô Brazil Anfavea, nơi đang vận động Chính phủ để giảm thuế và chi phí lao động đã từng thuê PricewaterhouseCoopers nghiên cứu về chi phí sản xuất ô tô tại Brazil và đã cho ra kết quả ấn tượng.

Nghiên cứu hồi năm 2019 của PricewaterhouseCoopers cho thấy, xe ô tô sản xuất ở Mexico bán vào Brazil rẻ hơn 12% so với được sản xuất tại Brazil (đã bao gồm cả chi phí sản xuất, thuế và dịch vụ).

Chi phí cao ở Brazil đồng nghĩa với việc ngay cả những nhà sản xuất ô tô cũng có nhà máy tại đây như Volkswagen, General Motors và Toyota dù đã chuyển hướng sang những chiếc SUV có lợi nhuận cao hơn sớm hơn so với Ford cũng không thoát khỏi khó khăn.

Các tài liệu được báo chí tìm được cho thấy, Volkswagen Brazil đã lỗ 3,7 tỷ USD kể từ năm 2011, còn Toyota Brazil năm ngoái đã yêu cầu giãn nợ cho khoản nợ 1 tỷ USD...

Còn với Ford đó là sự thất bại trong việc phát triển kinh doanh sản xuất có hiệu quả ở Brazil mặc dù trên thực tế, công ty này đã nhận được số tiền trợ cấp nhiều hơn các đối thủ của mình trong thập kỷ qua.

Tính toán của Reuters cho thấy, kể từ năm 2011, Ford đã nhận được khoảng 2,6 tỷ USD trợ cấp thuế, tức là khoảng 1/3 tổng số ưu đãi dành cho ngành ô tô được Chính phủ liên bang thực hiện trong giai đoạn đó.

Tuy nhiên, vào năm 2013, triển vọng kinh doanh bắt đầu thay đổi, giá hàng hóa giảm, lạm phát tăng và cùng với các vụ tham nhũng bê bối lớn, Brazil bước vào cuộc suy thoái sâu sắc.

Nếu thời điểm 2013, Brazil là thị trường ô tô lớn thứ 4 thế giới thì giờ đã tụt xuống thứ 7.

Nhu cầu nội địa yếu, xuất khẩu không cạnh tranh đã khiến Ford quyết định thực hiện chiến lược tăng sản lượng bán ra và đồng thời giảm giá bán. Từ năm 2011 đến 2019, doanh số bán xe theo lô lớn đã tăng gấp 5 lần trong khi giá giảm tới hơn 30%.

Tuy nhiên, vào tháng 4/2020, những khó khăn bởi đại dịch Covid-19 đã buộc Ford phải đánh giá lại các kế hoạch hoạt động ở Brazil. Ford sau đó đã đưa ra cam kết sẽ đầu tư nhiều hơn vào Brazil hồi tháng 11/2020 và sẽ cải thiện doanh số bán hàng.

Dẫu vậy, chỉ vài tuần sau đó, Ford đã ngừng sản xuất tại Brazil khi quyết định đóng cửa 3 nhà máy tại đây và chỉ giữ lại hoạt động bán xe nhập khẩu cao cấp.

Tuy vậy, do thuế nhập khẩu ô tô cao để bảo hộ sản xuất trong nước nên một chiếc Mustang Mach 1 chạy hoàn toàn bằng điện của Ford có giá khởi điểm 53.000 USD ở Mỹ thì khi bán tại Brazil, nơi có thu nhập thấp hơn nhiều tại Mỹ, có giá lên tới 94.000 USD.

Ford đã mở nhà máy đầu tiên tại Sao Paulo, Brazil vào năm 1921 và sản xuất khoảng 4.700 ô tô, 360 máy kéo mỗi năm. Năm 2019, Ford đã đóng cửa nhà máy ở Sao Bernardo de Campo sau 52 năm hoạt động, ảnh hưởng đến khoảng 2.800 lao động.

Bởi vậy việc Ford đóng cửa cả 3 nhà máy ở Brazil được cho là một đòn giáng mạnh đối với quốc gia Nam Mỹ này vốn đang phải nỗ lực giải quyết tình trạng thất nghiệp ở mức cao kỷ lục và đối mặt với những chỉ trích rằng Chính phủ hiện tại không thể tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi.

Tin bài liên quan