Tính đến tháng 9/2021, khoảng 13 ngân hàng đã được nới room tín dụng, song cũng đã sử dụng hết. Ảnh: Dũng Minh

Tính đến tháng 9/2021, khoảng 13 ngân hàng đã được nới room tín dụng, song cũng đã sử dụng hết. Ảnh: Dũng Minh

Cần nới room tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi nền kinh tế hoạt động trở lại, nhu cầu tín dụng tăng lên và dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn, do đó nhu cầu nới room tín dụng của các ngân hàng là cấp thiết.

Nhu cầu vốn vay đang tăng

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ, kể từ khi Chính phủ thay đổi chính sách phòng chống Covid-19 theo hướng thích ứng linh hoạt với dịch từ tháng 10/2021, nền kinh tế đã nhanh chóng mở cửa trở lại và quá trình chuyển đổi sang kỹ thuật số cũng nhanh hơn.

Theo ông Bình, hiện tại, Chính phủ đang lên kế hoạch cho một gói hỗ trợ mới để thúc đẩy phục hồi kinh tế, đồng thời đã áp dụng công nghệ trong việc kiểm soát dịch. Dự kiến sẽ có nhiều giải pháp hơn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế nhanh chóng trong thời gian sớm nhất.

Minh chứng phần nào cho nhận định trên là số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, số doanh nghiệp thành lập mới tháng 10/2021 tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với tháng trước đó. Cụ thể, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8% so với tháng trước. Trong tháng 10/2021, cả nước có 8.233 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 108.600 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 58,8 nghìn lao động, tăng 111,2% về số doanh nghiệp, tăng 73,9% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 9/2021.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư IDI (Hà Tĩnh) cho hay: “Cũng phải tìm cách để vực dậy doanh nghiệp không bằng cách này thì bằng cách khác, bởi đó không phải là câu chuyện của riêng người đứng đầu, mà là toàn thể người lao động trong Công ty”.

Còn anh Hùng, chủ một doanh nghiệp nhỏ tại Từ Sơn, Bắc Ninh chuyên kinh doanh và sửa chữa đồ điện lạnh bày tỏ: “Cửa hàng cũng phải mở cửa trở lại, chung sống với dịch chứ không thể đóng mãi. Thời gian trước giãn cách, chúng tôi không vay mượn ngân hàng nhiều nên không vướng nợ nần, nhưng quay trở lại hoạt động kinh doanh sẽ cần một nguồn vốn nhất định”.

Giám đốc một chi nhánh của TPBank tại Bắc Ninh thông tin, thanh khoản của TPBank nói riêng và toàn hệ thống ngân hàng hiện khá dồi dào (dù cục bộ có một vài nơi thiếu nhẹ - PV) và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp. Vấn đề chỉ là hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng của TPBank và các ngân hàng khác là bao nhiêu để làm cơ sở cung ứng vốn.

Được biết, tính đến tháng 9/2021, khoảng 13 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, bao gồm Techcombank lên mức 17,1%, TPBank là 17,4%, MSB là 16%, MBBank là 15%, VIB là 14,1%, LienVietPostBank và ACB cùng chung mức 13,1%, Vietcombank là 12,5%, VPBank là 12,1%, SHB là 10,5%, Sacombank là 10,5%, OCB là 10% và VietinBank là 9,5%.

“Tuy nhiên, ngay đầu tháng 10/2021, một số ngân hàng đã gửi đề nghị nới room tăng trưởng tới cơ quan quản lý và hiện đang đợi phê duyệt”, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ, báo cáo tài chính các ngân hàng vừa công bố cho thấy, lợi nhuận vẫn chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng. Trong bối cảnh nợ xấu dự báo sẽ tăng mạnh thời gian tới, một trong những giải pháp chính là thúc đẩy cho vay, tạo nền tảng tài chính chống đỡ rủi ro nợ xấu tăng.

Ưu tiên ngân hàng đủ điều kiện

Theo thống kê, từ 22-29/10/2021, không có hoạt động bơm/hút ròng mới nào được thực hiện trong tuần trên các kênh tín phiếu và OMO của thị trường mở. Lượng OMO và tín phiếu đang lưu hành ở thời điểm hiện tại tiếp tục duy trì ở mức 0. Diễn biến này tiếp tục cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ở trạng thái dồi dào, khi lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn đều đang dưới mức 1%/năm.

Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động vốn nhìn chung duy trì ổn định, chỉ một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất tăng/giảm trái chiều như Sacombank tăng lãi suất 0,2-0,4%/năm, trong khi Vietcombank, VIB giảm lãi suất khoảng 0,1-0,2%/năm. Như vậy, tại kỳ hạn ngắn, khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối và một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn như MBBank, Techcombank, VPBank, LienVietPostBank, MSB… hiện niêm yết lãi suất thấp nhất thị trường (thấp hơn nhóm ngân hàng lãi suất cao từ 0,4-1,5%/năm). Tại kỳ hạn trung và dài, các ngân hàng MBBank, Techcombank, VPBank vẫn là nhóm thấp nhất thị trường (thấp hơn khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối từ 0,2-0,7%/năm).

Trao đổi với phóng viên, giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, các yếu tố tác động nhìn chung vẫn hỗ trợ cho xu hướng ổn định của lãi suất. Cụ thể, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì xu hướng nới lỏng với các giải pháp tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh quá trình phục hồi và mở cửa của nền kinh tế còn tương đối chậm và đối mặt với không ít khó khăn. Đồng thời, thanh khoản VND của hệ thống liên ngân hàng duy trì ở mức dồi dào trong tháng 10/2021 với nguồn cung được bổ sung từ dòng tiền thanh toán giao dịch mua ngoại tệ kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm (ước về khoảng 5.000-10.000 tỷ đồng trong tháng 10).

“Cùng với đó, cân đối huy động - cho vay tiếp tục có xu hướng cải thiện trong bối cảnh tăng trưởng cho vay thấp hơn tăng trưởng huy động vốn khoảng 0,2-0,3% trong tháng 10 vừa qua”, vị giám đốc trên cho hay.

Trong khi đó, số liệu tăng trưởng tín dụng tháng 10/2021 tại Hà Nội được công bố trong Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10/2021 của Thành phố cho thấy, nhu cầu tín dụng vẫn tương đối yếu. Cụ thể, tín dụng tháng 10/2021 ước tăng 0,95% và giảm nhẹ so với mức tăng 1,1% của tháng 9/2021 và là mức tăng trưởng theo tháng thấp nhất trong 6 tháng qua. So sánh với cùng kỳ, tín dụng trong tháng 10/2021 chỉ tăng 7,6% - thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình là 10% trong năm 2020. Dư nợ tín dụng của Hà Nội chiếm khoảng 25% tổng dư nợ của cả nước, do vậy tín dụng tăng chậm ở Hà Nội cũng phần nào cho thấy tăng trưởng tín dụng cả nước chưa thể bật nhanh trong tháng 10/2021.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, chỉ số lạm phát hiện đạt 1,81% trong 10 tháng đầu năm, thấp nhất kể từ năm 2016 tới nay và dự báo lạm phát sẽ chỉ ở khoảng 2,5-3% cho năm 2021. Đây là một yếu tố tích cực, cho phép Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế hồi phục trong những tháng cuối cùng của năm, đặc biệt khi nhiều địa phương mới chỉ bắt đầu nới lỏng lệnh giãn cách từ đầu tháng 10/2021.

“Đây là thời điểm thích hợp để các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ được triển khai nhằm kích cầu nền kinh tế, bao gồm các gói hỗ trợ tài khóa như giảm thuế, giảm phí, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, đẩy nhanh đầu tư công. Đối với chính sách tiền tệ là cắt giảm lãi suất điều hành, tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đủ điều kiện... đặc biệt khi mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được dự báo sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý IV/2021”, TS. Hiếu nói.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 29/10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9.994.371 tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%). Tuy nhiên, điểm đáng chú ý khi nhìn lại 3 tháng cuối năm 2020, tăng trưởng tín dụng đã tăng từ 6% lên hơn 12%. Do đó, khi nền kinh tế hoạt động trở lại, nhu cầu tín dụng tăng lên, dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn và nhu cầu nới room tín dụng của các ngân hàng là cấp thiết.

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tính đến tháng 8/2021 cho thấy, tổng phương tiện thanh toán (chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua) là 12.757.648 tỷ đồng, tăng 5,34% so với cuối năm 2020. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 5.144.418 tỷ đồng, tăng 5,46% và tiền gửi của dân cư đạt 5.293.348 tỷ đồng, tăng 2,95% so với cuối năm 2020.

Tin bài liên quan