Châu Á thúc đẩy quy định rõ ràng hơn về tiền điện tử so với Mỹ

Châu Á thúc đẩy quy định rõ ràng hơn về tiền điện tử so với Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo các nhà quan sát trong ngành, châu Á đang thúc đẩy sự rõ ràng về tiền điện tử trong bối cảnh quy định không chắc chắn ở Mỹ và điều này có thể giúp khu vực này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Ben Charoenwong, trợ lý giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Các quy định về tiền điện tử ở châu Á đã tiến hành nhanh hơn và rõ ràng hơn so với ở Mỹ. Điều này đã khiến châu Á trở thành địa điểm hàng đầu cho nhiều đổi mới của Fintech”.

Đầu tháng này, Hồng Kông (Trung Quốc) đã chính thức mở cửa giao dịch tiền điện tử cho các nhà đầu tư cá nhân và nâng cấp giấy phép của hai sàn giao dịch. Sàn giao dịch HashKey và OSL hiện có thể mở rộng hoạt động kinh doanh của họ ngoài các nhà đầu tư chuyên nghiệp và bao gồm cả các nhà đầu tư cá nhân.

Lennix Lai, Giám đốc thương mại toàn cầu của Sàn giao dịch tiền điện tử OKX cho biết: “Điều đó cho thấy rằng tiền điện tử đang trở thành một loại tài sản được công nhận với tình trạng pháp lý tương tự như các loại tài sản truyền thống. Điều này sẽ tiếp tục củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, khiến Hồng Kông trở nên hấp dẫn hơn với tư cách là một trung tâm tiền điện tử toàn cầu tiềm năng”.

Năm ngoái, đặc khu này cho biết, họ nhận ra “tiềm năng của công nghệ sổ cái phân tán và Web 3.0 để trở thành tương lai của tài chính và thương mại” và hy vọng sẽ nâng cao hiệu quả và tính minh bạch với quy định phù hợp.

Singapore cũng là quốc gia đi đầu trong quy định về tiền điện tử. Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã cấp giấy phép cho Blockchain.com vào tháng 8, đây là một bản nâng cấp cho sự chấp thuận về nguyên tắc mà công ty đã nhận được vào tháng 10/2022. Sàn giao dịch Ripple cũng đã nhận được sự chấp thuận về nguyên tắc vào tháng 6. Điều này có nghĩa là Blockchain.com và Ripple có thể cung cấp các dịch vụ tiền điện tử được quản lý tại Singapore.

Trong khi đó, Thái Lan và Indonesia đã cấm sử dụng tiền điện tử để thanh toán, nhưng cho phép chúng được giao dịch như một loại hàng hóa.

Ngược lại, Coinbase và Ripple đang bị vướng vào các vụ kiện với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) với cáo buộc hai công ty này đã vi phạm luật chứng khoán. Cả Coinbase và Ripple, cũng như các công ty tiền điện tử khác, đã đe dọa rời khỏi Mỹ để đáp trả những quy định hà khắc của SEC.

Bất ổn trong quy định tiền điện tử ở Mỹ

Lĩnh vực tiền điện tử đã bị vướng vào những vụ bê bối trong năm qua. Vào tháng 11/2022, sàn giao dịch tiền điện tử FTX đã nộp đơn xin phá sản, trong khi Terraform và Giám đốc điều hành Do Kwon của FTX đã bị buộc tội vào tháng 2/2023 vì lừa gạt các nhà đầu tư.

Bitcoin sau đó đã giảm xuống mức gần 28.373 USD, thấp hơn nhiều so với mức cao nhất kỷ lục là hơn 65.000 USD đạt được vào năm 2021.

Các nhà lãnh đạo tiền điện tử đã chỉ trích Mỹ và cách tiếp cận quy định của Mỹ, đặc biệt là vì sự thiếu rõ ràng.

Vào năm 2020, SEC đã cáo buộc Ripple và những người đồng sáng lập vi phạm luật chứng khoán bằng cách bán XRP - tiền điện tử của mình mà không đăng ký trước với SEC. Nhưng vào tháng 7/2023, một phán quyết mang tính bước ngoặt đã xác định bản thân mã thông báo này không nhất thiết phải là chứng khoán.

Trong khi đó, SEC đã kiện Coinbase vào tháng 6 vì cáo buộc họ đang điều hành một sàn giao dịch và mảng môi giới mà chưa đăng ký với SEC. Trong cùng tháng, Binance bị cáo buộc vì một số vi phạm luật chứng khoán.

“Tôi nghĩ thật công bằng khi nói rằng Mỹ đã làm cho một số việc trở nên khó hiểu nhất có thể về các quy tắc đi đường dành cho ngành công nghiệp tiền điện tử. SEC đã thực sự đi đầu trong sự nhầm lẫn đó”, Giám đốc điều hành Ripple Brad Garlinghouse cho biết. Ông kết luận rằng một số công ty tiền điện tử có thể rời Mỹ để đến với các khu vực pháp lý tiến bộ hơn.

Quy định rõ ràng hơn về tiền điện tử ở châu Á

Singapore và Hồng Kông đã mang lại sự rõ ràng hơn trong hoạt động cho nhiều công ty trong ngành.

“Singapore có lợi thế đi đầu ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, bao gồm cả việc đi trước Hồng Kông (Trung Quốc)”, Janice Goh, đối tác tại Cavenagh Law cho biết.

Đạo luật dịch vụ thanh toán của Singapore - một khuôn khổ để điều chỉnh các dịch vụ thanh toán và cung cấp dịch vụ tiền điện tử cho công chúng - đã có hiệu lực vào tháng 1/2020.

“Trong khi ở Hồng Kông, họ đã có cơ hội và nhận thức muộn hơn khi trải qua mùa đông tiền điện tử và xem xét những gì các cơ quan quản lý khác đã làm để cải thiện và triển khai chế độ của mình”, ông Janice Goh cho biết.

Singapore đã tăng cường giám sát các công ty tiền điện tử. Nước này đã ra yêu cầu các công ty giữ an toàn tài sản của khách hàng dưới sự ủy thác theo luật định trước cuối năm nay. MAS cũng đang hạn chế các công ty tạo điều kiện cho vay hoặc đặt cọc tài sản của khách hàng cá nhân.

Vào thứ Ba (15/8), Singapore đã đưa ra các quy tắc cho stablecoin và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới làm như vậy.

Vào tháng 11/2022, Ravi Menon, Giám đốc điều hành của MAS cho biết, Singapore muốn trở thành một trung tâm cho các tài sản kỹ thuật số, nhưng không phải là một trung tâm để đầu cơ vào tiền điện tử.

Ong Chengyi, Trưởng bộ phận chính sách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty phân tích chuỗi khối Chainalysis cho biết: “Hồng Kông và Singapore đều giống nhau về cách tiếp cận để duy trì các tiêu chuẩn quy định rất cao, cũng như rất chủ động trong việc tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tài sản kỹ thuật số”.

Vào tháng 6/2023, Sàn giao dịch Gemini cho biết, họ sẽ tăng số lượng nhân viên tại Singapore và nước này sẽ đóng vai trò là trung tâm khu vực của họ, cùng với Coinbase và Ripple trong việc mở rộng hoạt động ở châu Á.

Tin bài liên quan