Để được hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp phải không có nợ xấu, phải có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm...

Để được hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp phải không có nợ xấu, phải có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm...

Chậm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất vì cạn room

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhằm tránh rủi ro nợ xấu khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, các ngân hàng rà soát chặt chẽ khách hàng để cung ứng vốn đúng và trúng đối tượng đáp ứng đủ điều kiện, nhất là trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng hầu như đã sử dụng hết.

Cẩn trọng cung ứng vốn

Sau 2 tháng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tiến độ giải ngân nhìn chung rất chậm.

Nguyên nhân chính là sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi tình trạng nợ xấu, trong khi theo quy định, để được hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp phải không có nợ xấu, phải có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm... Trong khi đó, nhằm phòng tránh rủi ro nợ xấu khi giải ngân, các ngân hàng rà soát khắt khe khách hàng để cung ứng vốn đúng và trúng các đối tượng đáp ứng đủ điều kiện.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, Ngân hàng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo quy định: tại thời điểm hỗ trợ lãi suất, khách hàng không có nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) trở lên; không có nợ gốc hoặc lãi quá hạn tại thời điểm hỗ trợ lãi suất. Nếu khoản vay của khách hàng thuộc trường hợp cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì nhóm nợ tiềm ẩn phải là nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn).

Theo ông Quân, việc hỗ trợ lãi suất cho khách hàng được thực hiện ưu tiên theo thứ tự: thời điểm thu lãi đến trước trong phạm vi hạn mức hỗ trợ lãi suất; thời điểm ký thỏa thuận cho vay của từng khách hàng; áp dụng nguyên tắc thu toàn bộ tiền lãi vay trong kỳ, sau đó hoàn trả khách hàng số tiền lãi vay được hỗ trợ lãi suất trong cùng ngày thu lãi hoặc vào ngày làm việc tiếp theo nếu việc thu lãi vay trong kỳ thực hiện sau giờ làm việc của Ngân hàng.

“Chúng tôi xác định việc kiểm soát sử dụng vốn đúng mục đích là công tác quan trọng khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Theo đó, Ngân hàng sẽ xác nhận cụ thể từng khoản vay được hỗ trợ lãi suất đối với từng khách hàng, theo dõi và báo cáo định kỳ theo đúng quy định của Thông tư 03/2022/TT-NHNN”, ông Quân nói.

Lãnh đạo ABBank chia sẻ, Ngân hàng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau vay, nhằm kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay đúng quy định, xác định đúng số tiền được hỗ trợ lãi suất, kịp thời phát hiện các trường hợp không đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất (nếu có) và điều chỉnh đúng quy định.

Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho ABBank sử dụng hạn mức hỗ trợ lãi suất theo chương trình trên là 264 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6/2022 của Ngân hàng là 85.370 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cuối năm 2021. Dự kiến, đối tượng được hưởng ưu đãi lãi suất 2% chiếm 15% tổng dư nợ của ABBank.

Tại Eximbank, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hạn mức gói giải ngân của chương trình hỗ trợ lãi suất là 350 tỷ đồng trong 2 năm 2022 - 2023. Các chi nhánh trực thuộc đang xem xét hồ sơ đăng ký của khách hàng, nhưng không thể giải ngân nhanh, vì phải lọc khách hàng đủ điều kiện vay và phải tuân thủ các quy định, chứ không thể “linh động”.

Agribank cho hay, Ngân hàng triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% trên lãi suất vay thực tế áp dụng đối với các thoả thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023 và đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh từ ngày 20/5/2022 đến 31/12/2023. Theo Phó tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng, từ trước đến nay, Ngân hàng thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ lãi suất nên có kinh nghiệm triển khai. Tuy nhiên, trong điều kiện gói hỗ trợ lãi suất chỉ ở mức 40.000 tỷ đồng cho cả ngành ngân hàng, riêng Agribank được phân bổ chỉ tiêu 5.000 tỷ đồng, nên số dư nợ cũng như số lượng khách hàng được tiếp cận có giới hạn. Tính từ thời điểm khách hàng được hỗ trợ lãi suất đến nay, Agribank đã giải ngân với tổng dư nợ 100.000 tỷ đồng cho các đối tượng được thụ hưởng.

Cạn room tín dụng nên khó đẩy mạnh cho vay

Theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, tổng quy mô nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 2% khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại là 40.000 tỷ đồng. Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong các các ngành hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục - đào tạo, nông lâm thủy sản, công nghiệp chế biến - chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin, doanh nghiệp thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ. Dự kiến, mức chi ngân sách hỗ trợ cho năm 2022 khoảng 16.035 tỷ đồng và năm 2023 là 23.965 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng ngân hàng thương mại. Để hỗ trợ các ngân hàng sớm triển khai chính sách, cơ quan này đã tiếp nhận, tổng hợp, giải đáp các câu hỏi, thắc mắc nhận được dưới mọi hình thức, cả bằng văn bản, trao đổi trực tiếp, qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử.

Tuy nhiên, cái khó nhất đối với các nhà băng hiện nay là đã cạn room tín dụng nên mong muốn sớm được Ngân hàng Nhà nước nới thêm để có dư địa đẩy mạnh cho vay, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%.

BIDV cho biết, Ngân hàng tập trung chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện dự toán hỗ trợ lãi suất, đăng ký số lượng khách hàng, khoản vay chi tiết, hiện đã có hơn 10.000 khách hàng đáp ứng điều kiện. Số lượng khách hàng đăng ký gói hỗ trợ dự kiến ngày càng lớn, trong khi room tín dụng của BIDV chỉ ở mức 10% nên Ngân hàng mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét sớm nới room tín dụng.

Theo Phó tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Việt Cường, sau 5 tháng đầu năm 2022, tín dụng tại Ngân hàng tăng trưởng hơn 9% và đến hết tháng 6 tăng 14,6%, gần hết room tín dụng được cấp. Trong khi đó, thống kê sơ bộ của Vietcombank cho thấy, dư nợ cho vay các đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% chiếm gần 30% tổng dư nợ, với gần 30.000 khách hàng. Nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tăng nhanh nên với room tín dụng hiện nay, Ngân hàng sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, Vietcombank cũng đề xuất được nới room tín dụng.

Thực tế, gói hỗ trợ lãi suất 2% khiến nhu cầu tín dụng tăng, đòi hỏi phải nới room tín dụng cho các ngân hàng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước phải bảo đảm kiểm soát lạm phát nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 có khả năng được giữ ở mức 14%, dư địa cho 5 tháng cuối năm không còn nhiều khi dư nợ toàn ngành trong 7 tháng đầu năm đã tăng 9,42%.

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa bổ sung room tín dụng. Trong khi chưa được nới room, các ngân hàng cần phải tính toán, luân chuyển quay vòng vốn, ưu tiên nguồn vốn tín dụng tốt. Ngân hàng Nhà nước mong muốn dư nợ tín dụng tăng trưởng cao, nhưng trong điều hành vĩ mô hiện tại, kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng nhất.

Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Phạm Huy Hùng nhận xét, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất là rất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, góp phần giảm chi phí đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ do trong 2 năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp bị ngừng sản xuất, giảm quy mô, không tránh khỏi nợ xấu hay chuyển nhóm nợ, không đủ điều kiện tham gia nhóm được hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, một số ngân hàng đã sử dụng hết hoặc còn rất ít room tín dụng khiến cho việc vay vốn, kể cả vay không ưu đãi khó khăn hơn.

Chủ tịch một doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch chia sẻ, sau 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, công ty ông chưa hoàn toàn hồi phục để trả hết nợ quá hạn cho ngân hàng. Đồng thời, nội lực về tài sản doanh nghiệp không có nên rất khó tiếp cận được vốn hỗ trợ lãi suất, nhất là khi các ngân hàng bị hạn chế về room tín dụng. Do đó, ông mong điều kiện được hưởng ưu đãi lãi suất “lỏng” hơn.

Tin bài liên quan