Cần đặc biệt "để mắt" đến sự chuyển động của dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà đầu tư cần quan tâm đặc biệt tới sự chuyển động của dòng tiền, nếu không sẽ không có lãi suất thực dương, hoặc không có lãi suất danh nghĩa, thậm chí còn bị mất vốn.
Cần đặc biệt "để mắt" đến sự chuyển động của dòng tiền

Ngân hàng và lưu thông

Sự chuyển động của dòng tiền theo chiều từ ngân hàng ra lưu thông phụ thuộc 5 yếu tố

Thứ nhất là định hướng của Ngân hàng Nhà nước về tốc độ tăng tín dụng hàng năm. Năm 2021, mục tiêu tăng 12%, song thực tế là 13,5-14%; năm 2022 mục tiêu tăng 14% để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, đáp ứng chương trình hỗ trợ, trong đó có gói cấp bù lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng trong 2 năm, sẽ kéo 1 triệu tỷ đồng tín dụng từ ngân hàng thương mại ra theo.

Thứ hai là dư nợ tín dụng cuối năm 2021 đạt khoảng 11,258 triệu tỷ đồng, bằng 134,1% GDP (đánh giá lại); cuối năm 2022 sẽ còn cao hơn cả về quy mô tuyệt đối (gần 13 triệu tỷ đồng), cả về tỷ lệ so với GDP (vượt 140%). Theo đó, việc cho vay cần chú ý “trông giỏ bỏ thóc” để tránh làm tăng nợ xấu; có giải pháp trung hòa để hút tiền về, tránh gây ra lạm phát; cẩn trọng khi cho vay các lĩnh vực dễ gây rủi ro.

Thứ ba là lãi suất cho vay thấp là một biện pháp của nới lỏng tiền tệ, đưa tiền ra lưu thông để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh tế phục hồi tăng trưởng. Hỗ trợ lãi suất từ ngân sách cũng là hình thức làm cho lãi suất thấp xuống.

Thứ tư và thứ năm là hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay dài hạn đã được giảm dần trong thời gian qua.

Trong khi đó, chiều từ lưu thông trở lại ngân hàng chủ yếu thông qua việc thu hút tiền gửi, vì đây là yếu tố quan trọng nhất của thanh khoản ngân hàng. Năm 2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm vào các tháng 1, 3, 7, 10 do hoạt động sản xuất - kinh doanh chưa thể quay lại quỹ đạo bình thường, dòng vốn dành cho sản xuất tạm gửi ngân hàng. Tiền gửi của dân cư giảm vào các tháng 3, 8, 9, 11 - chủ yếu do lãi suất tiền gửi từ thực dương khá (cao hơn tốc độ tăng CPI) trong mấy năm trước chuyển sang thực dương ít, thậm chí còn thực âm.

Do đề phòng rủi ro thanh khoản, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất tăng. Khả năng lãi suất huy động năm 2022 sẽ tăng 0,3-0,5 điểm phần trăm, có thể còn cao hơn, nếu CPI tăng cao hơn.

Như vậy, nếu hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tổ chức kinh tế trở lại bình thường và phát triển, nếu CPI tăng cao hơn…, thì thu hút tiền gửi của ngân hàng thương mại sẽ tăng lên, để bảo đảm thanh khoản.

Giữa các kênh đầu tư

Kênh hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng bị “bào mòn” sau hơn 2 năm bị tác động tiêu cực của đại dịch, nay sẽ phục hồi và tăng mạnh trở lại, nhất là các nhu cầu về dịch vụ tăng cao, đặc biệt là du lịch, ăn uống ngoài gia đình, vui chơi giải trí… Hơn nữa, sự chuyển động của dòng tiền đã đạt mức lợi nhuận cao thời gian trước (như tiền ảo, vàng, bất động sản, chứng khoán…), nay có mức lợi nhuận thấp hơn, sẽ chuyển sang kênh hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng…

Với kênh vàng, giá đã vượt đỉnh cũ ở trong nước, chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới (tới hơn 10 triệu đồng/lượng), trạng thái nhập nhiều hơn xuất của đá quý, kim loại quý và sản phẩm trong 11 tháng năm 2021 (hơn 1,016 tỷ USD so với 836,3 triệu USD)… Như vậy, lợi nhuận do đầu tư vàng có thể không cao như trước, thậm chí còn thấp hơn CPI, lãi suất tiết kiệm… Nếu điều đó xảy ra, một lượng tiền không nhỏ hiện đầu tư vào vàng sẽ chuyển động trở lại gây sức ép lên các thị trường khác.

Tiền ảo sau khi đạt đỉnh 69.000 USD đã giảm mạnh xuống còn trên 30.000 USD, một mặt làm cho các nhà đầu tư “đau thót tim”, mặt khác cũng làm cho nhiều nhà đầu tư bị “mất trắng” bởi những sàn kinh doanh kiểu đa cấp hoặc sàn ảo có bài học “để đời”… Một số nhà đầu tư đã rút tiền đầu tư vào tiền ảo, chuyển về các kênh đầu tư quen thuộc khác.

Bất động sản năm trước giá đã tăng khoảng 15%; đang tăng tiếp ở một số địa bàn, sản phẩm. Tuy nhiên, với giải pháp kiểm soát dòng tín dụng vào bất động sản; dự kiến thay thế Nghị quyết 42 của Quốc hội bằng Luật xử lý nợ xấu hoặc có các giải pháp sửa đổi về thuế đối với thị trường này…, giá bất động sản dù tiếp tục tăng, nhưng không còn tăng cao như năm trước. Theo đó, sẽ có một lượng tiền không nhỏ được chuyển từ thị trường này sang thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.

Trái phiếu doanh nghiệp đạt đỉnh trong năm trước, nhưng sự cảnh báo của các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan truyền thông và kỳ hạn thanh toán đang đến gần… sẽ khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó chủ yếu là thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, thị trường sản xuất - kinh doanh…

Chứng khoán năm 2021 đã đạt đỉnh về hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu, có tỷ suất lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã chậm lại từ cuối năm trước, tình trạng minh bạch của các công ty trên sàn chưa được nâng cao, lại xuất hiện “cá mập” của một số công ty ở trên sàn, tác động xấu đến lòng tin của các nhà đầu tư. Điều đó kéo theo một lượng tiền không nhỏ ra khỏi thị trường này gây sức ép lên thị trường sản xuất - kinh doanh và hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.

Tin bài liên quan