Chất vấn, nhìn từ những “tân binh”

0:00 / 0:00
0:00
Hai ngày rưỡi qua, 5 thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn trước Quốc hội. Hẳn nhiên, những “tân binh” lần đầu lên “ghế nóng” được cử tri quan tâm đặc biệt hơn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

1.

Chiều 7/6, phiên chất vấn đầu tiên của Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV bắt đầu với không khí khá trầm bởi ảnh hưởng của việc “bấm nút bất đắc dĩ” như cách nói của một số đại biểu, trong buổi sáng. Một việc mà cho dù là cần thiết, thì chắc chắn, không có vị đại biểu nào tránh được tâm tư ít nhiều. Đó là việc bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách một vị đại biểu, thành viên Chính phủ đương nhiệm, người mà chưa đầy một năm trước, Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế. Và tâm tư còn nặng nề hơn ở chỗ, dường như các vị đại biểu đều biết "con đường", điểm đến tiếp theo của người vừa bị bãi nhiệm.

Đau xót. Đó là hai từ xuất hiện trong tin nhắn trước giờ chất vấn, từ một số đại biểu với người viết bài này.

Trong “dư âm” đó, mở đầu phiên chất vấn, phòng họp Diên Hồng không ít nét mặt trầm tư.

Lần đầu tiên lên “ghế nóng”, vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong gần 3 tiếng trả lời chất vấn có phần không được ấn tượng như vị Bí thư Đồng Tháp với những lời chia sẻ cùng doanh nhân tỉnh nhà hay những bài báo ký bút danh “Xích lô”, trước đó.

Trong phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại điều ông đã trả lời “chất vấn” sớm trên Báo Đầu tư, đó là “phiên chất vấn hôm nay không chỉ dừng lại ở câu hỏi, trả lời chất vấn và giải trình, mà là dịp để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe, ghi nhận, phát hiện thêm những vấn đề đã tồn tại từ lâu và cả những vấn đề mới phát sinh từ thực tế cuộc sống sinh động và vận động không ngừng”.

Nội dung chất vấn dành cho Bộ trưởng bên cạnh điệp khúc “đến hẹn lại lên”: Làm sao để nông sản được mùa mà không mất giá, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng vù vù, cũng có một số vấn đề mới được các đại biểu đề cập, như giải pháp để phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, đổi mới nào để đưa nông nghiệp lên tầm cao mới...

Công bằng mà nói, Bộ trưởng trả lời khá “buồn”, khá dàn trải, dù vẫn cho thấy rõ những trăn trở của ông dành cho lĩnh vực ông đang ở vị trí “tư lệnh”. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội phải nhắc nhở rằng, người nông dân đang trông chờ, trả lời rất cụ thể thực trạng đang thế nào, chủ trương, nghị quyết có rồi, bây giờ Bộ định làm gì và làm thế nào với những vấn đề đại biểu đã nêu.

2.

Dù lần đầu trả lời chất vấn, dù thể hiện thái độ cầu thị, lắng nghe ý kiến đại biểu ngay từ lời nói đầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc không ngại ngần tranh luận với đại biểu.

Đó là khi đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam), người đã phát biểu tại nghị trường là khi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, người dân chịu mức thuế theo giá thị trường, nhưng khi bị thu hồi đất, đền bù thì áp theo giá nhà nước, dẫn đến bất bình đẳng. Và các công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, của Tổng cục Thuế về chống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản không rõ ràng, cho nên dẫn đến các địa phương mỗi nơi áp dụng một kiểu.

Chúng ta thanh tra, kiểm tra và giám sát từ sớm, từ xa, chứ để mất bò mới lo làm chuồng thì rất dở. Nhưng nếu để xảy ra trường hợp mất bò rồi, mà không dám làm lại chuồng, thì còn dở hơn.

Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội

Không biết là hướng dẫn không đúng hay hiểu không đúng, Bộ trưởng “chất vấn” lại và khẳng định rằng, các nghị định, thông tư của Bộ đã hướng dẫn rất rõ ràng. Trong trường hợp trên hợp đồng không ghi giá hoặc ghi giá thấp hơn bảng giá đất nhà nước quy định, thì thu theo bảng giá đất. Do vậy, hai bên chuyển nhượng cho nhau, thì phải ghi đúng giá chuyển nhượng, nếu không ghi đúng có nghĩa là đang trốn thuế.

Ông Phớc cũng khẳng định, không có sự bất bình đẳng trong chống thất thu thuế bất động sản, vì giá đất gắn liền với mục đích sử dụng đất. Theo đó, đối với đất ở, nếu doanh nghiệp lấy đất khi đền bù sẽ theo giá thỏa thuận.

Quốc hội đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính, dù lần đầu trả lời, nhưng đã chuẩn bị tốt nội dung, cơ bản là tự tin, dù có lúc đại biểu dồn dập tranh luận, Chủ tịch Quốc hội dành lời khen cho ông Phớc.

Sau đó, bên hành lang, nhận câu hỏi rằng, ông tự đánh giá lần đầu lên “ghế nóng” của mình như thế nào, Bộ trưởng Phớc nói, ông không hài lòng lắm, vì có lúc bị đại biểu hỏi dồn nên cũng có phần lúng túng.

3.

Duy nhất là nữ, cũng không phải đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng bước lên “ghế nóng” khá tự tin. Chủ tịch Quốc hội nói vui rằng, không khí phiên chất vấn này sẽ vui tươi, dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, chất vấn từ các đại biểu thì không “dễ chịu” một chút nào. Đó là tại sao Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu có vướng mắc lại không sửa đổi, mà chỉ kéo dài, cách thức cấp hạn mức tín dụng ra sao, nghiên cứu tiền kỹ thuật số quốc gia thế nào...

Thống đốc trả lời khá đều đều, thiếu điểm nhấn và cũng bỏ lỡ những cơ hội “ghi bàn” khi đại biểu chất vấn về những vấn đề cử tri đang rất quan tâm, như cho vay qua ứng dụng (app), giải pháp để hạn chế hành vi người không vay nợ cũng bị đe dọa, quấy rối..., Thống đốc đều trả lời khá chung chung, nặng trích dẫn quy định đơn thuần.

4.

Sẽ là không đầy đủ nếu không nhắc đến người điều hành chất vấn, người “tiếp lửa” cho hoạt động được cử tri đặc biệt quan tâm này.

Theo thông lệ, Chủ tịch Quốc hội trực tiếp điều hành toàn bộ cả 5 phiên chất vấn. Ông không quá khắt khe khi đại biểu đặt câu hỏi quá một chút thời gian quy định (1 phút ), hay khi Bộ trưởng xin thêm vài phút để nói hết vấn đề đang dở, tránh không khí nghị trường căng thẳng.

Tuy nhiên, ông cũng không quên nhắc các vị bộ trưởng những nội dung đại biểu hỏi mà chưa được trả lời, hay đề nghị bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề đại biểu hỏi.

Đặc biệt, với sự am hiểu sâu sắc về tài chính, tiền tệ, Chủ tịch Quốc hội đã làm cho những con số sống động hơn và yêu cầu các vị trả lời chất vấn làm rõ thêm trước Quốc hội.

Chẳng hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn rất sơ khai, thế nhưng, riêng năm 2021 tăng rất đột biến. Nếu năm 2020, mới hơn 4% GDP thì năm 2021 tăng lên 15% GDP, trong khi mục tiêu đặt ra đến năm 2025 chỉ có 20%. Vậy chính sách pháp luật có gì bất cập và sơ hở không?

Rồi sau hàng loạt hỏi - đáp về những rủi ro của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Chủ tịch Quốc hội bình luận: các nhà điều hành khẳng định không siết thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản, nhưng 5 tháng đầu năm nay, thị trường này chững lại, nhà đầu tư muốn huy động vốn thì rất khó khăn.

Ông lưu ý: “Chúng ta thanh tra, kiểm tra và giám sát từ sớm, từ xa, chứ để mất bò mới lo làm chuồng thì rất dở. Nhưng nếu để xảy ra trường hợp mất bò rồi, mà không dám làm lại chuồng, thì còn dở hơn”.

Với các vị đại biểu Quốc hội, những người góp phần không nhỏ đến chất lượng của hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cũng không quên khích lệ kịp thời.

Khi đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chất vấn về tính hợp lý của việc cấp hạn mức tín dụng và lo ngại biện pháp này sẽ can thiệp vào hoạt động của các ngân hàng, Chủ tịch Quốc hội nói, đây là câu hỏi rất hay. Ông nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên, Quốc hội chất vấn về hạn mức tín dụng, vấn đề được các tổ chức tín dụng rất quan tâm, liệu cơ chế này có mang tính hành chính không, công khai minh bạch thế nào, tiến tới có bỏ được không.

Vấn đề này, trước phiên chất vấn đầu tiên, Báo Đầu tư cũng đã thông tin rằng, cơ chế cấp hạn mức tín dụng thực ra là công cụ hành chính, một tình thế lựa chọn miễn cưỡng. Hiển nhiên, nó chứa đựng cả 2 mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực ở chỗ, những mệnh lệnh hành chính này rất hiệu lực. Tiêu cực là hình thành cơ chế “xin - cho” với quy trình thủ tục rườm rà, mập mờ, tạo nhiều kẽ hở để bị lợi dụng.

Với câu hỏi "rất hay" đó, phần trả lời của Thống đốc chưa được đại biều đồng tình. Nhưng, đó cũng là chuyện thường ở Quốc hội. Và các vị "tân binh' vẫn còn nhiều thời gian để giảm "nhiệt" những vấn đề đang khiến cả doanh nghiệp và người dân bất an, lo lắng, bằng hành động hậu chất vấn sau kỳ họp này.

Tin bài liên quan